Chân dung tỷ phú Do Thái giàu thứ 6 Hong Kong: Người biến sườn đồi trơ trụi thành một đế chế 4,4 tỷ USD

09/03/2019 15:16 PM | Xã hội

Gia đình Kadoorie đang chứng minh rằng bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra ở thị trường bất động sản Hong Kong. Nhờ biến một sườn đồi cằn cỗi thành một khối tài sản trị giá hàng tỷ USD, họ đã cho thấy sự kiên trì trong im lặng có thể làm được những gì.

Theo số liệu thống kê của Wealth-X, New York có 103 tỷ phú. Đây là thành phố có nhiều tỷ phú nhất trong Top 10 do tổ chức này công bố. Tuy nhiên Hong Kong lại là thành phố có tốc độ tăng trưởng tỷ phú nhanh nhất. Năm 2018, thành phố này có thêm 21 tỷ phú mới với tốc độ tăng trường 29%.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những doanh nhân Hong Kong nổi bật". Phần lớn những tỷ phú Hong Kong là tỷ phú tự thân trong đủ các lĩnh vực từ Bất động sản, Casino, Vận tải cho đến cả nước sốt.


Khuynh hướng nắm giữ và chăm chút tài sản của gia đình này cho phép họ thu được rất nhiều các vị trí đắc địa, từ khách sạn The Peninsula cho đến hệ thống đường sắt leo núi Peak Tram đã tồn tại 125 năm nay ở Hong Kong. Theo ước tính, tổng giá trị bất động sản trên bán đảo Cửu Long và gia đình này đang nắm giữ từ 80 năm trước có thể lên đến 4,4 tỷ USD, đẩy giá trị tài sản của Michael Kadoorie lên 11,3 tỷ USD và đưa ông lên vị trí thứ 6 trong số những người giàu nhất Hong Kong.

Lịch sử gia đình này bắt đầu từ vùng viễn đông trong những năm 1880, khi Elly Kadoorie cùng anh trai Ellis – những người Do Thái sinh ra tại Baghdad – đến Hong Kong làm việc cho gia đình Sassoon – một gia đình có nguồn gốc tương tự. Sau đó họ lập công ty môi giới, nhờ thế dần có được cổ phần trong các khách sạn, ngân hàng và nhà máy điện.

Chân dung tỷ phú Do Thái giàu thứ 6 Hong Kong: Người biến sườn đồi trơ trụi thành một đế chế 4,4 tỷ USD - Ảnh 2.

Kadoorie Hill những năm 1930

Vào năm 1922, Ellis qua đời mà chưa có vợ con gì, nên Elly phải gánh vác cả gia đình trên vai. Đến năm 1931, Elly quyết định mua một khu đất lớn gần Mong Kok (phía Tây bán đảo Cửu Long) với giá 326.000 đô la Hong Kong (tương đương 200.000 USD bây giờ), và khi ấy trên khu đất chỉ có vài bóng cây cằn cỗi. Ngày nay, nó đã biến thành một ốc đảo xanh tươi và đây là một lợi thế cực lớn ở Hong Kong, nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Giá nhà ở trong thành phố đã tăng 167% trong vòng 10 năm qua, khiến cho Hong Kong trở thành nơi có chi phí đắt đỏ nhất hành tinh.

Kế hoạch ban đầu của Elly là bán các ngôi nhà khi chúng được hoàn thiện, nhưng đến năm 1935, vì chỉ có 2 khu nhà được bán nên cả gia đình quyết định cho thuê phần còn lại và tiếp tục xây thêm nhiều nhà mới. Đến năm 1941, đã có 34 ngôi nhà được xây dựng, và bị quân đội Nhật chiếm đóng suốt thời kỳ chiến tranh. Lúc đó gia đình Kadoorie bị quản chế và không được nhận một đồng tiền thuê nhà nào.

Việc xây dựng tiếp tục diễn ra sau chiến tranh. Cho đến nay, số bất động sản của gia đình Kadoorie đã mở rộng ra đến 8 hecta, mỗi khu nhà trong tổng số 85 khu (cùng một văn phòng quản trị) đều có vườn riêng, một số còn có bể bơi. Ngoài ra còn có 39 căn hộ từ thời bị chiếm đóng.

Đó là nơi ở của những người giàu có, rất nhiều trong số đó là người nổi tiếng và và các ngôi sao giải trí. Một số khách hàng thuê nhà ở đó từ rất lâu, có người đã thuê hơn 30 năm nay.

Từ khoảng 7,8 năm trước mức giá thuê trung bình của các ngôi nhà này là khoảng 100.000 đến 200.000 đô la Hong Kong. Hiện nay có thể đã lên đến 300.000 đô la Hong Kong.

Đó là một nguồn thu cực ổn đối với Michael Kadoorie (77 tuổi) và người anh rể Ronald McAulay (82 tuổi), và cả 2 có tổng tài sản lên tới 18 tỷ USD. Trong đó có số tiền mà người ông Elly của Michael đã kiếm được ở Thương Hải và Hong Kong và Michael được thừa kế. Dù có tài sản cực lớn nhưng gia đình Kadoorie rất kín tiếng, một sự trái ngược với thế giới phù hoa ở Hong Kong.

Gia đình này vẫn giữ các bản sao của hợp đồng thuê nhà trong suốt những năm qua và thông tin từ chúng cực kỳ thú vị. Ngôi nhà được thuê đầu tiên là từ năm 1936 với mức phí 150 đô la HK/tháng. Đến năm 1969, tổng thu nhập từ tiền thuê nhà đã tăng lên 177.920 đô la HK cho 79 ngôi nhà và 39 căn hộ. Đến năm 1975 là 920.000 đô la HK cho 80 ngôi nhà.

Khi một khách thuê rời đi và ngôi nhà họ để lại có thể đem cho thuê tiếp, mức phí thuê có thể tăng lên đến 40% cho khách hàng tiếp theo.

"Những ngôi nhà sang trọng này đều nằm ở vị trí trung tâm của Cửu Long và rất yên tĩnh", nhà phân tích thị trường bất động sản Keith Siu cho biết. "Sự nổi tiếng của gia đình Kadoorie cũng góp phần làm tăng giá trị bất động sản".

Ngoài lượng bất động sản mà mình sở hữu, gia đình Kadoorie còn kiểm soát công ty CLP Holdings, nhà cung cấp điện lớn nhất Hong Kong. Họ cũng có cổ phần ở các công ty lớn như CK Hutchison Holdings Ltd., Hong Kong Aircraft Engineering Co., Tai Ping Carpets International Ltd. và 59,3% cổ phần ở Hongkong & Shanghai Hotels Ltd. – công ty điều hành chuỗi khách sạn The Peninsula. Và đang có nhiều nhánh của chuỗi khách sạn này được mở ra ở London, Istanbul và Yangon.

Hong Kong Engineering & Construction Co. đã mua lại Kadoorie Hill vào năm 1931 và từ đó đã tiến hành nhiều cải tổ. Hiện nay, một căn nhà được sửa chữa với chi phí lên đến 15 triệu đô la Hong Kong gồm thang máy, phòng spa, bếp và phòng trang điểm màu xanh ngọc. Lò sưởi và sàn nhà bằng gỗ của căn nhà vẫn được bảo tồn. Ngay cả trước khi được sửa chữa lại, gia thuê của căn nhà cũng đã lên đến hơn 300.000 đô la Hong Kong/tháng.

Chân dung tỷ phú Do Thái giàu thứ 6 Hong Kong: Người biến sườn đồi trơ trụi thành một đế chế 4,4 tỷ USD - Ảnh 3.

Nhiều khả năng, những bất động sản kiểu này sẽ vẫn tồn tại trong nhiều thế hệ nữa.

"Gia đình bạn sở hữu một tài sản và hy vọng sẽ vẫn sở hữu nó trong 100 năm tới", Mark Clifford – giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh châu Á, người đang viết luận án tiến sĩ về gia đình Kadoorie – cho biết. "Bạn cảm nhận được mong muốn đó trong cách họ quản lý và chăm sóc ngôi nhà".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM