Chân dung những thợ đào ở mỏ bitcoin lớn nhất thế giới, nơi sản xuất ra 318.000 USD giá trị tiền số mỗi ngày

15/09/2017 09:34 AM | Kinh doanh

Không chỉ tạo ra giá trị, bitcoin đã mang lại cơ hội đổi đời cho rất nhiều công nhân và người dân sống tại Nội Mông - nơi đã từng mang danh là thành phố ma của đất nước.

Họ là những công nhân, nông dân chính hiệu. Vào thời kỳ bùng nổ ngành than, họ đến với vùng đồng cổ Nội Mông để tìm kiếm việc làm trong những nhà máy mới. Cơn sốt than qua đi, họ lại trở về làm những kẻ thất nghiệp.

Ngày nay, họ lại tìm thấy tại đây một công việc kiếm ra tiền mới - thợ đào tiền số trong mỏ đào bitcoin lớn nhất thế giới mà người dân tại đây gọi bằng cái tên mỹ miều: Đặc khu kinh tế Dalad.

Với 8 nhà máy một tầng lợp mái tôn xanh, sản lượng tiền số được khai thác mỗi ngày tại đây chiếm gần 1/20 của tổng thế giới.

Dựa trên giá giao dịch thời điểm viết bài, mỗi ngày đặc khu này sản xuất ra 318.000 USD giá trị tiền số.

Nhìn từ bên ngoài, tổ hợp nhà máy - thuộc sở hữu của công ty Bitmain Trung Quốc - trông chẳng khác gì với những nhà máy bình thường ở khu công nghiệp. Nhưng chỉ cần bước đến cửa, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi thay vì những dây chuyền to đồ sộ có công nhân đứng sản xuất thì nơi đây chỉ bao gồm toàn bộ là máy tính - tổng cộng gần 25.000 chiếc gầm gừ ngày đêm - có nhiệm vụ chuyên giải thuật toán để tạo ra bitcoin.

Công nhân trong nhà máy có nhiệm vụ cầm laptop đi lại dọc các hành lang phát hiện sự cố và kiểm tra kết nối cáp. Ngoài ra họ đổ nước vào những chiếc bồn khổng lồ để làm mát không khí xung quanh, tránh cho máy tính bị quá nóng và bốc cháy.

Những tín đồ của bitcoin nói rằng bitcoin sẽ là đồng tiền của tương lai bởi nó hoàn toàn là điện tử. Nó có thể được gửi xuyên biên giới hoàn toàn ẩn danh mà không chịu giám sát bởi bất kỳ một giới chức trung ương nào. Điều đó khiến cho bitcoin trở nên hấp dẫn với rất nhiều người bao gồm cả giới công nghệ, những người yêu thích tự do, hacker và cả bọn tội phạm.

Thật không ngoa khi nói Trung Quốc là thủ phủ của bitcoin. Đất nước này tạo ra hơn 2/3 tổng sản lượng bitcoin hàng ngày. Công ty Bitmain - được thành lập bởi cựu chuyên gia đầu tư Jihan Wu - kiếm tiền chủ yếu bằng cách bán thiết bị đào bitcoin cũng như tự khai thác bitcoin cho riêng mình.

Tuy nhiên, giới chức quốc gia này đang có những quan điểm không đồng nhất về bitcoin.

Một mặt, chính phủ lo lắng rằng bitcoin sẽ giúp người dân Trung Quốc lách luật về gửi tiền ra nước ngoài và cũng có thể làm công cụ cho giới tội phạm. Các quan chức Trung Quốc đang có kế hoạch đóng cửa tất cả các sàn giao dịch bitcoin ở trong nước và tối qua sàn giao dịch BTC China đã thông báo trên tài khoản Twitter về việc đóng cửa toàn bộ giao dịch vào ngày 30/9. Mặc dù động thái này của giới chức không làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của bitcoin, nhưng nó sẽ làm tăng chi phí giao dịch tại một trong những thị trường lớn của thế giới. Giá bitcoin đã nhanh chóng sụt giảm mạnh và xuống chỉ còn gần 3.500 USD.

Chân dung những thợ đào ở mỏ bitcoin lớn nhất thế giới, nơi sản xuất ra 318.000 USD giá trị tiền số mỗi ngày  - Ảnh 1.

Tiền số có thể là động lực để Trung Quốc đẩy mạnh các ngành công nghệ mới như xe tự lái và trí thông minh nhân tạo. Không khó để nhận ra dụng ý này của chính phủ Trung Quốc bởi ngay sau khi tuyên bố cấm ICO, giới chức vẫn khuyến khích các công ty nghiên cứu về công nghệ blockchain và tiếp tục cho phép các nhà sản xuất bitcoin sử dụng nguồn điện giá rẻ và nhiều ưu đãi khác.

Có thể đặc khu kinh tế Dalad nằm ở vị trí rất xa so với trung tâm startup internet - Bắc Kinh hay tụ điểm linh kiện công nghệ miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân và người dân sống tại đây đã nhìn thấy cơ hội phát triển nhờ tiền số không những cho vùng mà toàn bộ khu vực Nội Mông - nơi đã từng mang danh là thành phố ma của đất nước.

Wang Wei - giám đốc tổ hợp nhà máy Bitmain thuộc khu kinh tế Dalad chia sẻ: "Hiện nay, hầm mỏ của chúng tôi có khoảng 50 nhân viên. Tôi cho rằng trong tương lai sẽ có hàng trăm, hàng nghìn công việc được tạo ra tại đây và nó sẽ giống như những nhà máy lớn".

Từng là một nhân viên bán than, ông Wang - năm nay 36 tuổi - mới chỉ mua 1 bitcoin khoảng 6 tháng trước. So với mức giá hiện nay, đồng bitcoin mà ông mua đã tăng gấp đôi giá trị. "Tôi đã kiếm được khá nhiều tiền", Wang nói.

Trung Quốc nhìn nhận những nhà máy như Bitmain là một nguồn tạo ra việc làm mới, đặc biệt là ở những khu kém phát triển như Nội Mông. Khu vực này hiện có khoảng 370.000 dân sinh sống. Trước đây, Nội Mông từng có một thời phát triển mạnh nhờ hoạt động khai thác than và các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép. Tuy nhiên, trong sự chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc, Nội Mông đã bị bỏ lại phía sau với những nhà máy và khu công nghiệp bị bỏ hoang.

Không phải tất cả những người làm việc trong nhà máy của Bitmain đều am hiểu về tiền số. Li Shuangsheng là một người địa phương, năm nay 28 tuổi. Anh cho biết khi đến đây làm việc anh không biết một chút gì về bitcoin. Hiện nay anh đang làm công việc bảo trì tại 1 trong số 8 nhà máy của Bitmain.

Li đã từng trải qua rất nhiều nghề nhưng làm việc tại Bitmain được anh đánh giá là một trong số những cơ hội hấp dẫn nhất tại đây. Nhà máy hóa chất thì quá ồn ào và ô nhiễm, anh nói. Làm việc được một thời gian nhưng Li chưa mua một đồng bitcoin nào, nhưng anh cảm thấy hài lòng khi được làm công việc này và tự lên mạng tìm hiểu về bitcoin mỗi khi rảnh rỗi.

Bai Xiaotu cũng từng phải làm rất nhiều công việc vất vả trước khi đến với nhà máy Bitmain hồi tháng 12 năm ngoái với vai trò là nhân viên vệ sinh.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn còn mới mẻ với hầu hết người dân ở đây. Anh Bai - con trai của ông Bai Xiaotu chưa từng nghe về đồng bitcoin cho đến khi cha của anh làm việc trong nhà máy. Anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu và lúc đó mới biết rằng Bitmain là một trong những hầm mỏ lớn nhất trên thế giới. "Tôi tin tưởng vào tương lai của ngành này", anh Bai nói.

Tuy nhiên, anh vẫn mơ hồ về công việc đào bitcoin.

"Chúng tôi đã từng đào than. Giờ chúng tôi đào bitcoin. Cả hai đều là thợ mỏ. Vậy khác nhau ở điểm nào?".

Theo Anh Sa

Từ khóa:  bitcoin
Cùng chuyên mục
XEM