Chế nhạo cách dùng đũa của người châu Á: Nguyên nhân khiến các thương hiệu nổi tiếng bị tẩy chay

10/04/2019 08:57 AM | Kinh doanh

Burger King là thương hiệu mới nhất bị chỉ trích vì "thiếu nhạy cảm văn hóa" khi sử dụng đũa trong các đoạn quảng cáo sản phẩm sau trường hợp của D&G năm 2018. Trước đó, nhiều công ty cũng bị tẩy chay vì những bê bối liên quan đến phân biệt chủng tộc.

Những quảng cáo dùng đũa gây tranh cãi

Hãng đồ ăn nhanh Burger King của Mỹ vừa phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích sau khi đăng tải một đoạn quảng cáo được cho là phân biệt chủng tộc trên trang Instagram của Burger King New Zealand. Trong đoạn quảng cáo này, các nhân vật đang vật lộn thử món bánh mì kẹp thịt và tương ướt ngọt kiểu Việt Nam bằng đôi đũa màu đỏ cỡ lớn, bên dưới là dòng chú thích: “Tận hưởng vị giác trên đường đến TP HCM”.

Đoạn quảng cáo đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ khi nhiều người cho rằng thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ đang xúc phạm và chế giễu phong tục ẩm thực của châu Á. Không lâu sau, Burger King phải xóa đoạn phim này đồng thời đưa ra lời xin lỗi.

Mario Mo - người New Zealand gốc Hàn Quốc - đã phát hiện đoạn quảng cáo này và chia sẻ trên Twitter. Theo Mo, bất luận Burger King muốn hướng tới thông điệp gì, họ cũng thể hiện thái độ đầy thành kiến về người châu Á. "Có hàng tỷ người trên thế giới ăn bằng đũa, nhưng chẳng có ai lại dùng nó để ăn hamburger cả", cô nói.

Tại Việt Nam, hàng loạt người dùng mạng xã hội cũng kêu gọi tẩy chay và đánh giá 1 sao cho cho các cửa hàng Burger King tại Hà Nội và TP HCM.

“Công ty Burger King không tôn trọng văn hoá ẩm thực của người Việt Nam khi quảng cáo của họ mang tính chế giễu và phân biệt chủng tộc. Nên tẩy chay cho họ biết sai lầm của họ là lớn đến mức nào”, một người dùng đánh giá trên Google.

Chế nhạo cách dùng đũa của người châu Á: Nguyên nhân khiến các thương hiệu nổi tiếng bị tẩy chay - Ảnh 1.

Burger King bị nhiều người dùng Việt đánh giá 1 sao. Ảnh chụp màn hình.

Đây không phải lần đầu tiên, một thương hiệu phương Tây gây tranh cãi khi sử dụng đũa trong video quảng cáo sản phẩm.

Năm 2018, hình ảnh một người mẫu Trung Quốc lóng ngóng dùng đũa để thưởng thức những món ăn phương Tây như pizza và mì ống – với thái độ cười cợt, mỉa mai - trong video quảng cáo của Dolce & Gabbana (D&G) khiến quốc gia đông dân nhất thế giới vô cùng phẫn nộ.

Nhiều ngôi sao Trung Quốc tuyên bố chấm dứt hợp đồng với D&G. Các trang thương mại điện tử nước này rút hết các sản phẩm của nhà mốt nổi tiếng khỏi các gian hàng ảo. D&G cũng buộc phải hủy show trình diễn thời trang được đầu tư lớn ở Thượng Hải.

Chế nhạo cách dùng đũa của người châu Á: Nguyên nhân khiến các thương hiệu nổi tiếng bị tẩy chay - Ảnh 2.

Hình ảnh trong clip quảng cáo gây tranh cãi của D&G. Ảnh: Her World.

Hàng loạt công ty bị chỉ trích vì phân biệt chủng tộc

Bên cạnh D&G và Burger King, những cáo buộc liên quan đến việc phân biệt chủng tộc cũng từng khiến nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới khác điêu đứng.

Năm 2017, nhãn hiệu Dove thuộc Unilever quay quảng cáo sữa tắm. Trong đó xuất hiện hình ảnh một phụ nữ da đen cởi chiếc áo sơ mi màu nâu, để lộ một người phụ nữ da trắng mặc chiếc áo sáng màu bên dưới. Quảng cáo này đã bị lên án vì thúc đẩy nạn phân biệt chủng tộc. Nó khiến người xem nghĩ người da màu sẽ dùng sữa tắm Dove để tắm rửa cho đến khi họ có một làn da trắng sáng.

Đầu năm 2018, hãng thời trang H&M phải lên tiếng xin lỗi và tạm thời đóng cửa một số cửa hàng ở Nam Phi. Nguyên nhân xuất phát từ đoạn quảng cáo trực tuyến trong đó nhân vật chính là một cậu bé da màu mặc chiếc áo in dòng chữ "con khỉ ngầu nhất khu rừng" của hãng. Trong khi đó, hai mẫu nhí da trắng khác mặc áo hình thú không in chữ và áo hình hổ in dòng chữ “survival expert” (chuyên gia sinh tồn).

Tháng 4 năm ngoái, Starbucks phải tạm thời đóng hơn 8.000 cửa hàng tại Mỹ để đào tạo lại 175.000 nhân viên về chống phân biệt chủng tộc. Động thái này diễn ra sau khi chuỗi cà phê này bị cáo buộc là đã bắt giữ 2 người da màu vì họ ngồi đợi bạn ở trong quán mà không gọi nước. Sự việc sau đó làm bùng lên làn sóng phản đối Starbucks dữ dội trong cộng đồng người da màu cũng như toàn nước Mỹ.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM