“Chân dung” dự án thép hơn 8.000 tỷ đắp chiếu chờ nhà thầu Trung Quốc

09/04/2016 16:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Từ năm 2012 đến cuối tháng 1/2016 TISCO và nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đã cùng đàm phán 10 lần tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được như các điều kiện TISCO đưa ra.

Mới đây, Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc xin hàng loạt ưu đãi cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), chủ đầu tư dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái nguyên.

Cụ thể, xin miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dụng cụ nhập khẩu phục vụ dự án, thuế nhà thầu , không tính phần thuế VAT.

Bên cạnh đó, miễn giảm chi phí lãi vay trong thời gian dự án dừng hoạt động. Giá trị xin ưu đãi thêm là 1.159 tỷ đồng trong đó xin các ưu đãi về thuế là 529 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong thời gian dừng hoạt động là 629 tỷ đồng.

SCIC cũng yêu cầu TISCO tính toán lại chính xác tổng mức đầu tư điều chỉnh, hiệu quả dự án và báo cáo Thủ tướng phê duyệt thực hiện.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng vào năm 2007 với công suất dự kiến 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỷ đồng.

Tháng 7/2007, TISCO ký hợp đồng tổng thầu EPC (E-thiết kế, P-cung cấp thiết bị, C-xây dựng công trình), với MCC. năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, nhà thầu MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho chủ đầu tư. Đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, nhà máy vẫn chỉ là đống sắt gỉ “đắp chiếu”.

Sau khi ký hợp đồng, nhà thầu MCC được TISCO tạm ứng số tiền trên 35 triệu USD, tương đương khoảng 600 tỷ đồng tỷ giá thời điểm này trong tổng số khoảng 160,8 triệu USD. Khoảng 1 năm sau đó, MCC yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD, tức khoảng 5.000 tỷ đồng.

TISCO sau đó đã được đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, gấp đôi so với tính toán ban đầu. Lãnh đạo TISCO cho biết, dự án đội vốn hơn gấp đôi chủ yếu do dự án chậm tiến độ dẫn đến phát sinh chi phí và thiếu vốn.

Việc MCC rút về nước nhưng chưa chuyển giao phần quan trọng nhất của dự án là thiết bị điều khiển, thậm chí các thiết bị được mang từ Trung Quốc sang cũng mới lắp một phần, còn lại cất trong kho được phía TISCO thông tin rằng, phần điện và phần điều khiển MCC sẽ chuyển sang cho TISCO sau khi hai bên ký phụ lục hợp đồng lần thứ 9.

Trong báo cáo của Hội đồng quản trị CTCP Gang thép Thái Nguyên tại Đại hội đồng đông thường niên năm 2016 mới công bố, TISCO cho biết đã thu xếp được vốn cho dự án. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện nay, VDB đã ký hợp đồng tín dụng cho vay bổ sung 1.359 tỷ đồng từ ngày 27/11/2015. SCIC đã góp vào TISCO 1.000 tỷ đồng từ tháng 3/2015. Vietinbank đã ký hợp đồng tín dụng cho vay bổ sung 1.100 tỷ đồng từ ngày 4/6/2015. Như vậy, tổng số vốn đã thu xếp được đạt 3.459 tỷ đồng.

Về đàm phán với MCC, lãnh đạo TISCO cho biết, quá trình đàm phán với MCC diễn ra từ năm 2012 đến cuối tháng 1/2016 với tổng số 10 lần đàm phán. Đến nay các nội dung chính của Phụ lục sửa đổi hợp đồng lần thứ 9 và hợp đồng thi công lắp đặt thiết bị của dự án đã được các bên thống nhất, chủ đầu tư đã chuyển các tài liệu này cho hãng luật Vinalegal xem xét đánh giá về tính pháp lý theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, làm việc với Cục đăng kiểm Việt Nam để kiểm định nghiệm thu các phương tiện vận chuyển nhập khẩu của dự án. Mời hãng luật Vinalegal tham gia tư vấn pháp lý cho TISCO trong quá trình đàm phán với MCC.

TISCO cũng cho biết, phối hợp với Tư vấn thiết kế luyện kim của VNS khảo sát đánh giá, lập phương án và dự toán chi phí bảo dưỡng sửa chữa vật tư thiết bị han gỉ lão hoá hư hỏng do để lưu kho bãi lâu ngày….

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, theo TISCO đến thời điểm hiện tại dự án đã trải qua 1 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư năm 2013 điều chỉnh từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng và 1 lần rà soát lại tổng mức đầu tư năm 2014 kết quả tổng mức đầu tư vẫn giữ nguyên là 8.104 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM