Chậm di dời trụ sở các Bộ, ngành: Vì thiếu kinh phí

17/02/2017 08:46 AM | Xã hội

Theo thống kê sau gần 20 năm, chỉ có 7 Bộ, ngành chuyển ra trụ sở mới, trong khi đó, 16 đơn vị còn lại vẫn án binh bất động.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đến năm 2030. Theo quy hoạch, trụ sở của các đơn vị này sẽ tập trung tại khu trung tâm phía Tây Hồ Tây và Mễ Trì với quy mô khoảng 75 hecta.

Với áp lực giao thông khu vực nội đô TP Hà Nội ngày càng lớn, việc di dời trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi nội đô đã được nhiều chuyên gia và nhân dân đồng tình. Tuy nhiên việc di dời trụ sở này đang gặp nhiều vướng mắc.

Trước đó vào năm 1998, trong quy hoạch chung của TP Hà Nội đã đặt ra việc di dời trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi nội đô và bố trí quỹ đất phục vụ di dời. Tuy nhiên đến nay, sau gần 20 năm mới chỉ có 7 Bộ, ngành chuyển ra trụ sở mới, 16 đơn vị còn lại vẫn án binh bất động.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển, nguyên nhân của việc chậm di dời này bắt nguồn từ việc các Bộ, ngành thiếu kinh phí.

"Với việc di dời trụ sở như vậy, nguồn lực từ đâu? Nguồn lực này có được khai thác có được tận dụng từ việc điều chỉnh cái quỹ đất ở các vị trí cũ không? Có thể nói vấn đề này cần có chính sách lộ trình cụ thể", ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển Việt Nam - nói.

Cũng theo ông Nghiêm, cơ chế chuyển giao diện tích đất và trách nhiệm của các bên liên quan hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thời gian di dời còn chung chung, mốc cuối cùng là năm 2030, chưa cụ thể lộ trình Bộ, ngành nào phải di dời.

Dự kiến, đồ án quy hoạch chi tiết sẽ được Bộ Xây dựng hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt trong quý II/2017. Theo các chuyên gia, đồ án cần bổ sung cụ thể những chính sách, cơ chế còn khúc mắc ở trên, nếu không việc di dời trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi nội đô vẫn là câu chuyện khó khả thi.

Theo Khánh Huyền - Đức Tiến

Cùng chuyên mục
XEM