Chạy theo cuộc đua giảm giá ô tô, Thaco, Haxaco, Savico, City Ford đồng loạt công bố kết quả thất vọng trong quý 2

04/08/2017 15:35 PM | Kinh doanh

Nếu chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh thuần thì cả 3 doanh nghiệp phân phối xe đều báo lỗ. Trong đó, Haxaco lỗ từ hoạt động kinh doanh hơn 14 tỷ đồng, Savico lỗ hơn 10 tỷ đồng và City Ford lỗ 8 tỷ đồng.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng tiêu thụ ô tô các loại trong 6 tháng đầu năm đạt 125.487 xe, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ ô tô là nhóm xe du lịch với 74.438 xe, tăng 11% trong khi các loại xe khác đều tăng trưởng âm.

Sự tăng trưởng tích cực của các dòng xe du lịch sẽ mang lại niềm vui cho các doanh nghiệp phân phối ô tô như Haxaco (phân phối Mercedes), City Ford (phân phối Ford), Savico (chủ yếu phân phối Toyota, ngoài ra còn có Honda, Mitsubishi…).

Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm, đặc biệt trong quý 2 đã phản ánh rõ nét sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp phân phối ô tô. Cụ thể, trong quý 2/2017, doanh thu Haxaco đạt mức kỷ lục với 1.035 tỷ đồng – tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; City Ford – đại lý phân phối xe Ford lớn thứ 2 toàn quốc cũng đạt doanh thu 907 tỷ đồng – tăng hơn 8%. “Ông lớn” ngành phân phối xe Savico đạt doanh thu 3.573 tỷ đồng trong quý 2 – tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù doanh thu tiêu thụ xe tăng mạnh, tuy nhiên lợi nhuận các doanh nghiệp phân phối xe trong quý 2 vừa qua lại khiến giới đầu tư khá thất vọng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2 của Savico chỉ đạt 34,38 tỷ đồng – giảm 6,5%; City Ford đạt 2,75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – giảm 86% so với cùng kỳ năm trước. Haxaco thậm chí còn “thê thảm” hơn khi lỗ 7,2 tỷ đồng trong quý 2, mặc dù đây là quý có doanh thu kỷ lục.

Nếu chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh thuần thì cả 3 doanh nghiệp phân phối xe đều báo lỗ. Trong đó, Haxaco lỗ từ hoạt động kinh doanh hơn 14 tỷ đồng, Savico lỗ hơn 10 tỷ đồng và City Ford lỗ 8 tỷ đồng.

"Lao đao" vì áp lực giảm giá xe?

Theo giải trình của các hãng xe, việc báo lỗ trong bối cảnh doanh xe tăng trưởng mạnh đến từ áp lực giải phóng hàng tồn kho cũng như hạ giá xe.

Như trường hợp của Savico, trong quý 2, tình hình kinh doanh của các đơn vị dịch vụ thương mại, đặc biệt là các đơn vị ô tô gặp nhiều khó khăn, áp lực giải phóng hàng tồn kho dẫn đến cạnh tranh gay gắt bằng việc liên tục giảm giá bán, điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm.

Tương tự là Haxaco, công ty cho biết các đại lý phân phối xe Mercedes, trong đó có Haxaco trong quý 2 đã phải áp dụng nhiều biện pháp như giảm giá, khuyến mãi nhằm hút khách. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về giá bán giữa các đại lý khiến cho công ty phải giảm giá đối với hầu hết các dòng xe dẫn đến lợi nhuận âm, không đủ bù đắp chi phí. Ngoài ra, Haxaco cũng “xả kho” dòng C-Class để tiếp nhận các dòng xe mới nên buộc phải giảm giá bán lỗ.

Thaco – doanh nghiệp lắp ráp, phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam cũng có quý 2 đáng quên khi giảm mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 của Thaco giảm 14% xuống 12.734 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế giảm gần 50% xuống 1.195 tỷ đồng. Việc doanh thu quý 2 của Thaco giảm mạnh có nguyên nhân không nhỏ từ việc doanh nghiệp này không còn “chịu chơi” hạ giá xe như trong giai đoạn trước đó, dẫn tới sụt giảm doanh số bán hàng.

Tiêu thụ ô tô Thaco sụt giảm mạnh vì cuộc đua hạ giá xe

Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), thời điểm giảm thuế ô tô nhập khẩu (năm 2018) càng cận kề, thị trường càng gánh chịu tác động tiêu cực lớn từ tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng. Để đẩy được sản lượng và giữ thị phần trước đối thủ, các doanh nghiệp ô tô buộc phải thực hiện chiến lược giảm giá cho dù có những doanh nghiệp sẽ không hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Một số hãng vẫn tiếp tục đưa ra những chương trình giảm giá, khuyến mãi và các gói ưu đãi nhằm kích cầu. Tuy nhiên, liên tiếp hạ giá lại đưa người tiêu dùng đến tâm lý phản ứng ngược là hoang mang liệu giá có tiếp tục giảm và điều này càng làm xấu đi khung cảnh vốn dĩ đang ảm đạm dần của thị trường.

Tiền hỗ trợ bán hàng, nguồn thu chính của các doanh nghiệp phân phối ô tô

Có thể nói, việc liên tục hạ giá ô tô, trong khi các chi phí phát sinh (bán hàng, quán lý doanh nghiệp) đều gia tăng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, đặc thù của các doanh nghiệp phân phối ô tô là phần lớn lợi nhuận sẽ không đến trực tiếp từ việc bán xe mà gián tiếp đến từ khoản tiền hỗ trợ bán hàng của hãng. Nếu hoàn thành lượng xe được bán với nhiều tiêu chí đi kèm (như đủ số lượng xe các dòng, chất lượng phục vụ…) thì nhà phân phối sẽ được thưởng một lượng tiền nhất định trên doanh số bán hàng. Do đó, việc được nhận thưởng bao nhiêu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới KQKD của doanh nghiệp.

Như trường hợp Savico, mặc dù báo lỗ hơn 10 tỷ từ hoạt động kinh doanh nhưng nhờ 54 tỷ đồng doanh thu khác (phần lớn là tiền thưởng từ hãng) đã giúp doanh nghiệp này “ngược dòng” báo lãi hơn 34 tỷ đồng. Tương tự, City Ford cũng được thưởng 9,4 tỷ đồng từ Ford Việt Nam trong quý 2, giúp doanh nghiệp báo lãi 2,43 tỷ đồng.

Còn với Haxaco là một vấn đề khác khi công ty chỉ ghi nhận tiền thưởng từ MBV hơn 7 tỷ đồng, con số thấp nhất kể từ quý 4/2015 tới này mặc dù doanh thu bán hàng đạt kỷ lục trong quý 2/2017 và điều này khiến công ty lỗ trong quý 2. Tuy nhiên, điều này có thể lý giải bởi cách ghi nhận tiền thưởng của Haxaco phần lớn thường rơi vào quý 1 và quý 3 hàng năm.

Theo ước tính, thông thường Haxaco sẽ được MBV thưởng khoảng 3-4% trên doanh số bán hàng từ MBV. Với doanh thu nửa đầu năm 2017 đạt 1.814 tỷ đồng, ước tính khoản tiền thưởng mà Haxaco nhận về (ghi nhận trong quý các quý tới - tương ứng với doanh thu bán hàng của nửa đầu năm 2017 có thể vào khoảng lên tới 50-70 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào kế hoạch lợi nhuận năm của công ty.

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM