Chân dung chủ nhân Nobel Kinh tế 2017 Richard Thaler: Vị giáo sư theo chủ nghĩa bản ngã con người

10/10/2017 13:52 PM | Kinh tế vĩ mô

“Nếu muốn có một nền kinh tế tốt, bạn phải nhớ rằng các khách hàng cũng chỉ là con người”, Giáo sư Thaler nói.

Mới đây, nhà kinh tế học hành vi Richard H Thaler đã nhận được giải Nobel kinh tế học, qua đó thu hút sự chú ý của các chuyên gia về bộ môn kinh tế học hành vi.

Giáo sư Thaler là một chuyên gia kinh tế đã từng nhận được rất nhiều giải thưởng trước khi giành giải Nobel kinh tế học. Ông Thaler là tác giả của cuốn sách bán chạy “Nudge” nói về hành vi của con người qua góc nhìn kinh tế học, nhờ đó giúp người đọc có quyết định khôn ngoan hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, vị giáo sư này cũng xuất hiện trong bộ phim “The Big Short” năm 2015 nói về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và đây là một trong những video thu hút được nhiều người xem nhất trong lịch sử kinh tế học.

Theo hội đồng bình chọn giải thưởng Nobel, họ trao giải kinh tế học lần này cho Giáo sư Thaler bởi những đóng góp của ông về phân tích hành vi của con người tuân theo các lý thuyết kinh tế. Ví dụ như tại sao khách hàng lại từ chối mua một chiếc ô với mức giá quá cao bất chấp trời mưa, hoặc tại sao họ lại dùng số tiền tiết kiệm được bởi giá xăng giảm để mua xăng chất lượng cao…

Chân dung chủ nhân Nobel Kinh tế 2017 Richard Thaler: Vị giáo sư theo chủ nghĩa bản ngã con người - Ảnh 1.

Hội đồng cho rằng vị Giáo sư tại trường đại học Chicago này đã có nhiều đóng góp trong việc khiến kinh tế học trở nên dễ hiểu hơn khi xem xét ứng dụng trong thực tiễn hành vi của người tiêu dùng , qua đó giúp các nhà hoạch định chính sách có được quyết định đúng đắn hơn, nhất là tại các vấn đề tiền lương lao động.

“Nếu muốn có một nền kinh tế tốt, bạn phải nhớ rằng các khách hàng cũng chỉ là con người”, Giáo sư Thaler nói.

Khi được hỏi ông sẽ tiêu 1,1 triệu USD tiền giải thưởng như thế nào, Giáo sư Thaler cho rằng đây là một câu hỏi thú vị và ông sẽ cố gắng tiêu chúng một cách sáng tạo nhất có thể.

Giải thưởng Nobel được ngân hàng trung ương Thụy Điển thành lập vào năm 1968 để tưởng nhớ nhá phát minh Alfred Nobel và được xem xét bởi Hội đồng khoa học hoàng gia Thụy Điển. Một trong những người đồng nghiệp của Giáo sư Thaler là ông Daniel Kahneman đã nhận giải vào năm 2002 trong khi một chuyên gia kinh tế học hành vi khác là ông Robert J Shiller cũng đã nhận giải vào năm 2013.

Trước đây, các lý thuyết kinh tế được xây dựng dựa trên giả định rằng con người sẽ hành động theo logic trên thị trường. Mặc dù các chuyên gia kinh tế hiểu rằng điều này là không thực tế nhưng họ cho rằng như vậy là cũng gần đúng.

Giáo sư Thaler là một trong những chuyên gia chủ chốt của xu hướng đưa kinh tế học thoát khỏi giả định cứng nhắc như vậy. Ông không chỉ cho rằng yếu tố con người trong nền kinh tế là khó dự đoán và hành động không theo logic nhưng chúng vẫn phù hợp với các lý thuyết kinh tế học theo một cách nào đó.

Theo Giáo sư Cass Sunstein, đồng tác giả cuốn “Nudge” với ông Thaler thì vị chuyên gia mới nhận giải thưởng Nobel này là người tuân theo các lý thuyết bản năng trong hành vi con người. Cuốn “Nudge” xuất bản năm 2008 cho rằng chính phủ có thể tận dụng những hành vi bản năng của con người để nâng cao hiệu quả và chất lượng trong các dịch vụ công cũng như chính sách kinh tế.

Chỉ 2 năm sau khi cuốn sách xuất bản, chính phủ Anh đã thành lập một cơ quan liên quan đến hành vi người tiêu dùng và thị trường trong khi những quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ cũng xây dựng những cơ quan như vậy sau đó.

Chính Cựu thủ tướng Anh David Cameron cũng phải thừa nhận tư tưởng của Giáo sư Thaler là đơn giản, dễ hiểu và đề cập đến bản chất của con người.

Nhờ lý thuyết của Giáo sư Thaler mà chính phủ Anh đã có những cải thiện đáng kể trong công tác quản lý. Ví dụ như việc người dân có động lực đóng phí đăng ký xe hơi hơn nếu trong bưu kiện hóa đơn có kèm ảnh chiếc xe của họ.

Chân dung chủ nhân Nobel Kinh tế 2017 Richard Thaler: Vị giáo sư theo chủ nghĩa bản ngã con người - Ảnh 2.

Kinh tế học và bản năng người tiêu dùng

Giáo sư Thaler hiện đã 72 tuổi, sinh tại East Orange-Mỹ, tốt nghiệp trường đại học Case Western Reserve và nhận hàm giáo sư kinh tế tại trường đại học Rochester năm 1974.

Vào thời kỳ đó, hầu hết các lý thuyết kinh tế vẫn giả định hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp là logic, nghĩa là người tiêu dùng sẽ điều chỉnh chi tiêu theo những chính sách kinh tế của chính phủ bởi họ đều có thể dự đoán được kết quả của các chính sách này là gì.

Khi còn là sinh viên, ông Thaler đã làm những bài luận liên quan đến hành vi của người tiêu dùng và những bản khảo sát mà ông có được cho thấy kết quả khác hoàn toàn với lý thuyết trong sách.

Sự nghiệp của Giáo sư Thaler bước sang trang mới khi biết đến công trình của Giáo sự Kahneman và Amos Tversky, qua đó cho rằng kinh tế học cần gắn liền với hành vi của con người. Kể từ đó, ông Thaler trở thành động nghiệp cùng những chuyên gia này và đóng góp vai trò chủ chốt phổ biến công trình này ra toàn thế giới.

Năm 1995, Giáo sư Thaler tham dự giảng dạy tại trường đại học Chicago, nơi nổi tiếng với tư tưởng kinh tế học truyền thống.

“Tôi biết rằng tôi sẽ phải đấu tranh cho công trình của mình khi dạy học tại đó và tôi nghĩ đây là một điều tốt cho cả 2 bên. Cách tốt nhất để mài dũa kỹ năng của bạn là chống lại những đối thủ mạnh nhất”, ông Thaler nói.

Quan điểm thời đó của ông Thaler thực sự đã gây sốc cho các chuyên gia kinh tế truyền thống. Ví dụ theo lý thuyết cũ, giá xăng giảm sẽ khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho những mặt hàng cần thiết nhất chứ không chi thêm tiền vào xăng. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều khách hàng Mỹ dùng số tiền này để mua xăng chất lượng cao, hay nói cách khác họ mặc định khoản tiền này là để mua xăng chứ không dùng mua thứ khác.

Đây là một trong những ví dụ của ông Thaler cho việc cần gắn kinh tế học với thực tiễn bởi đôi khi thị trường không hoạt động theo đúng những gì lý thuyết đề ra.

Công trình nghiên cứu của Giáo sư Thaler cũng nói đến sự công bằng. Ông cho rằng nhiều người sẽ không hành động theo lợi ích kinh tế mà quyết định dựa trên quan điểm đạo đức của mình. Ví dụ khi trời mưa, một số cửa hàng sẽ tăng giá ô trong khi một số khác thì không bởi họ cho vậy là kinh doanh thiếu đạo đức.

Luận điểm này của Giáo sư Thaler cũng giải thích vì sao khi nền kinh tế suy thoái, lý thuyết kinh tế truyền thống lại sai. Theo đó, các giả thuyết trước đây cho rằng doanh nghiệp sẽ cắt giảm mức lương cho phù hợp với nhu cầu đặt hàng trong thời điểm kinh tế suy thoái và như vậy, tình trạng thất nghiệp sẽ khó xảy ra.

Tuy vậy, lao động lại cho rằng việc cắt giảm lương là bất công trên thực tế và khiến các doanh nghiệp cắt giảm nhân công để giữ mức lương, qua đó gây nên tình trạng thất nghiệp khi kinh tế suy thoái.

Thậm chí trong một bài phát biểu năm 2016, Giáo sư Thaler dự đoán rằng kinh tế học hành vi sẽ phổ biến tới mức thay thế được lý thuyết kinh tế học hiện nay.

AB

Cùng chuyên mục
XEM