Chân dung đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử: 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm, 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn

14/05/2019 14:16 PM | Kinh doanh

Tại sự kiện Doanh nhân Việt Nam năm 2012, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương cho cụ Đỗ Thế Sử đã từng phát biểu: "Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…".

Sinh năm 1923 tại quê nhà xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử từng là đại biểu HĐND Khoá đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Cụ tham gia học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên, từng là Ủy viên Mặt trận Liên Việt huyện, làm Chủ tịch xã, rồi cán bộ tuyên huấn của Tỉnh ủy Hà Tây cũ.


"Gà trống nuôi con", một tay gây dựng cơ đồ

Năm 1964, cụ Sử đang giữ chức Tổng biên tập Báo Sơn Tây thì cụ bà đột ngột ngã bệnh qua đời. Cụ Sử lúc này lâm cảnh cha góa con côi, lúc ấy đứa lớn nhất đang học lớp 10, đứa con nhỏ nhất mới lên hai tuổi. Cụ Sử đứng trước sự lựa chọn giữa công việc và chín người con. Sau rất nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng cụ viết đơn xin nghỉ việc.

Nghỉ việc, lại vừa làm cha, vừa làm mẹ, cụ trăn trở nghĩ cách mưu sinh. Thấy nhiều việc đơn giản mà những đứa trẻ có thể làm được, cụ thành lập Hợp tác xã (HTX) thủ công chuyên làm văn phòng phẩm, thành viên là người trong gia đình và vài người hàng xóm. Hằng ngày, công việc của các anh chị lớn là xén giấy, em nhỏ thì gập, dán những chiếc bằng tốt nghiệp, huân, huy chương và đóng sổ sách các loại…

"Đêm ngủ, tôi vẫn phải soi đèn đếm chân xem có đủ chín đứa con không?"

- Doanh nhân Đỗ Thế Sử -

Ban ngày lao động, tối về cụ bảo các con ngồi thành hai bàn dài để dạy học. "Tôi là người cha nghiêm khắc, yêu cầu rất cao ở con mình. Vừa phải lao động vừa phải học giỏi xuất sắc điểm A, không có B", cụ từng chia sẻ.

Thương và vâng lời bố, các con cụ đều cố gắng học thật giỏi. Ngoài giờ học, các con lớn còn giúp bố nấu cơm, trông em, đi lấy cây chuối, hái rau nuôi lợn. Ngày đi làm hợp tác, tối dạy con học, đêm ngủ người cha già vẫn thường phải soi đèn đếm chân xem có đủ chín đứa con không.

Đầu những năm 60, cụ Sử vào học tại chức ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và là người học giỏi nhất lớp. Học được ba năm, do đau yếu nên cụ xin nghỉ.

Nhưng chính nhờ những kiến thức tích lũy được hồi học đại học tại chức Bách khoa, HTX do cụ Sử làm chủ nhiệm sản xuất thành công gang dẻo tâm đen rất có uy tín. HTX lúc ấy có tới 200 đầu máy và 300 xã viên. Công việc kinh doanh đã giúp cụ nuôi được các con học hành đến nơi đến chốn.

Chân dung đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử: 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm, 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn - Ảnh 2.

Cụ Đỗ Thế Sử và vợ.

Cụ Sử từng bộc bạch: "Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc... Quyết tâm tạo điều kiện cho các con học tập và một lòng vì chúng, tôi đã ở vậy nuôi các con 15 năm. Chỉ đến khi con nhỏ Đỗ Anh Tú được cử đi học tại Tiệp Khắc (cũ) tôi mới tục huyền với nhà tôi, bà Nguyễn Kim Phương và cùng bà điều hành doanh nghiệp đến bây giờ".

Khi tục huyền, cụ bảo các con: "Bố đã đứng vậy gần 14 năm qua và bố vẫn có thể đứng tiếp những năm còn lại nhưng bố phải lấy một người có thể làm mẹ về cho các con, còn nếu lấy vợ cho bố thì bố lấy từ lâu rồi. Bà ấy (cụ Nguyễn Kim Phương) đã về với bố con tôi. Nhiều người can bà ấy đừng dại dột về sống với người đàn ông có chín đứa con. Nhưng bà ấy không nản mà vẫn quyết tâm, sau đó chúng tôi sinh thêm một con trai nữa. Trước đó, bà Phương đã có một con, thế là tổng cộng tôi có 11 người con. Các con tôi rất yêu quý và kính trọng mẹ kế, làm cái gì chúng cũng hỏi bà ấy chứ đâu có hỏi tôi".


Dòng máu kinh doanh "gia truyền"

"Chạy cờ" cho mẹ, biết buôn tơ với các bà ở Hàng Ngang, Hàng Đào từ năm 14 tuổi, có thể nói cụ Đỗ Thế Sử đã bắt đầu biết và say mê kinh doanh từ thưở đó. Cụ tâm đắc: "Kinh tế là hạ tầng cơ sở của xã hội, là dòng máu nuôi cơ thể. Đất nước vững bền và phát triển thì phải có nền kinh tế khỏe mạnh và phát triển. Nhưng kinh doanh phải có gen và phải say mê nó. Tôi có gen ấy là được truyền từ mẹ tôi. Một người đàn bà thất học nhưng thông minh vô cùng. Bà chỉ nhìn qua bản đồ của xã, huyện là nắm được hết từng thửa ruộng. Không biết chữ nhưng bà tính nhẩm nhanh như cắt và không sai bao giờ".

Nói về người mẹ giỏi giang của mình, cụ từng kể lại: "Mẹ tôi là con gia đình khá giả. Cha mẹ bà nhận trầu cau của một người trong xã. Bà không ưng người đó và trót yêu ông chánh tổng đã có vợ. Bà bỏ nhà trốn lên Phú Thọ cấy thuê làm mướn lo đủ số tiền mang về trả lễ cho nhà trai rồi nhất quyết lấy bố tôi. Phận làm lẽ cũng chẳng dựa gì nhiều vào chồng, bà tự tay gây dựng cơ đồ. Có chút vốn là bà mua ruộng, giao cho người cấy thuê và trả công xứng đáng, hai bên cùng có lợi. Cứ thế mà nhân lên mãi. Rồi bà mở xưởng thuê người nấu mật mía, mở lối gỗ từ Tuyên Quang, Phú Thọ, mở xưởng dệt nhuộm vải thâm… Có trong tay 300 mẫu ruộng, xưởng vải, xưởng mật, xưởng gỗ… vậy mà vẫn tham công tiếc việc làm quần quật như một bà lực điền chính hiệu. Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà vừa ăn ngô bung vừa tranh thủ xay lúa".

"Tôi còn biết bà có cái hòm hai đáy cao một thước, đáy dưới cao 40 phân chật cứng tiền Đông Dương. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực, nhất là khi cuộc đời thử thách mình".

"Ngày trước mẹ tôi đặt mua tơ về dệt ở Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ cần nhắn một câu là có hàng đưa về ngay, tiền trả sau. Bây giờ tôi và bạn hàng cũng vậy. Cuộn vải 150 mét thì mét nào cũng như mét nào, 100 cuộn như một. Chưa cần ký hợp đồng, chỉ cần gọi điện sang là họ thực hiện ngay. Không ai sống được một mình, người nọ phải dựa vào người kia để cùng tồn tại. Vậy thì chữ Tín quan trọng lắm".

"Tôi vẫn bảo, điều quan trọng không phải là các con làm được bao nhiêu tiền mà là các con tạo ra bao nhiêu việc làm cho công nhân. Phải trở thành người dẫn dắt mọi người theo như bà nội các con trước đây...".

- Doanh nhân Đỗ Thế Sử -

Suốt nhiều năm lăn lộn với cuộc đời nuôi dạy các con thành tài, bằng tình yêu lao động và niềm yêu thích kinh doanh, cụ Sử chưa một ngày muốn ngơi tay ngơi chân, ngay cả khi đã nghỉ hưu.

Cụ từng kể lại, khi đã nghỉ hưu ở HTX rồi, một ngày ông thông gia ở Sài Gòn ra chơi kể chuyện mua cái mũ phớt đắt quá hơn nửa chỉ vàng, cụ Sử nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn. Thế là hai vợ chồng cụ "đánh" mũ từ Hà Nội. Qua Tiệp Khắc chơi với con trai (ông Đỗ Anh Tú) cụ tìm đến tận kho mua hẳn 5000 cái về. Chuyến đi đó thắng to.

Năm ông Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ được mời bố mẹ sang, cụ Sử ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn. Tối ấy, cụ ngắm nghía đến hai giờ sáng rồi quyết định "đánh về". Cụ nhờ con trai dẫn đi mua băng giấy vệ sinh về chèn 39 kiện pha lê. Cụ bảo bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh hồi ấy còn hiếm nên cũng là khoản thu kha khá… Cũng nhờ cơ duyên thú vị từ cha mà con trai cụ phát hiện ra nhu cầu thị trường cho sản phẩm này. Về sau anh em ông Đỗ Anh Tú và Đỗ Minh Phú đã sáng lập và kinh doanh thương hiệu băng vệ sinh Diana rất thành công, trước khi bán công ty cho đối tác Nhật.

Do từng làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có ngành vải sợi nên cụ có kinh nghiệm về lĩnh vực may mặc, từ việc thu mua sản phẩm ở các công ty lớn rồi xuất đi nước ngoài. Năm 1999, cụ Sử thành lập Công ty Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc Gamexco để tự sản xuất quần áo bán cho các nước ở Đông Âu.

Điều hành công ty có 300 công nhân ở xưởng tại Hà Nội, Hà Nam và Ba Vì, ngày ngày, cụ Sử cùng vợ đều đi từ trung tâm thành phố xuống công ty làm việc và mỗi tuần 2 - 3 lần xuống Phủ Lý hoặc về Ba Vì để kiểm tra sản phẩm.

Để tiện giao dịch với khách hàng nước ngoài bởi sản phẩm của Công ty chủ yếu là xuất khẩu, cụ Sử còn tự học tiếng Anh và tiếng Trung. Khi đã ở tuổi 90, cụ vẫn giao dịch và làm việc với người nước ngoài như bất cứ doanh chủ nào. Cụ có thể tính nhẩm trong đầu không cần máy tính và gần như thuộc lòng số điện thoại di động của tất cả các con, của nhiều người và các đối tác mà không nhầm lẫn.


Gia tài để lại

Suốt gần 1 thế kỷ làm việc cống hiến không mệt mỏi cho xã hội, cho gia đình, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử đã tạ thế vào sáng 10/5/2019. Cụ hưởng thọ 97 tuổi. 

Gia tài cụ Sử để lại không chỉ là tài sản vật chất, mà quan trọng nhất chính là nền móng cho một đại gia đình kinh doanh lớn. Các con của cụ nhiều người trở thành doanh nhân tiếng tăm trong xã hội. Đó là ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Chủ tịch HĐQT TPBank; ông Đỗ Anh Tú là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, Tổng giám đốc Công ty CP Diana; ông Đỗ Quốc Bình là cựu Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội (nhiệm kỳ 2012-2017); ông Đỗ Anh Tuấn là Tổng giám đốc Công ty lò hơi FTD; bà Đỗ Kim Dung là Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa, Đỗ Xuân Mai và chồng điều hành Công ty kinh doanh Green Global... Những người không theo nghiệp kinh doanh đều trở thành những nhân vật có chuyên môn và vị trí cao trong các ngành như y khoa hay quân đội...

Bách Niên

Cùng chuyên mục
XEM