Chân dung tập đoàn Trung Quốc bí ẩn chi 40 tỷ USD 'mua sắm' hàng loạt công ty trên khắp 6 châu lục khiến nước Mỹ lo ngại, châu Âu cũng phải vào cuộc điều tra

19/12/2017 11:04 AM | Kinh doanh

Tập đoàn Trung Quốc này đang thuộc tầm ngắm của cả các quan chức Mỹ và châu Âu.

Tập đoàn HNA của Trung Quốc có lẽ vẫn là một bí ẩn lớn đối với nhiều người. Các quan chức chính phủ Mỹ đang tìm mọi cách để có thêm thông tin về các chủ sở hữu của tập đoàn này, Chính phủ Trung Quốc thì cũng đang đặt ra rất nhiều câu hỏi còn Ngân hàng trung ương châu Âu đang cân nhắc việc xem xét sở hữu của HNA. 

Từng là một hãng hàng không vô danh, HNA hiện gánh trên vai khoản nợ lên tới hàng tỷ USD sau khi bỏ ra hơn 40 tỷ USD cho các thương vụ thâu tóm trên khắp 6 lục địa kể từ năm 2016. Tập trung vào lĩnh vực du lịch, logistic và dịch vụ tài chính, HNA hiện là cổ đông lớn nhất của những công ty tên tuổi như Hilton Worldwide Holdings, ngân hàng Deutsche Bank. 

Tại sao HNA đang nằm dưới tầm mắt của Mỹ?

Một phần là bởi HNA đang nỗ lực mua cổ phần tại SkyBridge Capital – công ty quỹ của Anthony Scaramucci – người suýt chút nữa ở Giám đốc Truyền thông của thủ tướng Donald Trump. Giao dịch dự kiến này đã bị trì hoãn bởi Ủy ban về đầu tư ngoại quốc tại Hoa Kỳ (CFIUS) - đơn vị phụ trách xem xét lại những thương vụ bán bán tài sản của người Mỹ cho những đơn vị nước ngoài nhằm bảo vệ an ninh quốc gia này.

HNA cũng từng bị kiện tại Mỹ do liên đới tới sự phá sản của một trong những công ty du lịch mà họ đầu tư. Và một công ty công nghệ Mỹ cũng đang kiện HNA vì đưa thông tin sai lệch về sở hữu của họ với CFIUS gây ra việc hủy bỏ thỏa thuận. Phía HNA thì nói rằng những vụ kiện tụng kể trên là vô căn cứ.

Còn châu Âu thì sao?

Cơ quan giám sát tài chính Liên Bang Đức nói rằng đang điều tra xem liệu HNA có báo cáo chính xác về sở hữu của tập đoàn khi mua cổ phần tại Deutsche Bank hay không. Thỏa thuận này cũng vẫn đang bị điều tra bởi ECB. Trong một thương vụ khác, các nhà chức trách Thụy Sỹ cáo buộc HNA cung cấp thông tin sai lệch về cổ đông.

Còn ở Trung Quốc thì thế nào?

Các nhà chức trách địa phương thì đang chú ý đến nhóm những tập đoàn "bạo chi" cho các thương vụ thâu tóm, sáp nhập trong đó có HNA. Động thái này nằm trong chiến dịch làm chậm tốc độ mua bán, sáp nhập của các công ty trong nước đối với tài sản ở nước ngoài của chính phủ Trung Quốc. Được biết hoạt động M&A tại đây đạt giá trị cao kỷ lục vào năm 2016 và là nguyên nhân chính làm tăng đáng kể dòng tiền vốn chảy ra ngoài. Nhiều ngân hàng từng giúp gây vốn cho các thương vụ M&A của HNA nói rằng họ đã không còn thiết tha cho công ty này vay tiền nữa.

Trong những tháng cuối cùng của năm 2017, S&P Global Ratings và Fitch Ratings đã cùng nói lên lo ngại về ít nhất 4 công ty bởi mối liên hệ với HNA. Cụ thể nhóm những tập đoàn hàng đầu như Hainam Airlines Holdings đã hoãn bán trái phiếu; một đơn vị khác cũng đã ngừng bán cổ phiếu và HNA thì phải trả chi phí vay mượn lớn nhất từ trước tới nay. 

Vậy HNA là công ty nào?

Được thành lập vào năm 1993 như một hãng hàng không khu vực (George Soros là một trong những nhà đầu tư sớm vào đây). HNA nói rằng họ đã tạo ra 410.000 việc làm trên khắp thế giới và xây dựng được khối tài sản trị giá 180 tỷ USD. 

Công ty "tạo dựng văn hóa doanh nghiệp pha trộn giữa cả truyền thống Trung Quốc và phương tây" bằng "hệ thống quản lý tầm cỡ thế giới". Guo Wengui – doanh nhân giàu có Trung Quốc thì cáo buộc HNA có một móc nối bí mạt về tài chính với các chính trị gia nhưng HNA từ chối cáo buộc của Guo và kiện ông tại tòa án New York.

Vậy tóm lại ai sở hữu HNA?

HNA đã công bố vào tháng 7 rằng họ đang bị kiểm soát bởi 2 tổ chức từ thiện có móc nối với công ty tên là Cihang – một có trụ sở tại New York và một ở đảo Hải Nam – cả 2 sở hữu 52% cổ phần. Còn lại 12 lãnh đạo bao gồm cả nhà sáng lập Chen Feng và Wang Jian – cùng nắm khoảng 47,5%. 

Trước đó, một nhà đầu tư ít tên tuổi tên là Guan Jun đã trở thành cổ đông lớn nhất của HNA với 29% cổ phần theo hồ sơ công ty nộp lên vào cuối năm 2016. HNA cho biết họ bắt đầu tái cấu trúc sở hữu vào đầu năm 2017 và Guan đã phân bổ hầu hết cổ phần của mình cho 5 cá nhân – những người sau đó làm từ thiện số cổ phiếu của họ cho tổ chức Cihang của HNA. Bản thân Guan cũng đã làm từ thiện số cổ phần còn lại của mình, khoảng 4,4%.

Điều đó có gây ra vấn đề gì không?

Hầu như không. Nhưng bí ẩn lớn nhất là: Tại sao lãnh đạo HNA lại chọn để Guan trở thành cổ đông lớn nhất đầu tiên? Và những cáo buộc của doanh nhân Guo Wengui liệu có thật hay không?

Tổ chức từ thiện tại Mỹ của HNA có gì đặc biệt?

Hơn 6 tháng trước, tổ chức Hainam Cihang Charity đã được thành lập tại New York. Tổ chức này nắm giữ 19,5% cổ phần HNA và văn phòng của họ được đặt tại số 850 Third Avenue, Manhattan – một khu bất động sản mà HNA đã mua vào năm 2016.

Tháng 9, tổ chức này đã đăng ký với văn phòng công tố New York, tiết lộ về nhân thân 3 giám đốc của họ gồm Adam Tan – CEO HNA Group, Chen Guoqing – anh trai nhà sáng lập Chen và CEO HNA Capital International Guang Yang. Tổ chức này đã bổ nhiệm cựu Phó thủ tưởng Đức Philipp Roesler là CEO vào tháng 12 và cam kết cho đi 200 triệu USD làm từ thiện trong 5 năm tới.

Còn tổ chức được thành lập tại Trung Quốc thì sao?

Hainam Province Cihang Foundatin được thành lập tháng 10/2010 nắm 22,75% cổ phần HNA. Website của tổ chức này nói đây là một tổ chức từ thiện "hỗ trợ các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, ủng hộ người nghèo và hỗ trợ khắc phục bão lũ, thiên tai….". Theo như báo cáo hàng năm vào năm 2015, tổ chức này có khối tài sản trị giá 134 triệu USD.

Hiện tình trạng HNA ra sao sau một loạt thương vụ mua lại?

Hàng loạt việc hoãn bán trái phiếu và bán nợ gần đây đã chỉ ra rằng HNA đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí tài chính. Chi phí trong nửa năm đầu 2017 đã vượt lợi nhuận trước thuế và lãi suất của công ty, nghĩa là HNA sẽ còn gánh thêm nhiều nợ nữa nếu tiếp tục tình trạng "đi chợ" bừa bãi như hiện tại. Khoản nợ ngắn hạn của họ đã ở mức 28 tỷ USD.

Họ đã ngừng "mua sắm" chưa?

Không hẳn. HNA tiếp tục tiến hành các thương vụ M&A mặc dù tốc độ có vẻ chậm lại và chỉ hướng đến những thỏa thuận phù hợp với phương châm "1 vánh đai, 1 con đường" mà chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. Ví dụ điển hình là việc sở hữu cổ phần của một sân bay Brazil và một nhà kho ở Singapore. Tuy nhiên với tình hình tài chính khó khăn như hiện tại, HNA hiện đang cân nhắc bán tài sản và IPO công ty có trụ sở tại Zurich vào năm tới.  

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM