Chẳng hề có than tổ ong hay đốt rơm rạ, tại sao người Mỹ và Nhật vẫn bị ngập trong loại "sương mù" gây ung thư này?

06/10/2016 15:59 PM | Công nghệ

Hiện tượng này đặc biệt rõ nét ở các đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gon do sự cộng hưởng từ nhiều nguồn ô nhiễm không khí.

Lỗi không phải bếp than tổ ong, hay người nông dân đốt rơm rạ buổi sáng sớm

Năm 1946, lần đầu tiên trên thế giới, ở thành phố Los Angeles thuộc bang California, Mỹ, người ta ghi nhận một hiện tượng gây xôn xao dư luận, bởi chưa ai từng chứng kiến cảnh tượng "hãi hùng" như thế trước đây.

Một làn sương mù dày đặc, bao trùm toàn bộ thành phố trong nhiều ngày. Làn sương mù ấy gây ra cay mắt, viêm đường hô hấp, viêm phổi và thậm chí là nghẹt thở. Chính bởi vậy mà trong suốt khoảng thời gian ấy, đã có hàng loạt người già tử vong, cây cối, hoa cỏ héo úa.

Ngay lập tức, các nhà khoa học đã tìm hiểu và đặt tên cho loại sương mù này là "sương mù quang hóa" (tên tiếng Anh là Photo Chemie) - một dạng khói trắng, gây ảnh hưởng tầm nhìn và rất có hại cho sức khỏe con người.

Tới năm 1970, hiện tượng tương tự cũng "hành hạ" thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Lần lượt sau đó, nhiều nơi khác trên thế giới như Aden - thủ đô Hy Lạp, Mexico ở Nam Mỹ cũng đã bị sương mù quang hóa "hỏi thăm".

Mới đây thôi, ngay tại thành phố Hà Nội, người dân Thủ đô cũng bắt gặp hiện tượng có 1-không-2 này. Và cũng chính sương mù quang hóa đã đẩy mức độ ô nhiễm của thành phố lên mức báo động.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 cũng cho thấy, ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ngưỡng cao, đặc biệt ở Hà Nội và địa phương hoạt động công nghiệp mạnh.

Cụ thể, nồng độ bụi PM10 tại trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) trong 5 năm đều vượt quy chuẩn 1-1,2 lần, năm 2014 chỉ số này gấp 1,4 lần.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) cũng tăng cao, nhiều đô thị lớn ở mức 201-300, có ngày chất lượng suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại. Theo thang đánh giá với tác động sức khỏe con người, nếu chỉ số AQI ở mức 51-200 thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài; với AQI trên 300 mọi người nên ở nhà.

Chỉ số NO2 đo được ở các đô thị đang vượt ngưỡng giới hạn. Nồng độ NO2 trung bình các năm tại Hà Nội tăng 1-1,3 lần. Trạm quan trắc khu thương mại Quách Thị Trang (TP HCM) ghi nhận đã vượt tới 2 lần.

Đại diện Tổng cục môi trường nhận định, bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là nguồn ô nhiễm chính.

Vậy sương mù quang hóa do đâu mà ra?

Về cơ bản, sự hình thành sương mù quang hóa là do các chất khí NOx, CnHm thải ra từ động cơ xe cơ giới. Nói một cách dễ hiểu, đây chính là khói xe máy, xe ô tô đang không ngừng thải ra mỗi ngày.

Khi chất khí thải này tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ nảy sinh phản ứng hóa học, làm xuất hiện khí ozone (O3), acid nitricperoxyd, các loại aldehyde vô cùng có hại cho sức khỏe của con người.

Hiện tượng sương mù quang hóa chỉ xuất hiện khi nồng độ NOx, CnHm trong không khí vượt quá ngưỡng cho phép.

Lúc này không khí sẽ bị tụ đọng, không thể di chuyển, đồng thời bị nắng chiếu dữ dội gây ra những làn khói trắng mờ đục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như các hoạt động của người dân.

Không khí bẩn, ung thư và hệ lụy

Con người trước hết sẽ phải gánh chịu hậu quả đầu tiên

Sương mù quang hóa được đặc trưng bởi hàm lượng ozone cao trong không khí. Ozone có mùi rất tanh. Con người có thể cảm nhận được mùi ozone khi nồng độ đạt 0,02 ppm.

Trong thiên nhiên, khí ozone được hình thành khi những tia sét xuất hiện. Một số thiết bị, như TV và máy photocopy, cũng tạo ra khí ozone. Nếu hít phải khí ozone, con người sẽ cảm thấy đau ở ngực, ho và ngứa ở họng .

Nồng độ ozone thấp ở tầng không khí gần mặt đất có thể làm cay mắt, mũi và cổ họng. Khi sương mù tăng lên, nó có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn như:

- Hen xuyễn, viêm phế quản, ho và tức ngực.

- Làm tăng sự nhạy cảm đối với các lây nhiễm về đường hô hấp.

- Làm giảm chức năng của phổi.

Trong khi oxy là chất khí duy trì sự sống (nếu trong khí thở có ít hơn 15% oxy thì cơ thể đã có thể chết ngạt), ozone lại là khí độc hại.

Ozone gây phù phổi nặng, làm co thắt và tê liệt đường hô hấp khiến người bệnh không có phản ứng khi có các dị vật lọt vào. Vì vậy, khi tiếp xúc lâu dài với ozone sẽ có nguy cơ bị tích tụ các dị vật trong phế quản và phổi, là điều kiện có khả năng dẫn đến ung thư.

Do đó, việc tiếp xúc với sương mù quang hóa trong thời gian dài thậm chí có thể gây tổn thương các mô phổi, lão hóa ở phổi, và góp phần gây ra bệnh phổi mãn tính. Trẻ em, thanh niên và người lớn có chức năng phổi yếu được xem như những người có nguy cơ cao.

Sau cùng sẽ là thực vật và môi trường

Cây trồng cũng như các loài thực vật nhạy cảm khác sẽ bị gây hại nhiều hơn là sức khỏe của con nguời, khi ở nồng độ ozone thấp.

Một vài loại cây như rau bina, cà chua và đậu đốm là những loại nhạy cảm với ozone. Những lá cây trong khu vực có sương mù quang hóa thường sẽ xuất hiện những đốm màu nâu trên bề mặt lá sau đó chuyển sang màu vàng.

Lớp ozone ở tầng mặt đất có thể hủy họai lá cây, làm giảm sự phát triển, khả năng sinh sản và quá trình sinh sản. Nó có thể gây ra sự mất khả năng tự vệ trước các loại côn trùng cũng như bệnh tật và thậm chí còn gây chết cây.

Đặt trong tình trạng hàm lượng ozone cao trong không khí kéo dài, hệ thực vật sẽ bị phá hủy, con người sẽ đầy những bệnh tật, môi trường và hệ sinh thái trên trái đất sẽ về lại con số 0.

Chang Hè

Cùng chuyên mục
XEM