Chân dung giám đốc 9x tại Viettel: Điểm Toeic từ 300 lên 930 chỉ trong 6 tháng, giải được bài toán khó 6 năm của tập đoàn

26/09/2018 10:20 AM | Kinh doanh

Phạm Xuân Huy là một trong những nhân tài được tìm ra bằng việc giao những nhiệm vụ tưởng chừng không thể tại Viettel.

Bài toán khó gần 6 năm

17h, chị Thủy vội vã mở điện thoại để đặt xe từ ứng dụng Grab để về đón con. Điều khiến chị bực mình là không thể đặt được xe do hết dung lượng 3G. Chị khá ngạc nhiên và bức xúc gọi điện lên tổng đài Viettel bởi gói cước 2 GB chị mới mua dùng chỉ được trong 1 tuần và nhu cầu chính cũng chỉ là lướt web, Facebook.

Nếu là thời điểm 2015 thì chị Thủy được xếp vào danh sách khó xử lý của bộ phận chăm sóc khách hàng Viettel. Tuy nhiên từ đầu năm 2016, với hệ thống giám sát chất lượng mạng Data Monitoring được xây dựng bởi một kỹ sư 1992, Viettel đã có thể giải đáp chi tiết thắc mắc cho khách hàng.

Hệ thống này còn giúp giảm thời lượng phản ánh chất lượng dịch vụ về dung lượng mạng từ 30 phút/cuộc gọi xuống còn 17 phút. Từ đó hiệu suất chăm sóc của nhân viên chăm sóc tổng đài Viettel tăng từ 25 cuộc gọi lên 45 cuộc gọi/ngày.

Viettel tự hào rằng Data Monitoring cho phép tập đoàn này nhìn rõ từng người dùng trong mạng lưới khách hàng cũng như giải đáp được đến tận MB dữ liệu của họ. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên được làm bởi người Việt và hiện trên thế giới số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do tự phát triển thành công nên hệ thống này giúp Viettel tiết kiệm được hơn 20 triệu USD cũng như chi phí hàng năm nếu mua của nước ngoài.

Bất ngờ hơn khi giám đốc sản phẩm Data Monitoring là Phạm Xuân Huy, một kỹ sư sinh năm 1992. Huy cũng là một trong những cá nhân xuất sắc được đề cử vào giải thưởng danh giá The Best of Viettel năm 2017.

Nhiệm vụ bất khả thi

Phạm Xuân Huy vốn là cựu sinh viên Học viện bưu chính viễn thông. Sau khi tốt nghiệp, Huy từng làm tại tập đoàn FPT trước khi gia nhập Trung tâm không gian mạng Viettel.

Nói thêm về Trung tâm không gian mạng Viettel (VTCC) ban đầu là ban dự án TL trực thuộc tập đoàn với 4 thành viên vào năm 2014. Đến năm 2015, VTCC chính thức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, kinh doanh sản phẩm công nghệ về BigData, AI, Data Mining, DPI. VTCC từng đặt giải thưởng Sao Khuê, giải đồng IT World Awards năm 2016 với hệ thống chặn tin nhắn rác Antispam.

Năm 2015, VTCC còn cho ra mắt sản phẩm V-wallet ra mắt thị trường Campuchia. Tháng 12/2016 ra mắt thị trường Tanzania. Tháng 4/2017 ra mắt thị trường Timor Leste. Sản phẩm này cũng nhận giải thưởng từ tổ chức The International Business Award.

Chân dung giám đốc 9x tại Viettel: Điểm Toeic từ 300 lên 930 chỉ trong 6 tháng, giải được bài toán khó 6 năm của tập đoàn - Ảnh 1.

Phạm Xuân Huy và các đồng nghiệp tại VTCC.

Theo chia sẻ của Phạm Xuân Huy, thời điểm anh cùng các đồng nghiệp phát triển sản phẩm chưa có ai làm những dự án dữ liệu lớn như vậy cũng như chưa ai trải qua những bài toán lớn thế bao giờ. Bắt đầu dự án của anh cùng đội ngũ có thể xem là từ con số 0.

Thời điểm này, khối lượng dữ liệu của những hệ thống lớn nhất Viettel sinh ra chỉ khoảng vài chục Gigabit/ngày thì bài toán Data Monitoring là hơn 86.000 Gigabit/ngày. Số liệu này cho thấy bài toán khổng lồ cần xử lý với đội ngũ của nhóm phát triển Data Monitoring.

Không những choáng ngợp về độ khủng của dự án, dù từng học về viễn thông nhưng đi vào thực tế với Huy lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Để phát triển dự án này đòi hỏi anh phải am tường về mạng lưới, giao thức vô tuyến,… cho tới những công nghệ hàng đầu.

Chàng trai 9x thực nghiệm, học hỏi các kỹ sư vận hành khai thác của Tổng công ty mạng lưới Viettel, đồng thời tự nghiên cứu tài liệu chuyên sâu từ các đơn vị cung cấp thiết bị viễn thông như Nokia, Ericsson, Nokia, ZTE. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu học tập, từ một người kém tiếng Anh với mức điểm Toeic chỉ mức 300, chỉ trong 6 tháng Huy đã lên 930 điểm.

Sau 2 năm nghiên cứu, Phạm Xuân Huy được Viettel đánh giá là chuyên gia hàng đầu về công nghệ viễn thông, am hiểu về cấu trúc các giao thức vô tuyến, thủ tục giao tiếp trong mạng lưới. Từng nút thắt của dự án bắt đầu được giải.

Sau 6 tháng thử nghiệm sản phẩm, đơn vị của Huy được tập đoàn giao nhiệm vụ triển khai trên phạm vi toàn quốc ngay từ ngày 23 tháng Chạp đến trước mùng 6 Tết, tức khoảng tháng 2 năm 2017. Thời điểm này sớm hơn so với kế hoạch ban đầu áp dụng với 3G là tháng 6 và 4G là tháng 12 năm 2017. Công việc trong 5 tháng được rút xuống chỉ trong 12 ngày là thử thách tưởng chừng không thể thực hiện với nhóm phát triển sản phẩm.

Tết năm đó, Huy cùng 20 người đồng nghiệp khác không nghỉ tết mà ở lại trụ sở để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đúng mùng 6 tết, dữ liệu toàn bộ người dùng 3G đã vận hành trên hệ thống trơn tru. 1 tháng sau, hệ thống Data Monitoring tiếp tục được triển khai với mạng 4G.

"Tôi luôn tin rằng con người có khả năng vô hạn, con người trở nên vĩ đại khi được làm những việc vĩ đại. Nếu năng lực của một người là 1, chúng ta giao cho họ 3 thì họ sẽ giỏi lên. Ngược lại nếu năng lực 3 mà giao họ 1 thì họ sẽ kém đi. Vì vậy, có một số công việc là thách thức số một. Số hai là công việc đó phải được thổi cho nó linh hồn (ngọn lửa, khát vọng). Sau nữa phải có điều kiện là việc, rồi có thu nhập.

Cơ bản con người trưởng thành qua công việc. Con người chỉ có 10% thức và 90% ngủ, phải đánh thức được 90% đó", cựu tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ về triết lý tìm người giỏi tại Viettel trên tạp chí Forbes. Và Phạm Xuân Huy là một trong những nhân tài được tìm ra bằng việc giao những nhiệm vụ tưởng chừng không thể tại Viettel.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM