Cha mẹ giỏi nghiễm nhiên cho rằng con cái mình cũng giỏi: Phụ huynh ơi, đừng làm khổ bọn trẻ vì 2 chữ "sĩ diện" nữa!

22/05/2018 09:36 AM | Sống

Áp lực tốt nhất dành cho những đứa trẻ là áp lực mà chúng tự đặt ra cho chính mình để nỗ lực vươn lên và quyết tâm 100% hoàn thành ước mơ.

"Cố gắng, cố gắng lên, nhất định phải cố gắng!". Chắc hẳn ai ai trong mỗi chúng ta đều ít nhất một lần động viên người khác như vậy. Nhưng chúng ta không hề biết rằng, đằng sau hai từ "cố gắng" ấy, ai đó cảm thấy thật sự "nặng vai".

Nhất là khi bố mẹ đặt hết niềm tin, giấc mơ vào con cái, luôn luôn không quên dặn dò con: "Con nhất định phải cố lên, cố gắng hết sức mình để gia đình, họ hàng nở mặt nở mày với hàng xóm láng giềng!". Vốn biết là phận con ngoan phải cố gắng để không phụ lòng cha mẹ nhưng không phải muốn là được vì không phải ai cũng có khả năng học giỏi, học tốt những môn cha mẹ mong muốn.

Bà mẹ trong video chắc chắn là một bà mẹ "hiếm có khó tìm" trong thời điểm hiện nay vì những áp lực của thành tích "đè" lên lưng cả phụ huynh lẫn học sinh. Hơn nữa, trong một gia đình có một đứa luôn luôn đạt thành tích cao nhất lớp, một đứa học lực bình thường, không nổi trội, sẽ không tránh được tình trạng bị-so-sánh.

Cậu con trai lớn hào hứng khoe với bố mẹ: "Đề rất dễ mẹ ạ. Con đạt 90 điểm Toán, 85 điểm Tiếng Anh, 92 điểm Tiếng Trung và 87 điểm môn Khoa học." Còn cậu em thì rụt rè, sợ hãi cầm trong tay tờ bài kiểm tra chỉ đạt 60/100, khi nghe người anh hào hứng khoe điểm lại càng hoang mang.

Thế nhưng, đáng lẽ bà mẹ nên vui mừng vì có một cậu con trai học giỏi, đạt điểm cao hơn rất nhiều so với bạn bè cùng lớp thì bà mẹ không hề động viên mà vẫn nhắc nhở cậu con trai lớn: "Con nên học hành nghiêm túc hơn." Còn cậu con trai nhỏ, khi nghĩ lại những đêm con ngủ muộn, ngồi trên bàn vò đầu bứt tai suy nghĩ bài tập, bà mẹ đã có một câu nói khiến cả nhà bất ngờ: "Con làm tốt lắm" và nhìn sang con trai cả: "Con cũng vậy."

Bà mẹ kia luôn dành một sự công tâm nhất định dành cho hai đứa con. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn nhận được sự thấu hiểu và cảm thông đến từ các bậc phụ huynh như vậy vì họ đặt kỳ vọng quá cao vào con cái. 

Cha mẹ giỏi nghiễm nhiên cho rằng con cái mình cũng giỏi: Phụ huynh ơi, đừng làm khổ bọn trẻ vì 2 chữ sĩ diện nữa! - Ảnh 1.

Kỳ vọng cha mẹ đặt vào con cái không có gì sai. Kỳ vọng của cha mẹ có thể xuất phát từ tình yêu thương và đều hướng đến mục tiêu mang đến cho con một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng đôi khi họ không biết rằng ngoài sự kỳ vọng ấy là sự áp lực đè nặng lên vai những đứa con.

- Có thể do bản thân cha mẹ không hài lòng về cuộc đời mình nên họ đành dành hết giấc mơ còn dang dở, những điều chưa kịp làm khi trẻ, "nhờ" con cái hoàn thành nốt. "Ngày còn trẻ, mẹ muốn được đi học múa mà nhà không có điều kiện nên mẹ muốn con mẹ học múa để mẹ có thể xem con gái mẹ tỏa sáng trên sân khấu". Nhưng ước mơ của người lớn không bao giờ trùng hoặc rất ít khi trùng với ước mơ của con trẻ.

- Có thể do cha mẹ có sức học tốt nên nghiễm nhiên họ mặc định rằng con cái mình sẽ được hưởng gen di truyền tốt. "Tôi học giỏi nên chẳng có lẽ nào mà con tôi học dốt cả! Nếu nó không học tốt thì rõ ràng do nó lười.". Áp lực từ phía người thân trong gia đình gây ảnh hưởng mạnh mẽ còn hơn là áp lực từ phía người ngoài xã hội. Trẻ nhỏ không tìm được sự tin cậy và tiếng nói đồng cảm từ phía gia đình là điều đáng tiếc nhất.

- Có thể do cha mẹ bị áp lực từ bên ngoài nên quay trở lại gây sức ép cho con. Đơn giản như người ngoài thường xuyên hỏi về việc học của con, chẳng hạn như con học trường nào, học giỏi không, xếp thứ mấy… hay so sánh con với bạn hàng xóm hay anh em họ hàng. Ban đầu, có thể họ chưa có kỳ vọng vào con nhưng do bị tác động bởi những lời hỏi han này lại khiến họ kỳ vọng vào con cái mình.

- Có thể do cha mẹ lo lắng "quá đáng" cho tương lai con cái, sợ con mai sau có cuộc sống vất vả, cực khổ nên lúc nào cũng chỉ muốn con phải học hành cho nghiêm túc. Cũng chính vì thế, nhiều cha mẹ tạo áp lực học hành lớn cho con như ngoài việc học các môn trên lớp còn học thêm suốt tuần hay học thêm các môn vẽ, đàn, hát… 

Cha mẹ giỏi nghiễm nhiên cho rằng con cái mình cũng giỏi: Phụ huynh ơi, đừng làm khổ bọn trẻ vì 2 chữ sĩ diện nữa! - Ảnh 2.

Vô tình những lần như thế, cha mẹ đã đặt những áp lực vô hình lên những đứa trẻ. Hơn nữa, bọn trẻ chưa có những kĩ năng để xử lý tình huống, đặc biệt những khủng hoảng đầu đời có thể khiến đứa trẻ rơi vào tình trạng luôn sợ hãi, trốn chạy, thậm chí là trầm cảm. Cha mẹ thấy con mình như vậy, nhiều khi không tìm cách ngồi xuống chia sẻ cùng con, mà thay vào đó lại đe nạt, cho rằng con lười biếng.

Ở Nhật Bản có nổi lên hiện tượng "Hikikomori", là một bệnh sinh ra từ nền giáo dục hay sức ép của xã hội. Những người bị căn bệnh này thường nhốt mình trong nhà, khóa trái cửa và cho rằng đó là nơi an toàn, thậm chí có người đã tìm đến cái chết.

Kỳ vọng của cha mẹ đặt lên con cái không có gì sai nhưng để giúp một đứa trẻ được lớn lên và phát triển trong một môi trường an toàn, khỏe mạnh, cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con cái, xem chúng yêu thích gì, muốn gì, yếu ở điểm nào... Cha mẹ nghe ý kiến từ người ngoài xã hội thì cũng nên nán lại, lắng nghe xem con mình nói gì.

Thiết nghĩ, cha mẹ không nên quá quan tâm đến điểm số của kỳ thi mà can thiệp vào việc lựa chọn của con, hãy để con tự quyết định thi môn gì, học trường nào... Nếu trẻ thất bại thì có thể khuyên nhủ cho đến khi con hiểu ra và tiếp tục học để đạt mục tiêu của mình. 

Áp lực tốt nhất dành cho những đứa trẻ là áp lực mà chúng tự đặt ra cho chính mình để nỗ lực vươn lên và quyết tâm 100% hoàn thành ước mơ.

Sinh Hồng

Cùng chuyên mục
XEM