Chân dung người khiến lãnh đạo cứng rắn như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng phải bật khóc

03/07/2017 10:33 AM | Xã hội

Năm 1958, Rajaratnam tham gia sáng lập Đảng Hành động nhân dân với Lý Quang Diệu, Toh Chin Chye, Goh Keng Swee và một số nhà lãnh đạo khác. Ông nổi tiếng trong những người ủng hộ bởi khả năng thấu hiểu người dân, cộng đồng.

Là người bản lĩnh và cứng rắn nhưng cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng bật khóc vì một người vào năm 2006. Đó chính là trong tang lễ của S. Rajaratnam, ngoại trưởng đầu tiên của Singapore và một trong những đồng chí thân thiết với Lý Quang Diệu.

Đồng chí lớn của cố thủ tướng Lý Quang Diệu

"Dịch vụ chính trị", đó là cách S. Rajaratnam đã nhận xét vào năm 1978 về con đường sự nghiệp mà mình theo đuổi.

"Đó là một loại hình dịch vụ đặc trưng trong đó nó kiểm tra, kéo căng tất cả nguồn lực trí tuệ và đạo đức của một cá nhân mà không loại hình nào khác có thể làm được. Nhiều người thất bại và bị bóp vụn dưới áp lực. Nhiều người thoái hoá trở thành những kẻ tham nhũng và xấu xa", S. Rajaratnam nhận xét.

Ông nói thêm: "Nhưng những ai vượt qua thử thách sẽ tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi triết học và tôn giáo vốn đã rất cũ: "Ý nghĩa của sự tồn tại là gì? Sứ mệnh của một người đàn ông là gì? "

Rajaratnam, nhà tư tưởng lớn của Singapore, đã tìm ra câu trả lời của mình khi dấn thân vào con đường chính trị vào năm 1959. Ông đã từ bỏ sự nghiệp nổi tiếng vốn là nhà văn, nhà báo tại Straits Time và đặt cuộc sống của mình phục vụ cho tầm nhìn lớn hơn về một nước Singapore độc ​​lập khỏi cai trị thực dân và cuộc xung đột của cộng đồng.

Vốn sinh ra tại Sri Lanka năm 1915 nhưng Rajaratnam trưởng thành tại Malaysia. Sau khi học xong trường St Paul, viện Victoria tại Kuala Lumpur, năm 1937 ông theo học trường King’s College tại London với tấm bằng luật sư tuy nhiên việc học bị gián đoạn bởi thế chiến thứ II. Rajaratnam rẽ hướng sang viết lách, báo chí để kiếm sống rồi sau này được tuyển vào làm cho BBC.

Năm 1948, Rajaratnam quay trở về Singapore và tham gia vào tờ báo Malayan Tribune rồi chuyển sang Straits Time năm 1954. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài viết về thực trạng, cách thức người Anh vận hành Singapore.

Năm 1958, Rajaratnam tham gia sáng lập Đảng Hành động nhân dân với Lý Quang Diệu, Toh Chin Chye, Goh Keng Swee và một số nhà lãnh đạo khác. Ông nổi tiếng trong những người ủng hộ bởi khả năng thấu hiểu người dân, cộng đồng. Ông cũng từng đảm nhận những vị trí then chốt trong bộ máy của Lý Quang Diệu như Bộ trưởng văn hóa (1959), Ngoại trưởng (1965-1980), Bộ trưởng Lao động (1968-1971), Phó thủ tướng (1980-1985). Ông cũng là 1 trong 5 người sáng lập nên cộng đồng ASEAN năm 1967.


Cố thủ tướng Lý Quang Diệu trong tang lễ S. Rajaratnam năm 2006.

Cố thủ tướng Lý Quang Diệu trong tang lễ S. Rajaratnam năm 2006.

Nhà tư tưởng lớn của Singapore

Dấu ấn tư tưởng của Rajaratnam còn để lại trong Tín ước Singapore. Tín ước này được xem là một lời cam kết trung thành với quốc gia. Nó thường được người Singapore tuyên bố trong các sự kiện công cộng, đặc biệt là trong các trường học, trong Lực lượng Vũ trang Singapore và trong Ngày Quốc lễ Parade.

Ý tưởng viết Tín ước ban đầu được hình thành vào tháng 10 năm 1965 bởi ông William Cheng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với mục đích cam kết nuôi dưỡng ý thức quốc gia và lòng yêu nước trong các trường học. Ý tưởng này nhận được sự tán thành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Ông Ong Pang Boon và người được giao nhiệm vụ soạn thảo lời cam kết cho Philip Liau, Cố vấn về Sách giáo khoa, giáo trình và Ông George Thomson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị.

Sau này 2 bản thảo được gửi cho S. Rajaratnam để nhận xét góp ý. Bản thảo đã trải qua những sửa đổi khác của các quan chức Bộ cũng như sau đó là Thủ tướng Lý Quang Diệu trước khi trình lên Nội các để phê duyệt cuối cùng.

Theo lời S. Rajaratnam, tín ước ra đời trong bối cảnh Singapore đang trong cuộc đấu tranh tái thiết và xây dựng "một Singapore mà chúng ta tự hào". Ông tin rằng ngôn ngữ, chủng tộc và tôn giáo là những yếu tố có khả năng chia rẽ và sử dụng Tín ước để nhấn mạnh rằng những khác biệt này có thể vượt qua nếu người Singapore thống nhất vì một cam kết đối với đất nước.

Không chỉ có vai trò ảnh hưởng lớn trong nước, sau khi Singapore được tách ra khỏi Malaysia vào năm 1965, S. Rajaratnam trở thành ngoại trưởng đầu tiên trong bối cảnh đất nước khó khăn, phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như các mối quan hệ chính trị bất ổn trong khu vực. Trên cương vị bộ trưởng, ông không những tạo mối quan hệ tốt đẹp với các nước mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại cho Singapore tầm ảnh ảnh hưởng khu vực.

Năm 1972, ông Rajaratnam là người có tầm nhìn khi đạt mục tiêu sớm biến Singapore trở thành một loại thành phố mới - một thành phố toàn cầu. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông đã đưa ra nhiều lý tưởng có tầm ảnh hưởng đến tương lai cũng như thiết lập các nguyên tắc cơ bản để lãnh đạo tốt một quốc gia dễ bị tổn thương mà không có nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Rajaratnam là một trong những Bộ trưởng Nội vụ lâu nhất trong Nội các, sau đó ông được bầu là Phó Thủ tướng (về Ngoại giao) từ năm 1980 đến năm 1985. Năm 1988, Rajaratnam rút lui khởi con đường chính trị.

"Tôi muốn nói thêm rằng tôi rất gắn bó với các đồng chí cũ, đặc biệt là những người đã từng vào sinh ra tử với tôi. Tôi biết họ là những người đáng tin cậy. Trong chiến đấu, họ không bao giờ bở rơi tôi", Lý Quang Diệu tại từng nói về Rajaratnam và những người bên cạnh ông trong sự nghiệp xây dựng nên Singapore hiện đại vào năm 1982.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM