Chán cảnh ế ẩm ở trung tâm thương mại, doanh nghiệp đua xuống phố

11/06/2016 09:20 AM | Kinh doanh

Trung tâm thương mại hoạt động kém hiệu quả, việc mua bán của các thương hiệu đã lan ra các con phố.

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng tập thể hình đã tìm những vị trí đẹp, chấp nhận giá cao, để mở rộng địa bàn kinh doanh, bà Vũ Ngọc Diễm Hằng, Quản lý cấp cao của công ty bất động sản CBRE Việt Nam, chia sẻ tại Triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền 2016 ngày 9/6.

Bà Hằng chỉ ra rằng, thị trường bán lẻ trong năm 2016 đã và đang chứng kiến sự mở rộng của các thương hiệu thể dục thể hình. Nếu như trước đây, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này chỉ tìm thuê tại các khu chung cư thì nay họ đã tìm đến những vị trí đẹp hơn, với giá thuê cao hơn đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh.

California Fitness Centers là một ví dụ điển hình. Đến cuối năm 2015, California Fitness đã có 20 trung tâm tại 6 tỉnh thành của Việt Nam. Năm 2016, họ dự định mở rộng thêm 10 trung tâm nữa.

Trong khi đó, một vài thương hiệu quốc tế khác trong lĩnh vực này cũng đang tìm kiếm mặt bằng để tăng cường kinh doanh. Một trong những nguyên nhân khiến lĩnh vực kinh doanh này ngày càng phát triển là do nhận thức về sức khỏe của người Việt Nam ngày càng tăng.

Quản lý cấp cao của CBRE nhận định, năm 2016 thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chứng kiến sự đổ bộ của nhiều thương hiệu mới như Takashimaya của Nhật Bản, hãng thời trang Kenzo của Pháp hay Zara của Tây Ban Nha. Nhiều "dân chơi mới" cũng có thể sẽ gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam như Marko, Mothercare, Forever 21...

Vingroup mua lại các thương hiệu bán lẻ, mở rộng thị trường ở các thành phố cấp 2 và cấp 3 cũng được nhắc đến như một nhân tố đáng chú ý trong thị trường bán lẻ. Các trung tâm thương mại của Vingroup đã có mặt ở Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, An Giang, Đồng Nai và Cần Thơ.

Cách đây 12 năm, tức năm 2004, Vingroup khai trương trung tâm thương mại đầu tiên. Đến nay, tập đoàn này đã sở hữu 40 trung tâm. Dự kiến, đến năm 2020, con số này sẽ tăng tới con số 100.

Theo bà Hằng, nhu cầu buôn bán lẻ trên đường phố ngày càng tăng. Trong bối cảnh nhiều trung tâm thương mại hoạt động không hiệu quả, việc mua bán đã lan sang các khu phố đi bộ vì tính tiện dụng và vì thói quen tiêu dùng.

Bán lẻ dưới lòng đất là một trong những xu hướng nổi bật trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, Royal City - trung tâm thương mại dưới lòng đất tại Hà Nội, đón lượng khách rất lớn. Nơi đây tập trung các nhà hàng, bể bơi, khu vui chơi thiếu nhi.... Dự kiến, đến năm 2024, một khu mua sắm lớn dưới lòng đất với tổng đầu tư 377 triệu USD sẽ đi vào hoạt động. Khu này có diện tích 45.240 m2 đất ngầm và 21.600 m2 đường đi bộ và quảng trường.

Các trung tâm mua sắm cũng hướng tới việc cung cấp nhiều dịch vụ để phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là xu thế quốc tế. Chẳng hạn như Royal City tại Hà Nội vừa có các dịch vụ mua bán, vừa có sân trượt băng, công viên nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM