Chân dung doanh nghiệp tiên phong làm tem chống hàng giả tại Việt Nam từ hơn 20 năm trước

28/06/2019 13:30 PM | Kinh doanh

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất những con tem này là công ty liên doanh Nam Liên. Công ty này do doanh nhân Cao Công Tường thành lập năm 1997.

Chuyện về con tem bạc

Từ năm 1998, trên một số sản phẩm của Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn lưu hành ngoài thị trường được dán thêm một con tem bạc lấp lánh. Thoạt đầu người tiêu dùng, thậm chí nhiều nhà sản xuất vẫn nghĩ rằng con tem bạc này là phần để trang trí, cốt tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhưng nhiệm vụ của con tem này lại đặc biệt hơn - đây là tem chống làm giả Hologram.

Đây là loại tem được sản xuất bằng tổ hợp các máy laser trên nguyên lý biến đổi quang học phát xạ. Có thể giải thích đơn giản là khi tạo ra được các con tem này cần sử dụng các ánh sáng đơn sắc laser để có những con dao khắc có thể khắc được cỡ nanomét (một phần tỷ mét) tạo ra những khuôn in và do đó mới tạo được những hình ảnh mà khi ánh sáng trắng chiếu vào sẽ phát ra các màu sắc khác nhau của 7 sắc cầu vồng tùy theo góc nhìn, biểu lộ hình ảnh nổi không gian 3 chiều trên mặt phẳng (ảnh nổi).

Ưu điểm của con tem này là mang được đầy đủ các thông tin mà nhà sản xuất muốn chuyển tải như tên công ty, địa chỉ, điện thoại và cam kết của nhà sản xuất với người mua về sản phẩm của mình, chính là một tem bảo hành, tem sản phẩm chính hiệu. Và vì con tem Hologram được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, bằng loại giấy in đặc chủng và không cần mực in nên rất khó làm giả, hiệu quả chống giả hàng rất cao khi dán tem này. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất những con tem này là công ty liên doanh Nam Liên. Công ty này do doanh nhân Cao Công Tường thành lập năm 1997.

Chân dung doanh nghiệp tiên phong làm tem chống hàng giả tại Việt Nam từ hơn 20 năm trước - Ảnh 1.

Hình ảnh tem chống hàng giả Hologram.

Năm 1971, ông Tường tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp. Kỳ thi tốt nghiệp của ông gián đoạn khi nhận nhiệm vụ quân sự bảo vệ tổ quốc. Sau khi xuất ngũ, ông Tường làm quản lý lao động ở Liên Xô trong 4 năm. Năm 1991, ông về nước và công tác 2 năm trong Công ty Liên doanh Việt Thắng. Năm 1994, ông trở lại quê hương Nam Định làm điều hành trong Công ty Thái Hà.

Công ty Thái Hà vốn kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Một đối tác Hồng Kông đã mời ông tham gia hợp tác một trong hai lĩnh vực là bao bì và tem chống hàng giả. Thay bằng lựa chọn ngành hàng truyền thống, ông quan tâm nhiều hơn đến những con tem bạc Hologram có thể chống làm giả. Khi gặp đối tác ông thấy sản phẩm này thị trường Việt Nam chấp nhận được nhưng không phải là hiệu quả ngay, rủi ro rất cao, có thể thất bại nhưng nếu có chiến lược bền lâu chắc chắn sẽ có thành công lớn.


Suýt phá sản vì không được đầu tư

Để xin được giấy phép đầu tư cho một ngành sản xuất tem thật chống hàng giả không phải là dễ mặc dù loại hình đặc thù này được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Ông phải mất nhiều tháng giải thích, thuyết trình với các cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ, đặc biệt là yếu tố đảm bảo an ninh. Việc chặt chẽ trong phê duyệt dự án cũng phải, bởi bên cạnh tính kinh doanh, người sản xuất còn phải có trách nhiệm cao với cộng đồng, xã hội. Nhưng chính vì lẽ đó mà Công ty Nam Liên (công ty con của công ty Thái Hà) có thuận lợi, thời điểm này là doanh nghiệp duy nhất trên cả nước sản xuất ngành hàng này.

Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn là bạn hàng đầu tiên của Nam Liên đã đặt in thử và rồi ký hợp với số lượng lớn. Thấy được vai trò của tem chống giả, số các doanh nghiệp tới đặt in ngày một nhiều hơn. Nhưng vì lợi nhuận ban đầu của sản phẩm chưa cao nên phía Hồng Kông- đối tác liên doanh của Nam Liên không muốn tiếp tục đầu tư vốn. 

Năm 1999 là thời kỳ khó khăn nhất của công ty, tưởng chừng phải phá sản. Nhiều doanh nghiệp ở Miền Nam muốn mua lại toàn bộ máy móc thiết bị song ông kiên trì thuyết phục tỉnh giữ lại và tiếp tục củng cố đầu tư. Ông ý thức rằng, tem chống làm giả là để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính và khi họ tin tưởng, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh thì Nam Liên sẽ càng thêm phát triển. Muốn vậy, Nam Liên phải hết sức giữ chữ tín trong kinh doanh.

Để đảm bảo chất lượng, độc quyền về số lượng tem, ông xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ, trong đó có hình thức thưởng phạt rõ ràng. Nếu công nhân vô tình làm mất một con tem thì bị phạt 100.000 đồng, nếu cố tình lấy tem sẽ buộc phải thôi việc, sản phẩm bị hỏng do lỗi của người quản lý cũng phải chịu nhận phạt. Tuy vậy ông đặc biệt chú trọng đến vấn đề con người, đầu tư lớn, dài hạn cho công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân tay nghề bậc cao; gắn bó người lao động bằng chính sách đãi ngộ ngay cả khi công ty chưa có lãi. Giai đoạn đầu năm 2000, mặt bằng lương trong tỉnh Nam Định rất thấp nhưng mức lương bình quân của hơn 100 cán bộ công nhân công ty luôn ổn định là 2 triệu đồng/người/tháng.

Giai đoạn phát triển của Nam Liên là khi chỉ tính riêng Cục Xuất bản và Tổng công ty Phát hành sách phối hợp với các nhà xuất bản dùng tem để quản lý blốc lịch đã cho kết quả cao. Sản lượng bình quân trước thời kỳ dán tem chỉ đạt hơn 7 triệu block lịch/năm, mà vẫn bị ứ thừa. Nhưng ngay trong năm 2000, sau khi thực hiện dán tem chống làm giả Hologram, sản lượng tiêu thụ tăng vọt trên 8 triệu block, hàng luôn trong tình trạng bị "cháy".

Ngoài ra nhà Xuất bản Giáo dục sử dụng 100% tem chống giả của Nam Liên dán trên sách giáo khoa. Bên cạnh đó những doanh nghiệp tư nhân khác cũng dần dần sử dụng sản phẩm của công ty này như công ty Đông dược Bảo Long, Phúc Hưng, Traphaco cho đến những tấm vé phí đường bộ, các thiết bị viễn thông, điện thoại di động. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh của Hải Dương khi xuất hàng đi Trung Quốc đều có thêm tem chống giả này.

Hiện nay Nam Liên đã đổi mô hình kinh doanh là Công ty Cổ phần Nam Liên. Ngoài mảng kinh doanh chính là tem chống hàng giả, công ty này còn sản xuất, in ấn các loại bao bì nhựa (nilon) phức hợp, màng PP, PE, CPP, MCPP, MPET.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM