Chỉ 6 quốc gia trên thế giới đã chuẩn bị các bước cần thiết để đối phó với đại dịch toàn cầu

07/08/2017 07:00 AM | Xã hội

Theo một báo cáo gần đây được tài trợ bởi World Bank, chỉ có 6 trong tất cả các quốc gia trên thế giới – 3 nước giàu và 3 nước nghèo – đã thực hiện các bước cần thiết để đánh giá khả năng đối phó với đại dịch toàn cầu.

Cũng theo báo cáo này, chỉ 3 quốc gia giàu có bao gồm Phần Lan, Ả-rập Xê-út và Mỹ đã trải qua 2 cuộc đánh giá được đối tác bên ngoài thực hiện về sự sẵn sàng đối phó với đại dịch, một dành cho dịch bệnh của con người và một cho bùng nổ dịch bệnh ở động vật.

Tính đến tháng 4, chỉ có 3 quốc gia nghèo là Eritrea, Pakistan và Tanzania đã trải qua 2 cuộc đánh giá nói trên và họ đã lên kế hoạch để tìm kiếm nguồn tiền giúp họ khắc phục những điểm yếu còn tồn tại.

Báo cáo ngắn gọn và sinh động “From Panic and Neglect to Investing in Health Security” được viết bởi những chuyên gia tới từ World Bank, IMF, ngân hàng phát triển châu Phi và châu Á, và những quan chức tài chính của các chính phủ khác nhau.

Dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Jim Yong Kim, chủ tịch hiện tại, World Bank đã ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập các quỹ khẩn cấp để chống lại sự bùng nổ dịch bệnh. Năm 1987, ông Kim đã giúp thành lập Partners in Health, nơi cung cấp dịch vụ y tế ở Haiti và các nước nghèo khác và đối phó với Ebola ở Tây Phi vào năm 2014.

Các cuộc đánh giá bên ngoài được thực hiện dưới sự hợp tác với tổ chức WHO và Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới (OIE), một cơ quan của LHQ ở Paris.. (Kể cả những bệnh chỉ lây nhiễm sang động vật có thể gây tổn hại cho nền kinh tế như giảm xuất khẩu thịt, hoặc nâng giá lương thực trong nước.)

Số lượng bùng nổ bệnh dịch hằng năm trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1980, và di chuyển bằng đường hàng không lan truyền bệnh dịch từ bên này sang bên kia đại dượng thường xuyên hơn rất nhiều.

Để thuyết phục các quốc gia rằng sự sẵn sàng đối phó với đại dịch có lợi, bản báo cáo đã bao gồm ước tính thiệt hại kinh tế do các đại dịch đã từng gây ra. Ví dụ, SARS dù chỉ khiến cho 774 người tử vong đã làm giảm GDP giảm 0,5% vào năm 2003.

Báo cáo cũng đã chỉ ra chi phí trên đầu người. Ví dụ, chi phí trên đầu người của một đại dịch cúm ở Afghasnistan chỉ là 12 USD/người dân, nhưng ở Mỹ, con số đó là 248 USD/người dân.

Chính phủ Mỹ chi 60% trong 4 tỷ USD được giải ngân mỗi năm để ngăn chặn những đại dịch toàn cầu. Một mình Quỹ Bill and Melinda Gates đã là nhà tài trợ lớn thứ 3, chiếm 10% chi phí. Vương quốc Anh trả 13%. Canada, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Na Uy chi trả phần còn lại.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM