img
Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 1.

Trong bãi rác của chúng ta, 80 đến 90% là nhựa, túi nilon, hộp xốp dùng một lần. Loài người tạo ra nhựa, sản xuất và tiêu thụ hơn 300 triệu tấn mỗi năm, sau đó vứt bỏ một cách lãng phí, không có biện pháp tái sử dụng hay tái chế. Thường thì rác thải, so sánh hơi ví von, rằng chúng cũng như một kiếp người, sau tái sinh sẽ làm ma ở đại dương hay một bãi đất trống nào đó. Nhiều khi chúng ta bất lực trong việc tìm kiếm một giải pháp xử lý rác thải hoặc đơn giản, chúng ta lười, chúng ta không cố gắng.

Trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia "cá biệt" về xử lý rác thải, nhất là thể rắn. Năm 2018, nước ta đứng thứ 4 toàn cầu về chất thải nhựa đổ trực tiếp ra biển, với 1,8 triệu tấn. Một con số quá kinh khủng!

Trên thực tế, Việt Nam không có đủ 4 triệu người gom rác để xử lý tất cả những gì chúng ta thải ra mỗi ngày. Chỉ có khoảng 14% rác thải được thu gom và phân loại. 86% còn lại, tức khoảng 15.000 tấn mỗi ngày, sẽ nằm ở đâu đó và khá xa nỗi lo của người dân sống ở nơi được thu gom rác mỗi ngày.

Có những thời điểm, ngay giữa Hà Nội - Thủ đô của chúng ta, người dân phải sống trong cảnh rác thải bủa vây.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 2.

Tính đến hiện tại, khu xử lý rác Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) là bãi rác lớn nhất Hà Nội. Người dân nơi đây cứ vài ba tháng lại "biểu tình", chặn đường, không cho xe chở rác vào bãi. Bởi lẽ, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng bởi rác thải quá nặng nề, trong khi đó chính quyền địa phương không kịp thời xử lý. Quá uất ức, họ chặn ngả đường duy nhất dẫn vào bãi rác lớn nhất Thủ đô.

Từ ngày 10 - 14/1/2019, dân Thủ đô sống dở chết dở vì bị rác bủa vây. Họ mang rác ra vứt cái đánh "bẹp" thành tiếng, rồi cứ ngỡ ngày hôm sau túi rác sẽ "tự động" biến mất. Ai dè, họ đợi mãi, xe xử lý rác vẫn không tới. Rác khắp mọi nơi, từ quận Thanh Xuân, sang Nam Từ Liêm, rồi đổ về Cầu Giấy. Rác tràn ra lòng đường, ngay đầu con ngõ, nằm khép mình và lặng lẽ bốc mùi hôi thối.

Một ngày không gom rác, bạn sống bình thường.

Hai ngày không gom rác, bạn vẫn sống bình thường.

Nhưng bốn ngày không gom rác, bạn tưởng như "chết đi sống lại".

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 3.

Từ trước đến giờ, chúng ta đều như thế: bị động đợi chờ người khác tới gom rác mang đi xa khỏi cuộc đời mình. Chỉ cần những túi rác "biến" khỏi tay bạn, bạn hết trách nhiệm, giao phó cho các cô, các chú công nhân môi trường.  

Chúng ta thải ra quá nhiều chất thải mỗi ngày, không qua phân loại và xử lý. Như vậy tính trung bình, để thu gom hết rác của cả nước, ngành môi trường nước ta sẽ phải cần đến một lực lượng thu gom rất hùng hậu: khoảng 4 triệu người, cộng thêm 4 triệu bao tải và 8 triệu bàn tay có nguy cơ bị viêm da mỗi khi bước vào khâu xử lý rác.

Ở đất nước 97 triệu người, hẳn ai cũng từng nghĩ rằng người khác sẽ bảo vệ môi trường chứ không phải mình. Cho đến khi phải chịu cảnh nhiều ngày công nhân không thu gom, phải "sống chung" với rác, bạn mới nhận ra bản thân đã từng bạc đãi môi trường như nào.

Ngày xưa, lượng rác một người thải ra môi trường khi ấy gần như là con số không. Đồ ăn thừa sẽ cho lợn, gà, chó, phân động vật và cả của con người được dùng để bón ruộng, tạo ra cân bằng tự nhiên. Vòng đời của quần áo lên tới 10 năm, thậm chí là 20 năm và lâu hơn nữa. Thời đó, đâu có nhiều rác như bây giờ. Cuộc sống dần văn minh, hiện đại, không đồng nghĩa chúng ta biết cách trân trọng môi trường hơn.

Bạn ung dung vứt một chai nước, nhưng không biết rằng thứ vừa bị bỏ đi có thể làm nên nhiều vật dụng khác, có ích hơn. Nhựa và túi nilon quá rẻ nên sau khi dùng xong, chả ai gom lại và tái chế. Vậy tại sao không giữ lại chúng? Rác sẽ không còn là rác, nếu chúng ta biết cách biến chúng thành một nguồn tài nguyên. Đừng vội vứt bất cứ thứ gì, ngược lại hãy xem xét thật kỹ, biết đâu lại phát hiện ra những giá trị bất ngờ của nó.

Những thứ nở ra từ bãi rác, bao giờ cũng thế, mang vẻ đẹp lạ kì nhưng tràn đầy sức sống.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 5.

Chúng ta đang có một trào lưu vô cùng văn minh liên quan đến rác thải, mang tên #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác.

Trước đây, nhắc đến "trend" (trào lưu), hầu hết chúng chỉ được xem như một trò vui giải trí, chẳng ai để tâm nó đến và đi lúc nào. Những lúc "cao trào", nó khiến cả thế giới phải sục sôi. Nếu không hưởng ứng trào lưu, bạn là kẻ thua cuộc, thế thôi! Nhưng tất cả những gì bạn làm, bạn thể hiện, chỉ dừng lại ở mức độ "mạng xã hội", môi trường "ảo" và hoàn toàn vô nghĩa.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 6.

Vòng đời của một trào lưu theo xu thế thường kéo dài vài ngày, vài tuần, sau đó... biến mất. Có những trào lưu vô nghĩa và tiêu cực đến nỗi, người ta chỉ mong nó nhanh nhanh chóng chóng "biến đi" thì tốt hơn. Những trò vui có thể mang đến những lời tán thưởng, hàng ngàn lượt (thích) like, share (chia sẻ), nhưng rồi tất cả đều vô nghĩa khi người tổn thương, bị dè bỉu, chê trách vẫn luôn là bạn.

Hãy quay trở lại với #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác. Đây là một trào lưu đi ngược lại với một số tiêu chuẩn vốn có ở trên. Lần đầu tiên, giới trẻ hào hứng và lao đầu vào hưởng ứng đến thế, với quyết tâm tạo nên sự thay đổi tích cực. Thử thách dọn rác không chỉ dừng lại ở trào lưu mang tính "online", trong phạm vi mạng xã hội nữa, mà đã vươn ra thực tế, buộc người tham gia phải thực sự lao ra đường và hành động.

#ChallengeForChange bắt nguồn từ một tài khoản Facebook có tên Byron Roman (sống tại thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ). Ngày 5/3/2019, Byron đăng tải bức ảnh "before - after" (trước và sau) của một bãi rác kèm chia sẻ: "Đây là thử thách mới dành cho những thanh thiếu niên đang buồn chán đây. Hãy chụp ảnh một bãi đất nào đó có nhiều rác, sau đó chụp lại lần nữa khi bạn đã cải thiện nó và đăng lên mạng xã hội".

Bài đăng đến nay nhận được 100.000 biểu tượng cảm xúc cùng hơn 330.000 lượt share.

Từ đó, thử thách dọn rác ra đời và trở thành trào lưu được hưởng ứng đông đảo trên khắp thế giới. Hàng ngàn người từ khắp các quốc gia lớn nhỏ cùng chung tay trả lại vẻ ngoài vốn có của những nơi vô tình bị biến thành bãi rác bởi ý thức của con người.

Được biết, cha đẻ của #ChallengeForChange là một chàng trai tên Yunes, đến từ Algeria. Yunes tham gia hoạt động bảo vệ môi trường từ nhiều năm nay. Các hoạt động dọn rác, "sống xanh" của anh được đều đặn chia sẻ tại trang cá nhân với hashtag #yunes_can_challenge.

Không ai có thể ngờ, việc dọn rác cũng có thể trở thành "thử thách", thậm chí là trào lưu gây sốt giới trẻ. Tạp chí nổi tiếng Bored Pandađã tổng hợp 30 màn tham gia thử thách dọn rác của giới trẻ toàn cầu dưới hashtag #Trashtag_Challenge. Theo đó, có khoảng 1,3 tỷ tấn rác gia đình được thải ra mỗi năm, song chỉ có 258 - 368 triệu tấn được đem tới 50 điểm tập kết lớn nhất, hàng triệu tấn bị đổ ra biển. Ngoài ra, còn có hàng triệu tấn rác thải đang gây ô nhiễm biển, 80% trong số đó là "di cư" từ đất liền ra.

Bored Panda hy vọng, nhờ sự nhiệt huyết của người trẻ thì 1,3 tỷ tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm sẽ được giảm bớt. Không có gì là quá muộn, nhất là hành động bảo vệ môi trường chung quy lại cũng vì chất lượng sống của chúng ta.


Trong số 30 màn thử thách dọn rác được Bored Panda vinh danh, xuất hiện một đại diện đến từ Đà Lạt, Việt Nam. "#Trashtag từ Việt Nam, các bạn trẻ tự nguyện dọn dẹp nơi này để giúp nâng cao ý thức cộng đồng" -  Bored Panda đăng tải hình ảnh kèm dòng chú thích.

Sau khi dọn rác, nhóm bạn trẻ còn xếp các bao tải thành dòng chữ "I love Dalat". Dĩ nhiên hành động của các bạn chưa thể giải quyết ngay lập tức vấn đề môi trường, nhưng họ đã kịp thời chứng minh sức ảnh hưởng nhất định của mình, góp phần thúc đẩy và "thách thức" những người trẻ khác cùng bắt tay dọn rác.

Gần 1 tháng qua tại Việt Nam, #ChallengeForChange chứng minh rằng đây không phải một trào lưu dấy lên cho vui như những "trường hợp" trước. Thử thách dọn rác thực sự có ý nghĩa vì đây chính là cơ hội để người trẻ toàn cầu cùng giải cứu Trái Đất và đem đến những tín hiệu đáng mừng về sự biến mất của những bãi rác lớn. Chưa bao giờ quá muộn cho những hành động góp phần trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp.

Internet giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý để kết nối mọi người và cũng là nơi khởi phát các trào lưu mang giá trị cộng đồng như thế này.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 8.

Bền bỉ trong một tháng qua, thử thách dọn rác chưa bao giờ giảm nhiệt như bao trào lưu "sớm nở, chóng tàn" khác. Các bước đơn giản để bắt kịp trào lưu #ChallengeForChange gồm 3 gạch đầu dòng sau:

- Rủ rê bạn bè ra một bãi rác vừa sức.

- Dọn sạch rồi chụp ảnh check - in trước và sau.

- Đăng tải lên mạng xã hội và thách thức những người khác.

Một thử thách với các bước nghe qua có vẻ đơn giản nhưng không hề "dễ xơi". Đây là một thử thách vừa khó, lại vừa đẹp. Khó ở chỗ bạn cần sự chuẩn bị, đầu tư, thậm chí đòi hỏi kiến thức căn bản và tính kiên nhẫn. Bạn phải đối mặt với vô số vấn đề phát sinh khi dọn rác: bị người dân phản đối, xin phép chính quyền, giẫm phải kim tiêm, bị viêm nhiễm hoặc dị ứng do không mang găng tay và đeo khẩu trang, dọn xong lại bị tái ô nhiễm.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 9.

Nhưng đẹp là khi bạn nhìn thấy sự đổi thay của nơi trước đây từng ngập ngụa trong rác, bỗng chốc được dọn sạch và trả lại vẻ nguyên sơ ban đầu.

Bạn trẻ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước bắt đầu chung tay hưởng ứng thử thách dọn rác từ những ngày đầu nó "du nhập" vào Việt Nam. Thật khó để liệt kê đủ số bãi rác được dọn sạch sẽ hoặc một phần, vì thực tế con số này quá lớn! Đây là một tín hiệu đáng mừng sau ngần ấy thời gian môi trường "chết chìm" trong ô nhiễm.

Một trong những màn thử thách thành công nhất tính đến hiện tại là hành trình hoá giải "lời nguyền" về bãi rác "không có trong sự thật". Đầu tháng 3/2019, chúng tôi có đăng tải bài viết kể về hành trình 7.000 km đi dọc bờ biển Việt Nam của "người săn rác" Lekima Hùng. Anh Hùng chụp khoảng 3.000 bức ảnh về rác thải, trong số có xuất hiện hình ảnh về bãi rác mà anh gọi là "không có trong sự thật".

Đó là một bãi biển ven xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (cách Phan Thiết khoảng 80km), dài cả km toàn rác và rác, chủ yếu là túi nilon, nhựa, quần áo, rác thải sinh hoạt... Một bãi biển mà nhìn thấy cát quả thật hiếm hoi, thậm chí dòng kênh đổ ra đây cũng khó mà nhìn thấy mặt nước vì bị rác che kín. Thậm chí mọi người hồn nhiên đi vệ sinh nặng, nhẹ đủ cả. Ở đây, rác không chỉ làm mất vẻ mỹ quan, hôi thối, mà môi trường sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Thế rác từ đâu "chảy" tới đây? Phần vì người dân quen đổ rác ra kênh, ra biển, phần vì không có xe gom rác...


Hưởng ứng "Thử thách dọn rác", chính quyền địa phương xã Chí Công đã vận động bà con, tổ chức dọn dẹp rác thải, trả lại vẻ đẹp trước đây cho bãi biển. Một cảnh tượng hoàn toàn mới trong mắt người xem, khác xa với hàng tấn rác thải nằm chồng chất. Dù khu chợ chưa hoàn toàn được "xanh hoá", nhưng quả thực, khi chúng ta muốn môi trường sống của mình sạch, chúng ta sẽ làm được.

Sơn Trà (Đà Nẵng) là địa danh tiếp theo nằm trong danh sách thay đổi ngoạn mục nhất nhờ #ChallengeForChange. Trước kia, khu vực biển và núi thuộc bán đảo Sơn Trà thường xuyên rơi vào tình trạng ngập ngụa rác thải. Từ rất nhiều nơi đổ về, rác không phân huỷ trôi dạt vào bờ, tích tụ lâu ngày gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Để có thể xử lý phần nào tình trạng tại đây, một nhóm tình nguyện viên khoảng 100 người, độ tuổi từ 13 - 65, cùng kêu gọi trả lại màu xanh cho Sơn Trà. Đây cũng là nhóm xác lập kỷ lục một trong những phiên bản dọn rác đông vui nhất từ trước đến nay.

Kết quả đáng kinh ngạc được ghi nhận ngay sau đó: 90% bãi rác khổng lồ chúng ta từng thấy ở núi và biển Sơn Trà đều đã được xử lý.

Lần thứ nhất chỉ có 8 người, 10% rác thải được thu dọn. Lần thứ 2, 40 tình nguyện viên xử lý 20% rác thải. Và, 100 người đem đến một thành quả cực ấn tượng. Từng bao tải rác lần lượt đưa được chở bằng xe máy ra điểm tập kết, trước khi "yên vị" ở nhà máy xử lý rác.. Vậy là có thể có bãi cắm trại đẹp ở nơi từng đầy rác rồi!

100 tình nguyện viên cũng là số người tham gia được ghi nhận tại Hà Nội, trong hành trình thu gom 1,6 tấn rác thải ở bãi bồi sông Hồng - số ít những địa điểm khá "bí hiểm" giữa Thủ đô. Tại khu vực này, rác thải chất chứa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh hô hấp, tiêu hoá. Có những hộ dân vì đã quen sống trong rác, nên cũng chẳng quan tâm lắm tới việc dọn vệ sinh. Sau nhiều đợt mưa lớn hay triều cường, rác thải khu vực này được dịp bốc mùi hôi thối, la liệt hoa quả thối, rác sinh hoạt, túi nilon, hộp xốp,...

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 12.

Một lời kêu gọi ngắn gọn nhưng đủ sức "nặng" đã tập hợp 100 con người vốn xa lạ, để cùng hành động, dù con số ban đầu được kỳ vọng lên tới 200 người. "Những việc to lớn đều bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt nhất. Vậy nên hãy gặp mặt nhau và cùng bảo vệ môi trường". Đây là dịp để các bạn trẻ chào mừng 3 ngày lễ vì môi trường: Ngày Quốc tế Hành động vì các Dòng Sông (14/3), Ngày Nước Thế giới (22/3) và Giờ Trái đất (30/3).

Họ làm việc nhiệt tình nguyên ngày chủ nhật, buổi sáng từ 8h tới 11h30, buổi chiều kéo dài từ 13h30 đến 17h. Sự kiện ý nghĩa này đã giúp thu dọn khoảng 1,6 tấn rác ở bãi bồi sông Hồng. Một kết quả ấn tượng nhất từ trước đến nay của trào lưu #ChallengeForChange.

Hãy để việc bảo vệ môi trường trở thành thói quen tốt cho mọi người. Hàng ngày, hàng giờ bạn vẫn xả rác một cách vô tư lự nhưng đã bao giờ thử cúi xuống nhặt rác chưa? Chỉ khi cúi xuống nhặt rác, bạn mới hiểu loài người vứt rác khủng khiếp nhường nào. Hãy trả lại cho môi trường vẻ thuần khiết vốn có của nó. Chúng ta cùng chung tay hành động!

Với số lượng rác thải ở Việt Nam như hiện nay, một người không thể tự dọn, nhưng khi có nhiều người tham gia thì lại hoàn toàn khác. Dù mỗi người, mỗi nhóm chỉ có thể dọn được một phần rất nhỏ trong những bãi rác tràn ngập khắp nơi thì họ vẫn tin rằng, mọi nỗ lực đều sẽ mang lại hiệu quả và có ý nghĩa. Mọi thứ có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Tính đến thời điểm khi chúng tôi thực hiện bài viết này, cơn sốt #ChallengeForChange vẫn đang được "truyền lửa" tới khắp mọi nơi. Có những nhóm chia sẻ thành quả lên mạng xã hội, cũng có tổ chức, cá nhân âm thầm nhiều năm qua, chỉ với mong muốn dù không thể đẩy lùi hoàn toàn ô nhiễm, nhưng phần nào giúp cuộc sống "dễ thở" hơn.

Nếu bắt gặp những hình ảnh "Trước - Sau" về thử thách dọn rác, đừng bỏ qua, mà hãy lắng lại một chút. Dọn đi chính những đống rác chúng ta xả ra hàng ngày cực, khổ và bẩn thỉu hôi thối. Vứt thì dễ, mua thì dễ, dọn và tiêu huỷ nó mới khó.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 13.

Thử thách dọn rác đem đến cho giới trẻ những gì?

Niềm vui, lẫn cả nỗi buồn.

Chỉ khi thật sự lao ra dọn một bãi rác, lần lượt trải nghiệm từ sự kinh hoàng này tới nỗi hãi hùng khác, các bạn mới nhận ra những vấn đề trong cuộc sống, trong rác thải mà bấy lâu nay chúng ta cố tình ngó lơ.

Chúng ta sẽ không nói thử thách dọn rác giúp bạn những gì, mà chính xác hơn, trào lưu này dạy bạn điều gì?

- "Ngửa lưng ném rác thì dễ, còng lưng xuống nhặt mới khó. Càng khó lại càng sợ và tự nói với chính mình: "Không thay đổi bây giờ thì chờ đến bao giờ?".

- "Nhiều bạn "cá tính" nói chúng mình "làm màu", mình thừa nhận đang làm màu và sẽ làm cho đến khi nào rác khu vực này biến mất, mảng xanh được lấy lại thì mới thôi".

- "Rất nhiều chai lọ thuốc trừ sâu bị vứt, chất thải y tế rải rác, những bao nilon lớn bắt đầu phân huỷ nằm sâu dưới lòng đất mà phải dùng xẻng xúc mới lôi lên được. Rác nhiều không kể xiết... Chưa kể vài nhóm trúng độc đắc kho báu bỉm, băng vệ sinh...  Thế mới thấy, xả rác thì chỉ một hành động vô tình, nhưng dọn rác là "n" cái đứng lên ngồi xuống tìm nơi vứt, phân loại,...

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 14.

Dù team cố gắng hết sức nhưng bãi đất này vẫn không thể sạch sẽ 100% như những gì đề ra. Một phần công sức bé nhỏ chỉ dám mong các bạn trước khi xả rác bừa bãi hãy dành một giây suy nghĩ chính xác nên đổ tại đâu để tiện cho nhân viên môi trường thu gom đổ đúng nơi tập kết".

- "Người ta nói Hà Nội không vội được đâu nhưng mà với tình trạng ô nhiễm như hiện tại thì có vội cũng chẳng kịp, vì nguy cấp lắm rồi! Vẫn không thể tin được hôm qua, vào đúng ngày Hà Nội ô nhiễm không khí kinh hoàng nhất thì đoàn đội 20 anh em chúng tôi rồng rắn nhau đi gần 30km xuống tận bãi Chèm ven sông Hồng, mạn Bắc Từ Liêm vừa hít khí bụi vừa dọn rác".

- "Có thể một buổi dọn rác của chúng tôi chẳng giúp thế giới này tốt hơn hay trái đất này sạch lên, cũng chẳng giúp Hà Nội bớt đi một hạt bụi nào, nhưng chẳng phải người với người cứ cãi nhau mãi về cái câu "quan trọng là do ý thức" đấy à? Sau một ngày hết mình vì rác, phải chính mình nhìn thấy, cầm vào những thứ bình thường được vứt veo đi một cách bình thản rồi chuyển hoá thành thứ bầy nhầy nhìn thôi là muốn bĩu môi nhăn nhó thì đấy mới gọi là tác động thật sự đến ý thức bản thân này".

Chi Pu và Quỳnh Anh Shyn nhập cuộc "Thử thách dọn rác"

- "Kỉ niệm dọn rác thành một trải nghiệm cực kì đáng nhớ và cứ nhớ về nó là mình tự thấy phải suy nghĩ về môi trường nhiều hơn. Đấy chính là điều mà dù mới chỉ dọn được 1 phần nào đó của bãi rác thênh thang hàng mấy ha bên bờ sông thì chúng mình vẫn cứ là ngẩng cao đầu mà làm màu nhé!".

- "Giải pháp tốt nhất cho việc ngừng xả rác bừa bãi là phải trải qua sự bất tiện trong việc dọn rác do mình tạo ra. Khi ai xả rác, thì rác không tự biến đi mà phải có người dọn (đặc biệt là nhựa thì sẽ không tự phân huỷ sinh học được). Thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ phải dọn những lỗi do chúng ta tạo ra. Tôi muốn Việt Nam sạch vì một lý do duy nhất: Tôi yêu Việt Nam. Vẻ đẹp và thiên nhiên Việt Nam thì không có nước nào sánh bằng cả. Vì lý do đó, tôi thử thách bạn, hãy tìm một nhóm bạn và đi dọn rác. Hãy nói với những người xung quanh mình "Ngừng xả rác!"".

- "Thật sự cảm thấy lay động sau khi đứng trước bãi rác chiều nay và cảm thấy xí hổ vì hoá ra mình vẫn vô tư thải rác mà không biết rồi rác sẽ chất đống ở những khu dân cư những mặt đường như vậy, một cách không thể đào thoát từ ngày này qua tháng nọ đến mức trở thành "hoá thạch". Đã đến lúc chúng mình nâng cao chuẩn mực cuả "bảo vệ môi trường" rồi. Trước đây, cứ nghĩ vứt rác vào đúng nơi quy định đã là bảo vệ môi trường lắm. Bây giờ thì thấy khó chịu khi mua cái gì toàn bao bì nhựa, không muốn mua nước uống hay đồ ăn vỉa hè mang đi vì cũng là bao bì nhựa, hay vứt quá nhiều đồ thừa ra cũng thấy tự bực với bản thân quá đi".

- "Dọn một bãi rác hôm nay chắc chắn không khiến nó không bị chất đầy trở lại vào ngày mai. Nhưng chắc chắn, nó làm những đứa đi dọn rác như mình phải suy nghĩ 2-3 lần trước khi định mua cái gì thừa thãi và thải ra môi trường từ nay trở đi. Như vậy, cũng là giảm thiểu được biết bao nhiêu là rác thải ra từ đám đi dọn rác rồi. Nghĩ đến việc rồi cũng sẽ có bao nhiêu người đều có cảm giác như vậy là lại thấy Trái Đất nhẹ đi một tí vì không phải kham thêm đống rác ấy, như thế cũng là tốt rồi nhỉ".

- "Hôm nay ai cũng đổ hết cả mồ hôi, mệt hơn rất nhiều lần mỗi tối hì hục trong phòng gym nhưng cũng thay đổi rất nhiều trong thói quen sử dụng và thải rác. Vì dọn cực quá, hết lớp này đến lớp khác. Phải thử dọn một vài lần, các bạn mới đắn đo hơn được trong những lúc định bỏ cái gì sai nơi quy định. Thực sự bãi rác này quá lớn nên bọn mình chưa thể làm hết được. Nhưng mỗi người chung tay một tí, rồi đâu sẽ lại vào đấy cả thôi".

- "Chỉ khi nào cúi xuống nhặt rác bạn mới thấy vứt rác thật dễ, nhưng dọn thì khó gấp nhiều nhiều lần. Giáo dục là thực tế, là đồng hành giải quyết vấn đề cuộc sống, vấn đề rác thải. Hãy thử đi, không quan trọng đống rác to hay nhỏ. Hãy 1 lần cúi xuống nhặt rác, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều! Trước khi tham gia, mình từng thật hào hứng nghĩ rằng chỉ cần dùng cái gắp để gắp rác cho vào túi là xong. Tuy nhiên khi đứng giữa bãi rác mới thấy sự khủng khiếp. Những mảnh nilon sau bao ngày sóng đánh vào quấn nhiều vòng quanh những gốc cây, không thể gỡ nhanh được. Những chiếc túi rơi xuống thì đựng đầy cát, chìm sâu xuống".

- "Cảm thấy bất lực vì sức người quá nhỏ bé để có thể dọn đi những gì chính con người đã thải ra. Cả một buổi sáng chỉ dọn nổi 1/3 góc của khu vực định dọn. Dù vậy nếu mỗi người góp sức lại thì góp gió thành bão, hy vọng sẽ làm sạch được. Thật mọi người có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống của chúng ta".

Mỗi người sẽ tự cảm thấy vô vàn cảm xúc ập về bởi thực tế trần trụi, đau đớn và rùng mình đang hiện hữu nơi nơi liên quan đến rác thải. Còn bạn, hoặc đã tham gia dọn rác hoặc chưa từng, bạn học được gì từ những câu chuyện trên?


Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 17.

"Nhẹ - tiện - rẻ" là 3 trong số những tiện ích khiến con người "mê muội" trước nhựa và những sản phẩm làm từ nhựa. Nhưng mặt tối của chúng đến từ việc con người sử dụng không đúng cách, quăng rác vộ tội vạ xuống sông, xuống biển. Trong khi việc đầu tư hệ thống xử lý, tổ chức thu gom và xử lý rác lại không theo kịp tình hình thực tế.

Challengeforchange từ “ảo” đến thực: Một thử thách phải đổ mồ hôi, công sức và thời gian nhưng ngày càng lan toả - Ảnh 18.

Chuyện xả rác, nhất là rác thải nhựa là một vấn để rất lớn, và dọn rác bằng trào lưu #ChallengeForChange thực sự không phải là một giải pháp bền vững. Hẳn mỗi chúng ta đều nhận ra sự bất lực của Việt Nam về tái chế rác thải nhựa. Điều quan trọng nhất là ý thức của mỗi chúng ta, đã đến lúc việc xả rác bừa bãi cần được dừng lại.

Có ai đó đã từng nói, phần còn lại của thế giới (thiên nhiên) có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng. Đây là lời lý giải xứng đáng nhất cho câu hỏi vì sao chúng ta phải có trách nhiệm với môi trường sống, khi mà nếu cả thế giới dành thời gian còn lại của đời mình cũng không đủ để dọn sạch được đống rác mà con người đã thải ra.

Chúng ta sẽ không thể sống hạnh phúc trong một môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Hơn nữa, một ngày sẽ trở thành vô nghĩa khi không có sự tương tác với thế giới xung quanh, với nơi bạn đang mỗi ngày sinh sống. Chỉ cần mỗi ngày một giờ, hơn 265 kg rác sẽ biến mất. Hãy biến những lời hô hào tưởng chỉ nằm trên miệng đến gần hơn với hành động.

Mọi con đường đến vinh quang đều bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé. Mọi việc lớn đều bắt đầu từ hành động nhỏ. Mọi hành động nhỏ nhưng nhiều người làm đều có tác dụng lớn lao. Hãy hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần như túi ni lông, chai nhựa, ống hút. Cuộc chiến với rác thải đã bắt đầu và chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây. Ngày mai sẽ đáng sống hơn nếu từ hôm nay, chúng ta hành động.

Vậy còn chần chừ gì nữa mà không đâm đầu vào dọn rác, chúng tôi thách thức bạn!


X
Internet
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ06/04/2019

Trí Thức Trẻ