Chàng trai muốn biến chiếc ôtô trở thành hệ sinh thái với ứng dụng đi chung và quảng cáo trên xe

29/01/2017 14:30 PM | Kinh doanh

Cung cấp dịch vụ đi xe chung trên các tuyến đường dài, đưa đón người đi làm, biến những chiếc xe ô tô thành các pano quảng cáo di động trên đường phố… , đó là các sản phẩm của một startup mới thành lập cách đây hơn một năm. Nhưng như vậy, có vẻ còn chưa đủ.

Chúng tôi gặp Tùng, đồng sáng lập của PinBike, Sharecar, Sharecarforwork, SharecarforAds vào ngày sát Tết, khi đường Sài Gòn đã bớt kẹt xe bởi nhiều người xa quê đã rời khỏi thành phố này.

Văn phòng của Tùng vẫn chưa thấy mùi Tết tí nào mà vẫn… sặc “mùi startup”. Đâu đó có chiếc võng để các thành viên có thể nghỉ ngơi khi cần, hơi bừa bộn nhưng tràn đầy năng lượng và sức trẻ.

Tùng, sinh năm 1983, sang Australia từ năm 2008 và trở về Việt Nam năm 2015. Thời gian ở xứ sở Kanguru, Tùng học ngành khoa học máy tính và làm việc hơn 3 năm tại Tripgo, công ty chuyên cung cấp dịch vụ về giao thông tại Australia.

Với vốn liếng về công nghệ và những kinh nghiệm từ Tripgo, anh trở về Việt Nam làm startup với mong muốn góp phần giảm thiểu nạn kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu…

“Tôi làm ở Tripgo hơn 3 năm, đã có lúc ở cương vị quản lý hơn 20 nhân viên nhưng không học được nhiều bằng làm startup hơn 1 năm qua”, Tùng chia sẻ với chúng tôi.

Ắt hẳn, Tùng có lý do để nói câu đó, bởi anh đã thất bại với PinBike và học được những bài học xương máu về startup, sau đó mới có Sharecar, SharecarforAds – dự án mang lại hy vọng cho anh và người đồng sáng lập Lương Đức Duy, người mà Tùng miêu tả là có con mắt thiết kế rất nghệ thuật.

Ngây thơ với PinBike

PinBike là ứng dụng đi chung cho xe máy. Nghĩa là, bạn có nhu cầu đi từ điểm A đến B trong khoảng thời gian C. Một người khác cũng có nhu cầu như vậy. Thay vì mỗi người chạy một xe thì hai người đi chung để tiết kiệm chi phí, giảm lượng xe lưu thông, tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải nhà kính.

Ý tưởng rất hay nhưng lại khó thực thi vì việc kết nối hai người có cùng nhu cầu chưa cao. Thế nên, nhu cầu có, thị trường có nhưng lại không khả thi.

Tùng thừa nhận, anh thất bại vì ngây thơ. Anh là dân kỹ thuật nên thích xây dựng, nhưng thực tế cho anh bài học xương máu: Nên xây dựng những gì bạn có thể bán, chứ không phải xây những gì bạn có thể xây. Nghĩa là phải có người dùng và có người sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ đó.

Từ PinBike đến Sharecar

Tôi từng nghe những câu chuyện startup thất bại khiến những người đồng sáng lập “chia lìa”. Những người bạn thân từng chia nhau gói mì tôm đêm khuya bỗng dưng trở thành người xa lạ bởi sự nghiệp không thành.

Với Tùng, có vẻ câu chuyện nhẹ nhàng hơn, người góp vốn ban đầu chung dự án với anh giờ vẫn là bạn bình thường nhưng đã thôi đồng hành cùng anh vì ngại mạo hiểm. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa kia lại mở ra. Câu này có vẻ đúng với Tùng.

Anh tìm được một người cũng đang startup, giỏi về marketing - truyền thông, trong khi anh chỉ chuyên kỹ thuật. Sau khi hai người nhờ vả qua lại lẫn nhau, họ đã dọn chung về một văn phòng nhưng chia đôi. Anh lại tìm thấy Duy và Duy trở thành người đồng sáng lập tới thời điểm này.

PinBike thất bại nhưng là nền tảng để ra đời Sharecar. Từ hồi làm PinBike, anh đã nhận thấy nhu cầu đi các tuyến đường dài từ Biên Hòa – Tân Sơn Nhất, Bình Dương – Tân Sơn Nhất rất cao. Tùng đã thử khảo sát thị trường.

“Tôi cử 2 thực tập sinh ra đo thị trường và nhận thấy đo ở sân bay Tân Sơn Nhất là rõ nét nhất để biết nhu cầu đi chuyến này chuyến kia, nhằm tìm ra tuyến đường phổ dụng. Chúng tôi biết được bao nhiêu chuyến bay trong ngày, một chuyến bao nhiêu người và một người đi máy bay thì có khoảng mấy người ra đón”, anh Tùng chia sẻ.

Anh nói thêm: Tôi nhận thấy biển số Biên Hòa và Bình Dương rất nhiều. Từ đó, có thể biết rằng nhiều người dân Biên Hòa lên đón người thân hoặc khách. Như vậy là có thị trường. Tại Biên Hòa, cũng có một nhà xe tổ chức đi lên. Vậy là thị trường cũng lớn. Mảng này đã có người khai thác nhưng giá cao vì không tận dụng được lượt xe về. Tôi nghĩ sẽ tận dụng xe bằng cách ghép người đi cùng đoạn đường với nhau. Và thế là Sharecar ra đời.

Tới giờ, mỗi ngày Sharecar cũng chạy được khoảng 20 cuốc, ngày thấp điểm từ 5-6 cuốc trở lên.

Với SharecarforAds: Tôi mong muốn trở thành có số má trong quảng cáo trên xe

"Thị trường quảng cáo trên xe tại Việt Nam khoảng 20 triệu USD/năm, tôi muốn biến xe thành một hệ sinh thái, cung cấp các dịch vụ xung quanh xe", Tùng nói khi chia sẻ về suy nghĩ quảng cáo trên ô tô.


Hoa yêu thương sử dụng dịch vụ quảng cáo trên xe của SharecarforAds. Ảnh: Sharecar

Hoa yêu thương sử dụng dịch vụ quảng cáo trên xe của SharecarforAds. Ảnh: Sharecar

Tháng 9/2016, SharecarforAds ra đời. Và ngay từ khi dịch vụ mới chuẩn bị “ra lò” thì công ty anh đã nhận được đơn đặt hàng.

“Khi làm PinBike và Sharecar, tôi quan niệm, điều vui nhất đó là có ai đó đặt tiền cho mình và nói: Anh làm sản phẩm này đi, tôi trả tiền. Và niềm vui đã đến với tôi khi một startup chuyên cung cấp dịch vụ điện hoa có tên là Hoa yêu thương liên hệ với chúng tôi đặt hàng.

Hoa yêu thương đã mở hàng cho chúng tôi, với việc đặt hàng quảng cáo trên 10 xe. Tiếp đó, chúng tôi cũng nghiên cứu thêm, ngoài Hoa yêu thương chúng tôi sẽ có thể bán được cho ai, trên thế giới, những ai đã làm dịch vụ này…”.

Thị trường quảng cáo trên xe không phải là mới, cả ở Việt Nam và trên thế giới. Theo Tùng, ở Hà Nội, một công ty có sản phẩm là DriveAds, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên xe nhưng đơn thuần chỉ là dán quảng cáo trên xe mà thôi, không có yếu tố kỹ thuật hỗ trợ.

Dịch vụ của bên anh có 3 sự khác biệt lớn.

Sự khác biệt: Cung cấp cho khách hàng dữ liệu lộ trình của xe chạy quảng cáo và biết được bao nhiêu người đang đi qua chiếc xe.

Tùng liệt kê 3 điểm nhấn cho sản phẩm SharecarforAds.

“Thứ nhất, mình không chỉ dán ở cửa (thông thường người ta chỉ dán ở cửa) khiến nội dung quảng cáo nhỏ hoặc có khi là khó nhìn. Mình thiết kế rộng hơn nhưng không phạm luật (không dán quá 50% diện tích xe). Thiết kế tạo ảo giác to nhưng nhìn vẫn đẹp.

Thứ hai là chúng tôi có thể check được chiếc xe đang chạy ở đâu, trên tuyến đường nào và biết được tháng này, tuần này xe chạy được bao nhiêu km. Chúng tôi sắp cho ra đời thiết bị khác nhận biết wifi, có thể cho thấy bao nhiêu chiếc điện thoại đang đi quanh chiếc xe chạy quảng cáo. Từ đó, có thể tổng hợp được thông tin rằng, có bao nhiêu người có thể đã nhận biết được quảng cáo trên chiếc xe di động. Thiết bị này trên thế giới chưa có.

Thứ ba, khách hàng chỉ trả tiền theo số km xe chạy ở tỉnh thành đang nhắm đến, xe không chạy hoặc chạy ra khỏi phạm vi tỉnh thành đó thì sẽ không tính tiền.

Tùng nói lên mong muốn và khát vọng của SharecarforAds: “Khi người ta nghĩ đến quảng cáo trên xe, tôi mong muốn, họ sẽ nghĩ đến sản phẩm của chúng tôi đầu tiên. Công nghệ của mình sẵn sàng rồi, mình sẽ nhận quảng cáo trên xe bus, trên xe khách, xe tải, xe Uber…”

Chia sẻ với chúng tôi về mục tiêu của quảng cáo trên xe, anh mong rằng một tháng nào đó trong năm 2017, dịch vụ sẽ có 1.000 xe quảng cáo, so với hiện tại là khoảng 60 xe/tháng. “Tôi nói vậy có cơ sở vì khách hàng của chúng tôi đang rất hài lòng về dịch vụ. Chỉ cần một khách hàng tăng gấp 3 lần con số mà họ đang đặt hàng chúng tôi thì con số tăng lên rất nhiều”, anh lý giải.

Có vẻ như vẫn còn nhiều thứ để Tùng và cộng sự có thể tận dụng từ chiếc xe bon bon trên đường phố để biến xe thành một hệ sinh thái. Anh sắp cho ra đời dịch vụ Sharecarforwork, xe chuyên đón nhiều người đi chung trên một đoạn đường tới công sở nữa.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM