Chán việc: Đừng vội buông xuôi, hãy suy nghĩ rốt cuộc tại sao lại phiền muộn và dùng cách xoay chuyển tình thế “lật ngược thế cờ” sau!

15/08/2019 16:10 PM | Sống

Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao mình lại ghét công việc đến thế? Là do mọi người, do việc mình làm, hay là do một thứ hoàn toàn khác? Hầu hết các lý do chán ghét công việc đều tựu chung trong 3 câu hỏi sau đây.

Nghiên cứu cho thấy, con người ngày càng trở nên ít hạnh phúc với công việc và cuộc sống cá nhân. Khi bạn phải chìm ngập trong những con số, thì việc giết thời gian trên mạng, nghe nhạc – xem phim một mình và sử dụng mạng xã hội là tất cả những hoạt động có thể dẫn tới kém hạnh phúc. Điều thú vị là những hoạt động này đều diễn ra trên máy tính hay điện thoại, và hầu hết mọi người đều làm điều đó trong lúc làm việc.

Dưới đây là 3 câu hỏi giúp bạn tìm ra nguyên nhân tại sao bạn chán ghét công việc và cách để bạn xoay chuyển tình thế trước khi tính đến chuyện bỏ việc.

Chán việc: Đừng vội buông xuôi, hãy suy nghĩ rốt cuộc tại sao lại phiền muộn và dùng cách xoay chuyển tình thế “lật ngược thế cờ” sau! - Ảnh 1.

Bạn có đang tập trung vào mặt tiêu cực?

Một điều oái oăm là những gì hạnh phúc, thành công mà bạn nghe thấy, nhìn thấy có thể khiến bạn chán ghét công việc hay thậm chí là cả cuộc sống của mình. Khi tôi nghe một diễn giả nói về hành trình của họ và thành công mà họ có được, tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi về chính mình. Tình trạng cũng tương tự với những người lướt mạng xã hội hay nghe nhạc, xem phim giết thời gian. Khi bạn trải nghiệm thành công và cảm xúc của người khác, bạn ngay lập tức bắt đầu so sánh với cuộc sống mà bạn đang có. Khi bạn nhìn thấy người khác đăng ảnh về kỳ nghỉ của họ, chiếc xe họ mới mua hay cuộc sống gia đình của họ, bạn bắt đầu cảm thấy thiếu thốn.

Điều đáng chú ý là những hoạt động này thường khiến bạn tập trung vào những thứ bạn không thích về công việc của mình. Bởi công việc thường gắn liền với cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn muốn "yêu lại từ đầu" công việc của mình, bạn cần phải tập trung vào những gì bạn thích.

Bằng cách tập trung vào mặt tích cực, bạn sẽ cho phép bản thân nhớ lý do tại sao bạn nhận công việc này lúc ban đầu. Nếu vì mức lương cao hơn so với công việc cũ, vậy đó sẽ là thứ nhắc nhớ bạn khi bạn gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Nếu bạn nhận công việc vì nó gần nhà hay có thời gian để cân bằng cuộc sống, hãy tập trung vào khía cạnh đó của công việc.

Còn nếu liên tục dằn vặt bản thân về những gì bạn không thích, bạn chỉ khiến mình chán ghét công việc thêm mà thôi.

Chán việc: Đừng vội buông xuôi, hãy suy nghĩ rốt cuộc tại sao lại phiền muộn và dùng cách xoay chuyển tình thế “lật ngược thế cờ” sau! - Ảnh 2.

Bạn đang làm việc với những lãnh đạo vô tâm?

Bạn làm việc cho ai và văn hóa cơ quan đóng vai trò quyết định vào việc bạn yêu hay ghét công việc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, 92% nhân viên có nhiều khả năng ở lại công ty với một người lãnh đạo biết đồng cảm. Hãy chú ý tới điều này, 92% số người đó không thích công việc của họ. Họ không hài lòng với sự thăng tiến trong công việc hay mức lương nhận được, nhưng họ sẵn lòng ở lại, vì người lãnh đạo đồng cảm.

Đồng cảm chính là khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác. Nó có vai trò quan trọng trong việc bạn thích hay ghét công việc, bởi mọi người đều muốn cảm thấy được chấp nhận và đánh giá cao. Cảm thấy có giá trị trong công việc là cách chắc chắn giúp một người tận hưởng công việc của mình, cho dù họ có thể đang phải đối mặt với những vấn đề nội bộ ở nơi làm việc.

Nếu bạn thấy mình đang trong một môi trường làm việc thiếu sự đồng cảm thì một giải pháp cho bạn là hãy tham gia các hoạt động thiện nguyện và giúp đỡ người khác. Đó là cách tuyệt vời để ngăn bạn chán ghét công việc vì nó buộc bạn phải tập trung vào nhu cầu của người khác. Và nếu bạn tham gia các sáng kiến, các hoạt động tập thể tại nơi làm việc thì bạn có thể kết nối tốt hơn với đồng nghiệp. Những mối quan hệ này có thể giúp công việc của bạn thêm chiều sâu và từ đó bạn cũng tận hưởng công việc của mình. Còn nếu công ty của bạn không có bất kỳ cơ hội tình nguyện nào, thì đây có thể là dịp tuyệt vời để bạn bắt đầu một dự án mà bạn đam mê. Đó cũng chính là cơ hội tuyệt vời để bạn thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Khi bạn xây dựng mối quan hệ thông qua những cơ hội này, bạn có thể định vị bản thân cho những cơ hội mới.

Chán việc: Đừng vội buông xuôi, hãy suy nghĩ rốt cuộc tại sao lại phiền muộn và dùng cách xoay chuyển tình thế “lật ngược thế cờ” sau! - Ảnh 3.

Bạn có đang làm điều bạn thực sự yêu thích?

Con đường từ "Tôi ghét làm việc" tới "Tôi thích làm việc" dựa trên nguyên tắc làm nhiều thứ bạn thích hơn và ít thứ bạn ghét hơn.

Việc tìm kiếm những gì bạn yêu thích không phải việc dễ dàng. Bạn có thể dễ dàng buông bỏ mối tình đầu thời niên thiếu, nhưng một khi thành người lớn, bạn lại cân nhắc mọi quyết định dựa trên trách nhiệm. Điều này có vẻ tốt, nhưng cuối cùng nó lại khiến rất nhiều người chán ghét công việc. Họ làm những gì họ nghĩ rằng mọi người đang làm và theo cách mọi người đang thực hiện. Vấn đề là họ đang nhận được kết quả mà mọi người khác nhận được.

Nếu bạn muốn thay đổi kết quả của mình, hãy dành thời gian suy nghĩ về công việc mơ ước của bạn. Viết ra càng nhiều càng tốt về công việc bạn hằng mơ. Đó có thể là bất kỳ điều gì, từ vị trí, tiền lương, trách nhiệm hay ngành nghề. Tiếp đó, hãy liệt kê những điểm chung giữa công việc hiện giờ và công việc mơ ước của bạn. Nghe có vẻ khó tin, nhưng bạn sẽ thấy rằng công việc hiện tại của bạn có một số điểm tương đồng với công việc bạn hằng mơ ước. Sau khi liệt kê những điểm chung, hãy xem xét có cơ hội nào để làm nhiều việc bạn yêu thích ở vị trí hiện tại của bạn không. Nếu công việc của bạn là 60% tương tác với khách hàng và 40% là việc hành chính, nhưng bạn lại không thích tương tác khách hàng, thì hãy xem liệu bạn có thể điều chỉnh công việc để 60% là việc hành chính còn 40% là đối mặt với khách hàng không. Điều quan trọng là hãy nói với người quản lý về những nguyện vọng của mình và xem họ có thể hỗ trợ bạn hay không.

Lời cuối

Những câu hỏi trên đây hướng đến mục tiêu giúp bạn phát triển công việc hiện tại thành công việc mơ ước, để bạn có thể tận hưởng công việc trở lại.

Mặc dù điều này có thể không đến trong ngày một ngày hai, nhưng bằng những thay đổi nhỏ trong suy nghĩ và hành động, bạn sẽ thấy mình tự nhiên chuyển từ chán ghét sang yêu thích và hài lòng về nó.

Theo Bình An

Cùng chuyên mục
XEM