Chi 4.000 tỷ đồng để điều chỉnh chuẩn nghèo: "Công trình, dự án có thể nợ nhưng không thể nợ người dân"

17/06/2016 09:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trao đổi về phương án sử dụng 4.000 tỷ đồng để điều chỉnh chuẩn nghèo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã có buổi làm việc cho về phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2015 và tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng.

Theo báo cáo của Chính phủ, với 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng, Chính phủ đã đề nghị cho phép chuyển sang năm 2016.

Phương án sử dụng là dành 4.000 tỷ đồng để điều chỉnh chuẩn nghèo.

Đồng thời, tăng chi đầu tư phát triển 6.000 tỷ đồng, trong đó bổ sung vốn đối ứng các dự án ODA trọng điểm, cấp bách 4.000 tỷ đồng, bổ sung vốn chống hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL 2.000 tỷ đồng.

Đa số các ý kiến nhất trí với đề nghị trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, theo Nghị quyết của Trung ương thì khoản 10.000 tỷ đồng chỉ dành cho đầu tư phát triển, do đó cần cân nhắc việc chi cho chính sách giảm nghèo.

"Dựa vào đâu để đề xuất tiền bán cổ phần thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo, phương án này có dựa vào nghị quyết của Quốc hội hay không?", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, khi đã bố trí đủ cho đầu tư phát triển theo dự toán thì cũng không nặng nề việc phải dành chi thêm cho đầu tư phát triển.

“Đầu tư công trình, dự án có thể nợ chứ không thể nợ người dân. Đây là điều chúng tôi rất băn khoăn, hơn nữa điều kiện cân đối chúng ta có, giải ngân XDCB còn dư địa. Vì vậy, rất mong Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ủng hộ phương án này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thuyết phục.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: "Ta còn nợ dân nhiều khoản, không phải vì nợ mà chi không đúng danh mục thì sẽ bị quy kết trách nhiệm".

Bày tỏ rằng rất chia sẻ với Bộ trưởng, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng kiên quyết, đây là tài sản quốc gia nên chỉ đầu tư cho phát triển, không thể chi cho các khoản chi khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, ta hiện nay đang nợ tiền chính sách nhà ở với người có công, 260.808 người có công với 9.600 tỷ đồng. Đây là vấn đề cần báo cáo lại và Chính phủ cần làm rõ tờ trình để thẩm tra trình QH.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định phương án sử dụng 10 nghìn tỷ đồng nói trên.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM