Chân dung Lavifood - Doanh nghiệp bỏ hàng chục tỷ đồng đưa bản quyền AFF Cup về với nông dân

14/10/2018 07:29 AM | Kinh doanh

Tại sao một công ty nông nghiệp lại bỏ tiền mua bản quyền giải bóng, nếu không vì mục đích quảng bá tên tuổi? Phó Tổng giám đốc Lavifood cho hay: "Thực tế, bóng đá có cùng giá trị cốt lõi với công ty chúng tôi. Đó là chia sẻ giá trị cộng đồng."

Chỉ một tuần trước, nếu hỏi về Lavifood, chắc chắn sẽ không có nhiều người biết, bởi vì Lavifood là một công ty chế biến và xuất khẩu rau củ quả không có sản phẩm bán tại Việt Nam, cũng không gắn với tên tuổi của một "đại gia" nào. Nhưng sau ngày 12/10, khi cái tên doanh nghiệp đứng sau tài trợ cho Next Media mua bản quyền Giải đấu vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2018 được tiết lộ thì Lavifood trở nên gây tò mò hơn bao giờ hết.

Doanh nghiệp bán xoài triệu đô cho Huyndai

Năm 2014, tại Long An, một công ty chuyên chế biến và xuất khẩu rau củ quả ra đời với tên thương hiệu Lavifood. Ngoài sản phẩm chính là trái cây đông lạnh, Lavifood còn cung cấp rau củ tươi và đông lạnh, các sản phẩm xay nhuyễn, nước ép và nước ép cô đặc. Ông Đinh Hùng Dũng – Phó Tổng giám đốc Lavifood cho biết, châm ngôn hoạt động của công ty là "The first – The best – The only (Đầu tiên, Tốt nhất và Duy nhất).

Và vì thế, dù mới thành lập nhưng đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành rau củ "dám" đầu tư thiết bị chế biến từ châu Âu cho toàn bộ dây chuyền và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý chất lượng.

Để thực hiện châm ngôn "tốt nhất", Lavifood đã xây dựng chuỗi giá trị nông sản liên kết 6 nhà bao gồm từ việc nghiên cứu, cung cấp giống cây trồng, phân bón, đào tạo kỹ thuật canh tác và hợp tác với Ngân hàng hỗ trợ tài chính cho người nông dân… cho đến khâu chế biến ứng dụng công nghệ cao. Nông sản của nông dân Long An được Lavifood ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ.

Ngay sau 1 năm hoạt động, Lavifood gây tiếng vang khi ông Mong Hyuck Chung - Chủ tịch tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đến tham quan nhà máy và kí hợp đồng cung ứng nông sản. Riêng quả xoài, Lavifood đã ký được hợp đồng trị giá một triệu đô la với tập đoàn xe hơi Hàn Quốc đang muốn lấn sân sang lĩnh vực nông sản.

Từ thành công ban đầu, hơn 10.000 tấn thành phẩm gồm nhiều loại trái cây đã được Lavifood xuất sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp…

Sau Long An, nhìn thấy cơ hội ở Tây Ninh khi địa phương này mong muốn trở thành thủ phủ nông sản của Việt Nam, Lavifood tiếp tục mạnh tay đầu tư nhà máy Tanifood tại đây với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT của Lavifood cho biết, nhà máy Tanifood sẽ hoạt động vào cuối năm 2018, công suất 60.000 tấn thành phẩm/năm – gấp 4 lần công suất hiện tại của công ty, với các loại trái cây như xoài, dứa, thanh long, mãng cầu, chuối…

Để thực hiện chuỗi giá trị của mình, Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh khoảng 27.000 ha để tái cơ cấu cây trồng chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu sạch. Tháng 12/2017, Lavifood cũng ký với tỉnh Đồng Tháp xây dựng cụm nông nghiệp công nghệ cao với nhà máy chế biến, khu sản xuất phân bón, cây giống... Những hoạt động này đảm bảo sản phẩm của Lavifood sạch từ khâu giống cho đến trồng trọt, thu hoạch, chế biến.

Sau khi xây dựng nhà máy Tanifood, công ty sẽ đầu tư tiếp 4 nhà máy chế biến rau quả ở Tây Ninh với quy mô tương tự.

Khi người nông dân trở thành người công nhân trong nông nghiệp

Trả lời về tầm nhìn doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc của Lavifood nhấn mạnh, đặc tính "The only" của công ty thể hiện rất sâu sắc ở việc áp dụng công nghệ.

"Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong thời đại ngày nay, đặc biệt là công nghệ giúp thực phẩm bảo quản lâu hơn mà vẫn giữ nguyên chất lượng. Khái niệm "ready to cook" (Sẵn sàng để nấu) đã rất phổ biến trên thế giới, nhưng Lavifood sẽ tiến tới giai đoạn cao hơn nữa là "ready to eat" (Sẵn sàng để ăn)" với những sản phẩm trái cây chỉ cần bóc bao bì ra ăn, sạch sẽ và ngon lành mà không có chút hóa chất nào" – ông Đinh Hùng Dũng nói.

Không chỉ khâu chế biến, Lavifood ứng dụng công nghệ cao từ khâu trồng trọt, xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, với một phần mềm đặc biệt, người nông dân có thể biết được độ ẩm của đất, xác định lượng nước cần để tưới, lượng phân đủ để bón cho cây trồng… cũng như các cảnh báo về sâu bệnh.

Về phía Lavifood, ứng dụng này giúp họ chọn lựa loại cây trồng phù hợp với loại đất, loại chất cần phải bổ sung cho đất, từ đó hợp tác với công ty sản xuất phân bón để sản xuất những loại phân bón đặc thù vừa cải tạo đất vừa tốt cho cây.

Trở lại với câu chuyện về bóng đá, chia sẻ của ông Đinh Hùng Dũng có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho tầm nhìn của một doanh nghiệp phát triển bền vững như Lavifood.

Câu hỏi được đặt ra với họ là: Tại sao một công ty nông nghiệp lại bỏ tiền mua bản quyền giải bóng, nếu không vì mục đích quảng bá tên tuổi? Phó Tổng giám đốc Lavifood cho hay: "Thực tế, bóng đá có cùng giá trị cốt lõi với công ty chúng tôi. Đó là chia sẻ giá trị cộng đồng."

Giống như các cầu thủ ghi bàn thắng trên sàn đấu quốc tế thì người nông dân Việt Nam cũng đã và đang "ghi bàn" ra thị trường thế giới bằng nông sản của họ. Nhưng bây giờ, với những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiêu chuẩn chế biến quốc tế, họ sẽ sút bóng với tâm thế khác và giàu khát khao hơn.

Và nếu như các cầu thủ U23 có một vị huấn luyện viên chuyên nghiệp, dẫn dắt họ đi đến chiến thắng thì Lavifood sẽ là vị huấn luyện viên hướng dẫn người nông dân ghi bàn một cách tốt nhất.

"Chúng tôi muốn đào tạo người nông dân thành người công nhân trong nông nghiệp. Tức là họ phải kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc cam kết của mình với nhà sản xuất, khách hàng… và lao động theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc đưa giải AFF Cup về gần với mọi người, với người nông dân hơn là nhằm mục tiêu truyền cảm hứng cho họ như vậy, thay đổi nhận thức và giúp họ có ý thức chuyên nghiệp trong việc bán hàng trên thị trường quốc tế" – ông Dũng nhấn mạnh.

Số 1 Việt Nam – Top 5 Đông Nam Á – Top 10 Châu Á – Top 20 Thế Giới

Một công ty 4 năm tuổi như Lavifood đã đặt mục tiêu trong 10 năm tới là: Số 1 Việt Nam – Top 5 Đông Nam Á – Top 10 Châu Á – Top 20 Thế Giới. Ông Dũng chia sẻ, mục tiêu này được dựa trên cơ sở tầm nhìn của doanh nghiệp, chiến lược xây dựng chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ. Mục tiêu cũng được dựa trên con số cụ thể về cơ sở khách hàng lớn đang có và khách hàng đã ký biên bản thỏa thuận với công ty.

Đơn cử như nhà máy Tanifood, dù cuối năm 2018 mới đi vào hoạt động nhưng các đơn hàng của các tập đoàn lớn đối với nhà máy Tanifood đã lên đến 200 triệu USD. Nhiều khách hàng lớn khác cũng đang đặt hàng.

Một trong những điều mà những người quan tâm đến sự phát triển bền vững trong nông nghiệp chính là thu nhập của nông dân. Ông Đinh Hùng Dũng cho hay, với việc tham gia chuỗi giá trị của Lavifood, thu nhập của người nông dân không chỉ được đảm bảo mà còn tăng lên rất nhiều.

Nếu như trước đây, nông dân bán trái cây tươi chỉ bán được loại quả tốt nhất trong vườn (vốn chỉ chiếm tối đa 50% sản lượng), thì hiện tại, Lavifood thu mua tất cả nhờ sở hữu đầy đủ dây chuyền từ sản xuất trái cây tươi đến cô đặc, xay nhuyễn, nước ép đóng chai.

Chia sẻ trên báo chí, ông Phạm Ngô Quốc Thắng đánh giá, khi nhà máy Tanifood tại Tây Ninh vận hành hết công suất, nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị sẽ nâng cao thu nhập từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.

Lavifood đặt ra sứ mệnh cung cấp sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lý nhất, cân bằng giữa lợi ích người nông dân - nhà sản xuất và công ty, cùng với trách nhiệm xã hội và tối đa lợi ích cho mỗi cổ đông. Với tôn chỉ hoạt động như thế, họ có quyền khát vọng về vị trí số 1.

An Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM