Chỉ những người trẻ bất tài mới vội vã khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, ít giao du, ngửa tay xin tiền bố mẹ,…thì xin đừng huyễn hoặc vào một kỳ tích!

21/06/2019 13:03 PM | Sống

Người trẻ khởi nghiệp: "Vì sao chỉ có 1,2 người thành công trong khi bắt đầu có khi đến cả chục người?". Tuyệt đối không phải do may mắn!

Hàng ngày, không khó để tìm thấy trên mặt báo các câu chuyện về những tấm gương khởi nghiệp như cậu bạn A mở shop quần áo trên Quận 1, cô bạn B mở shop mỹ phẩm hoành tráng ở trung tâm. Nhưng trong những câu chuyện ấy, có được mấy người thành công thực sự? Có được mấy người theo đuổi tới cùng niềm đam mê từ lúc bắt đầu nhen nhóm?

Với khí thế hừng hực, tinh thần sẵn sàng "ăn tươi nuốt sống" bất kì khó khăn nào dám cả gan cản trở mình, những người trẻ mới ra trường có được sự liều lĩnh, táo bạo mà nhiều người ước ao nhưng lại thiếu đi những kinh nghiệm thực tế có thể giúp họ chiến thắng chốn thương trường.

Hiện nay, khởi nghiệp như một hũ mật thơm ngon, thu hút hàng triệu người tìm đến nó mỗi năm. Nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, nhưng vì sao thành quả cuối cùng chỉ dành cho một vài người? Tại sao đa phần đứt gánh giữa đường và phải chịu thất bại ê chề?

Chỉ những người trẻ bất tài mới vội vã khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, ít giao du, ngửa tay xin tiền bố mẹ,…thì xin đừng huyễn hoặc vào một kỳ tích! - Ảnh 1.

(1) Nguồn lực hạn chế, vị thế khó bật

Nguồn lực ở đây là nguồn vốn, là kinh nghiệm, là các mối quan hệ xã hội. Với tất cả những điều này, người trẻ mới dừng ở mức tiếp cận ban sơ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sự nghiệp của họ mãi lẹt đẹt mà không thể bứt phá.

Nếu chuyện khởi nghiệp quá dễ dàng thì đó đã không còn là câu chuyện rôm rả luôn được nhiều người đề cập. Bắt tay vào khởi nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào, nếu bạn nghĩ chỉ cần tấm bằng đại học, rồi học thêm dăm ba văn bằng, chứng chỉ kinh tế là đã có thể vỗ ngực "Tôi sẽ khởi nghiệp thành công" thì bạn đã lầm!

Nói một cách đơn giản, làm kinh tế muốn thành công phải đi liền với thực tiễn. Hầu hết các doanh nhân thành đạt bạn thấy ngày hôm nay, họ đã phải trải qua quá trình cọ xát, phân tích thị trường cũng như giải quyết được những bài toán khó khăn trong quá trình khảo sát thực tế. Đó là cả một quá trình tích lũy, kiên trì, không thể vội vàng muốn là được.

Nhưng nếu chỉ có kinh nghiệm thôi thì chưa đủ. Bạn cũng phải có con mắt nhạy bén, cái đầu nhanh nhạy để nắm bắt những mối quan hệ quan trọng cho mai sau. Đồng thời, một nguồn tài chính ổn định, đủ để chi trả cho những khó khăn bất chợt ập tới cũng là yếu tố vô cùng cần thiết cho những câu chuyện khởi nghiệp thành công

Nếu thiếu những yếu tố trên, việc kinh doanh của bạn gần như chắc chắn chỉ có thể đâm vào ngõ cụt!

Chỉ những người trẻ bất tài mới vội vã khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, ít giao du, ngửa tay xin tiền bố mẹ,…thì xin đừng huyễn hoặc vào một kỳ tích! - Ảnh 2.

(2) Bắt chước để thành công: Đúng nhưng chưa đủ

Nhiều bạn trẻ chỉ cần nhìn thấy người này, người kia mới bằng tuổi mình mà đã thành công rực rỡ thì cũng bắt đầu rạo rực ý chí trong người. Tuy nhiên, các bạn ấy lại chưa chuẩn bị đủ để "bắt chước" cho tốt.

Bạn thấy nguồn hàng rẻ, bạn vội vàng mua ngay vì sợ người khác "hớt" mối mất. Nhưng bạn lại không trực tiếp kiểm tra nguồn hàng mà chỉ giao dịch online, chưa được tận tay sờ vào sản phẩm mình bán nhưng vẫn liều lĩnh đặt cọc. Đến khi nhận được hàng chẳng giống quảng cáo, phải bản lĩnh lắm may ra bạn mới lấy lại được một phần tiền (nhưng chuyện cổ tích này mấy khi xảy ra!). Còn nếu "hiền lành" hơn, chẳng có cách nào khác ngoài chấp nhận đắng cay.

Những hình mẫu mà bạn nhìn để bắt chước, có thể họ cũng từng trải qua những điều tương tự. Nhưng tôi tin rằng, để thành công như vậy, họ chắc chắn không bao giờ bỏ qua bước thăm dò thị trường cẩn thận và thận trọng tiêu từng đồng khi bắt đầu nhập lô hàng mới!

Và bạn cũng nên nhớ, bạn có thể bắt chước cách họ làm ăn, nhưng mỗi lĩnh vực sẽ có bản sắc riêng. Nếu không tạo ra bản sắc riêng thì một doanh nghiệp sẽ không bao giờ ghi được dấu ấn trong lòng khách hàng.

(3) Quản lý chi phí: Không phải câu chuyện đơn giản

Sóng sau khó có thể xô sóng trước. Không thể phủ nhận rằng, người trẻ mới ra trường hiện nay gặp vô vàn những khó khăn trong việc lật đổ những "đế chế" hùng mạnh mà người đi trước để lại. Ngoài sự cạnh tranh khốc liệt thì giá nhà đất tăng cao khiến cho chi phí thuê mặt bằng, văn phòng,… trở thành bài toán khá đau đầu. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt, chi phí thuê nhân công cũng tăng lên khá nhiều so với 5 năm trước.

Nếu trước kia, bạn chỉ cần bỏ ra từ 1-3 triệu/tháng đã có thể thuê một sinh viên giỏi về phụ việc. Nhưng hiện nay con số này đã tăng gần gấp đôi lên 3-5 triệu/tháng. Dù cắt giảm chi phí thế nào thì cũng phải đồng ý rằng bạn không thể tự mình làm nên doanh nghiệp.

Đây cũng là lý do vì sao hàng ngày, nơi đâu cũng có thể thấy những doanh nghiệp còn non trẻ đột nhiên đóng cửa dù hôm trước vẫn còn rình rang.

Chỉ những người trẻ bất tài mới vội vã khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, ít giao du, ngửa tay xin tiền bố mẹ,…thì xin đừng huyễn hoặc vào một kỳ tích! - Ảnh 3.

(4) Chưa đủ năng lực để lèo lái dòng tiền đầu tư

Năng lực thực hiện và quản lý tài chính tỉ lệ nghịch với tiền đầu tư.

Chưa kể đến các khoản đầu tư dài hạn thì trong quá trình kinh doanh sẽ có không ít các khoản vốn đầu tư ngắn hạn cần được thực hiện khi cơ hội tốt xuất hiện. Lúc này, buộc phải tập trung tài chính và đầu tư. Những người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này hoặc không đủ thực lực sẽ bị tốc độ của việc đầu tư lôi kéo không kịp trở tay. Chuyện này thường xảy ra nhiều hơn với những ngành có chuyên môn thấp.

Trong cuốn sách Chiến lược đại dương xanh tôi từng đọc, có khái niệm "đại dương đỏ" và "đại dương xanh" rất hay.

Vùng "đại dương đỏ" hiểu đơn giản là đại diện cho tất cả các ngành nghề hiện nay. Có thể hiểu, những vùng đất càng màu mỡ sẽ càng thu hút nhiều người đến cạnh tranh. Tuy nhiên, về lâu dài, mảnh đất này sẽ mất dần đi "chất dinh dưỡng" và đem đến lợi nhuận không còn cao như ban đầu.

Ngược lại, "đại dương xanh" nói về khái niệm các ngành nghề chưa từng xuất hiện, chờ người phát hiện ra và "khởi nghiệp." Vì là vùng đất hoang nên ai kiên trì khai thác sẽ đem đến nguồn lợi nhuận khổng lồ, ít cạnh tranh hơn và đem đến nhiều cơ hội làm việc hơn cho người lao động. Tất nhiên, về sau, khi vùng "đại dương xanh" được nhiều người biết đến hơn thì nó cũng bến thành "đại dương đỏ".

Không chỉ trong kinh doanh mà bất kỳ lĩnh vực nào, luôn tồn tại song song "đại dương xanh" và đại dương đỏ." Nhưng "đại dương xanh" chỉ xuất hiện với những người không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ và dám làm! Trong khi đó, vì vội vã để thành công, các bạn trẻ ngày nay cứ đâm đầu vào đại dương đỏ và hỏi tại sao thành quả thu về không tương xứng với những gì mình bỏ ra?

Chỉ những người trẻ bất tài mới vội vã khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, ít giao du, ngửa tay xin tiền bố mẹ,…thì xin đừng huyễn hoặc vào một kỳ tích! - Ảnh 4.

(5) Thị trường không ngừng thay đổi, hấp tấp khởi nghiệp sẽ không thể đón đầu xu hướng!

Muốn kinh doanh suôn sẻ, bạn phải hiểu được thị hiếu của khách hàng và sự biến chuyển từng ngày của thị trường.

Vì sao có nhiều doanh nhân thích xem thời sự đến vậy? Đó chẳng phải chỉ là tổng hợp lại các thông tin đã diễn ra trong một ngày hay sao? Thực ra, thời sự tổng hợp hầu hết các tin tức của các lĩnh vực trong xã hội. Nếu thực sự nghiêm túc nghiên cứu, thời sự sẽ giúp bạn nhìn ra xu hướng của thị trường, cả về nhu cầu của con người lẫn các ngành đang thu hút đầu tư.

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" luôn đúng trong mọi thời điểm kinh doanh. Nắm trong tay những sản phẩm, chiến lược marketing phù hợp với xu hướng thị trường, dự đoán trước thị hiếu của khách hàng,bạn sẽ có xác suất thành công cao hơn.

Khó khăn lớn nhất của những người trẻ đang ôm mộng khởi nghiệp là nghĩ chưa thấu, nhìn chưa xa. Qua một vài lần vấp ngã, nếu rút ra được những bài học này và áp dụng vào thực tế, con đường của bạn sẽ bớt chông gai.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM