"Chặt vòi" Công ty địa ốc Alibaba, được không?: Phải xử lý ngay trước khi "vỡ tổ"

20/06/2019 09:07 AM | Bất động sản

Alibaba có dấu hiệu kinh doanh theo mô hình Ponzi - vay tiền của người này để trả nợ người khác - rất nguy hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn, hậu quả gây ra cho xã hội là rất lớn

Ngày 19-6, UBND thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm đất đai tại thôn Tân Tiến, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được cho là liên quan đến Công ty CP Địa ốc Alibaba.

Tiếp tục cưỡng chế dự án "ma"

Trong số các trường hợp bị cưỡng chế có 14 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 19 và thửa đất số 294 tờ bản đồ số 10, do ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ TP Hà Nội) đứng tên. Tổng diện tích các thửa đất này là 24.500 m2, bị buộc cưỡng chế do tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thực hiện các công trình trái phép.

 Chặt vòi Công ty địa ốc Alibaba, được không?: Phải xử lý ngay trước khi vỡ tổ  - Ảnh 1.

Dự án “Khu dân cư Alibaba” ở huyện Tân Thành Ảnh: NGỌC GIANG

Trước đó, chủ đất bị UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng, yêu cầu tháo dỡ công trình, khôi phục lại nguyên trạng đất.

Theo tìm hiểu, khu đất này được treo biển "Khu dân cư Alibaba Tân Thành", đang được Alibaba phân phối sản phẩm đất nền dưới tên dự án "Alibaba Tân Thành Center City 1". Phía trước khu đất là một căn nhà treo biển "Tập đoàn địa ốc Alibaba".

Cùng ngày, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ và các phòng, ban liên quan đã làm việc theo lịch hẹn tiếp dân đối với đại diện của ông Nguyễn Thái Lực (ngụ tỉnh Gia Lai). Ông Lực đã ủy quyền cho 4 cá nhân đến để làm rõ việc cưỡng chế trên đất do ông đứng tên, từ thửa 60 đến thửa 96 tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ; đồng thời yêu cầu làm rõ lý do cưỡng chế, các văn bản liên quan. Đại diện ông Lực cũng yêu cầu cung cấp các giấy tờ giao nhận hồ sơ.

Đây là công trình mà vào ngày 13-6 UBND xã Tóc Tiên tiến hành cưỡng chế buộc tháo dỡ nhưng vấp phải sự phản đối của hàng trăm nhân viên của Alibaba. Trong vụ việc này, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự 2 nhân viên của Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh, để phục vụ điều tra hành vi cố ý hủy hoại tài sản.

Tại buổi tiếp công dân, UBND thị xã Phú Mỹ ghi nhận để xem xét, giải quyết việc đại diện ủy quyền của ông Lực yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến diện tích cưỡng chế. Quan điểm được chính quyền địa phương này đưa ra là việc tổ chức xử lý vi phạm hành chính về đất đai là theo đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật. Sắp tới đây chính quyền địa phương tiếp tục xử lý nghiêm minh, lập lại trật tự đất đai trên địa bàn, không để bất kỳ dự án "ma" nào tồn tại.

Đừng để "vỡ tổ" mới vào cuộc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thu hút khách hàng, Alibaba dùng chính sách nâng mức chi trả cho khách hàng khi đầu tư mua đất nền (chưa chắc có sản phẩm cụ thể) với lãi suất cao ngất, lên đến 48%. Alibaba còn đưa ra các quyền chọn vô cùng hấp dẫn. Quyền chọn 1 là Alibaba thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng trên tổng số tiền thực đóng trong thời hạn 1 năm. Quyền chọn 2 là mua lại sản phẩm với mức chênh lệch đến 38% sau 12 tháng... Đến quyền chọn 5, Alibaba mua lại chênh lệch 30%/15 tháng. Rất nhiều người vì thấy cái lợi trước mắt, không đề phòng rủi ro nên lao vào.

Phân tích những con số này, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính chứng khoán, cho rằng Alibaba đang "chơi trò" Ponzi (vay tiền của người này để trả nợ người khác) rất nguy hiểm. Đó là Alibaba đem bán, thu tiền của khách hàng từ dự án chưa triển khai hoặc chưa có sản phẩm thật (nền đất pháp lý rõ ràng) rồi dùng chính sách lợi nhuận để người mua sau bỏ tiền vào....

Nói rõ thêm về mô hình này, ông Khánh nói người này bị hấp dẫn bởi lợi tức cao nên tham gia và lôi kéo thêm người khác. "Trò Ponzi về nguyên tắc không thể kéo dài mãi vì người gửi tiền không phải là không có giới hạn, khi giới hạn này mất đi, đổ bể xảy ra và thông tin về kẻ chơi trò Ponzi sẽ dần bị lộ. Hậu quả của trò này là kẻ chủ mưu sẽ đào thoát, để lại thiệt hại khổng lồ cho người tham gia" - ông Khánh cảnh báo.

Đây là lý do mà ông Khánh đề nghị cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc để chặn đứng các hoạt động kinh doanh bất thường của Alibaba trước khi bị "vỡ tổ".

Trong khi đó, theo ông Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, Alibaba đang nhập nhằng giữa đầu tư bất động sản và huy động vốn, giữa chủ đất là cá nhân và tổ chức (công ty). Vì vậy, muốn áp dụng luật nào để truy cứu trách nhiệm, tìm ra các sai phạm, chiêu trò của Alibaba thì cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt. "Phải kiểm tra toàn bộ về hoạt động kinh doanh bất động sản, huy động vốn của công ty này" - ông Quang đề nghị.

Luật sư VÕ ĐAN MẠCH (Đoàn Luật sư TP HCM):

Có thể khởi tố hình sự

Đã đến lúc cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, thanh tra toàn diện Alibaba để làm rõ các hoạt động kinh doanh đất đai của Alibaba. Phải làm rõ các nguồn thu từ kinh doanh đất đai của Alibaba có hợp pháp hay không? Có thực hiện nghĩa vụ tài chính? Chính sách tuyển dụng sử dụng lao động có đúng quy định pháp luật? Có triển khai mô hình kinh doanh đa cấp bất chính núp bóng huy động vốn thông qua hợp đồng góp vốn đầu tư dự án bất động sản ảo?...

Căn cứ vào tình hình thực tế diễn ra vụ việc và dưới góc độ pháp lý, tôi dám khẳng định rằng sẽ có rất nhiều sai phạm khi điều tra công ty này, thậm chí có thể khởi tố hình sự. Đừng để cho một phần nhỏ cá nhân vì coi thường pháp luật mà dẫn đến một hệ lụy xấu gây thiệt hại lớn cho người dân bởi vì chính quyền chậm can thiệp và không cứng rắn.

Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC, luật sư điều hành Công ty Luật LPVN:

Thiệt hại cho xã hội khó tránh khỏi

Khi Alibaba triển khai bất kỳ một dự án nào đó thì không phải Alibaba nhân danh chính chủ đầu tư, cũng không phải nhà môi giới, mà nhận ủy quyền thực hiện từ cá nhân là chủ đất. Vai trò của Alibaba cũng không phải là nhà phát triển bất động sản, cũng không phải nhà môi giới mà ở đây là vai trò ủy quyền (ủy quyền dân sự) để được kinh doanh. Pháp luật hiện hành quy định rõ thỏa thuận dân sự không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội. Một ủy quyền thì hai bên có quyền tự thiết lập giao dịch với nhau nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Ủy quyền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không hình thành nên dự án hoặc là đất chưa đủ điều kiện để giao dịch theo quy định của luật kinh doanh bất động sản thì đó chính là việc ủy quyền trái luật.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể làm rõ hành vi này vì nó diễn ra một cách lâu dài và có hệ thống. Alibaba có dấu hiệu vi phạm hình sự và tôi khẳng định câu chuyện gây thiệt hại cho xã hội của công ty này là khó tránh khỏi.

Theo Nhóm PV

Từ khóa:  địa ốc , Alibaba
Cùng chuyên mục
XEM