Cha đẻ game PUBG: Từ kẻ thất nghiệp đến "trung tâm của thế giới"

03/10/2017 09:25 AM | Sống

3 năm trước, Brendan Greene vẫn còn thất nghiệp và phải nhận trợ cấp ở quê nhà Kildare, Ireland. Các nhân viên phúc lợi xã hội nói với anh rằng anh không nên phí thời gian vào việc phát triển các trò chơi máy tính miễn phí.

Greene cho biết: "Họ đã bảo tôi đi tìm việc làm hoặc tôi sẽ bị cắt trợ cấp. Tôi đã lờ đi."

Những tháng ngày mà người khác cho là lãng phí đó đã giúp Green tạo ra trò chơi video được săn đón nhất trong nhiều năm. Kể từ khi được tung ra vào tháng 3, PlayerUnknown’s Battlegrounds (PUBG) đã bán được 13 triệu bản, phá vỡ kỷ lục làng game PC và vượt qua những game bom tấn khác như Grand Theft Auto V và Dota 2 về số lượng người chơi. Những gã khổng lồ về game từ Sony đến Tencent đang tranh giành quyền đưa game này lên console (trò chơi video) và thiết bị di động. Greene cho biết: "Tôi có cảm giác như tôi đang là trung tâm của thế giới.”

Anh đã hợp tác với một nhà phát triển game Hàn Quốc tên là Bluehole để tạo ra PUBG, gần tương tự như game "The Hunger Games", khi 100 người chơi đấu với nhau cho đến khi chỉ còn lại một người. Theo 38 Communications - một công ty chuyên nghiên cứu cổ phiếu chưa niêm yết tại Hàn quốc, Bluehole hiện trị giá 5,2 nghìn tỷ won (4,6 tỷ USD), tăng gấp 5 lần trong vòng 3 tháng. Người sáng lập Chang Byung-gyu sở hữu 20% công ty - điều gần như biến anh trở thành một tỷ phú, ít nhất là trên lý thuyết.

Một cảnh trong trò chơi PUBG. Nguồn: Bloomberg
Một cảnh trong trò chơi PUBG. Nguồn: Bloomberg

Ông Chang cho biết công ty của ông đã đàm phán với tất cả các công ty console lớn về việc phổ biến PUBG hơn nữa. Tập đoàn Microsoft sẽ triển khai PUBG trên Xbox vào cuối năm nay. Bluehole đang đàm phán với Sony về việc giới thiệu một phiên bản PUBG cho PlayStation sau đó.

Piers Harding-Rolls - người phụ trách hoạt động nghiên cứu trò chơi tại IHS Markit - nói: "Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai trong ngành công nghiệp cũng mong đợi điều này. PUBG dường như đã trở thành độc quyền quan trọng nhất của Xbox vào cuối năm 2017 và tôi nghi ngờ rằng đó là điều mà Microsoft mong đợi".

Việc một trò chơi không tên tuổi trở nên nổi tiếng với mức độ như vậy là điều khá hiếm hỏi trong thế giới game ngày nay. Ngành công nghiệp này bị chi phối bởi các nhà phát triển có tên tuổi như Take-Two Interactive Software và Electronic Arts. Gần đây nhất, một trò chơi tạo ra tiếng vang tương tự là Minercraft, vốn do một nhà phát triển người Thụy Điển tạo ra vào năm 2009.

Trước đó, Greene đã có một quãng đời đầy sóng gió. Nhiếp ảnh gia kiêm nhà thiết kế đồ họa này đã kết hôn với một phụ nữ Brazil và chuyển đến xứ sở samba khi anh bước qua tuổi 30. Sau khi 2 người ly hôn, Greene thậm chí không có tiền mua vé máy bay về quê nhà. Anh kiếm sống bằng việc thiết kế các trang web và chụp ảnh tại các buổi hòa nhạc và đám cưới.

Thời gian này, trò chơi vi tính là thú tiêu khiển của Green lúc rãnh rỗi. Sau khi chơi chán, anh chuyển sang "modding" (sửa mã nguồn gốc của trò chơi hiện tại để tạo các phiên bản mới). Với các kỹ năng lập trình cơ bản, anh đã sửa đổi game Arma 2 thành một trò chơi sinh tồn, lấy cảm hứng từ bộ phim Nhật Bản Battle Royale. Luật chơi rất đơn giản: 100 người chơi nhảy dù xuống một hòn đảo bị bỏ hoang, nhặt vũ khí, áo giáp và khiên, sau đó chiến đấu với nhau. Người cuối cùng còn sống sẽ thắng cuộc.

Ý tưởng của Greens được đón nhận ngay lập tức, và trò chơi mà anh hiệu chỉnh đã thu hút hàng nghìn người chơi mỗi tuần. Greene đã không thu tiền người chơi để tránh xung đột pháp lý với công ty tạo ra Arma 2 và trả tiền túi để duy trì Server Online.

Sau khi quay trở lại Ireland, anh vẫn tiếp tục làm công việc phát triển bản mod của Arma 2- vốn có lúc thu hút được 70.000 người chơi - cho đến khi Sony công nhận ý tưởng này vào cuối năm 2014 biến nó thành game H1Z1 của Hãng. "Tôi rất hạnh phúc bởi vì tôi có thể đến văn phòng phúc lợi xã hội và nói tôi không cần nhận tiền trợ cấp nữa", Greene nói.

Cùng thời gian ở Seoul, giám đốc sản xuất của Bluehole là Kim Chang-han đã nghĩ đến các trò chơi sinh tồn và mời Greene đến Hàn Quốc. Tư tưởng lớn gặp nhau, 2 người quyết định tạo ra một trò chơi mới hoàn toàn. Việc phát triển trò chơi PUBG bắt đầu vào đầu năm 2016 và vào tháng 3 năm nay phiên bản "Early access" (bản chưa hoàn thiện) đã được bán với giá 30 USD trên Steam và trở thành game bán chạy nhất trên nền tảng này.

Người chơi đã bị hấp dẫn bởi sự đơn giản của trò chơi, thiết kế thực tế và tính linh hoạt. John Teasdale - một game thủ người Australia nổi tiếng trên Twitch - nói: "Mỗi lần chơi là một trải nghiệm khác nhau. Bạn sẽ phải đấu trí với nhiều người".

Kim Chang-han - nhà đồng sáng lập Bluehole. Nguồn: Bloomberg
Kim Chang-han - nhà đồng sáng lập Bluehole. Nguồn: Bloomberg

Sự nổi tiếng đột ngột không đảm bảo thành công lâu dài cho PUBG và Bluehole. Ngành công nghiệp này chứng kiến nhiều game nổi lên nhanh và chìm vào quên lãng cũng nhanh không kém. Thêm vào đó, Bluehole và Greene không có kinh nghiệm quản lý một trò chơi có quy mô phổ biến như PUBG hiện có. Đồng thời, trò chơi này cũng có nhiều thiếu sót về kỹ thuật.

Ngoài ra, PUBG cũng có nguy cơ bị sao chép. Trong tháng 9, Bluehole cáo buộc Epic Games đã sao chép PUBG và tạo ra game tiêu đề Fortnite. Giám đốc điều hành Ubisoft Entertainment SA - Yves Guillemot - cho biết công ty của ông có thể sẽ theo đuổi những trò chơi tương tự như vậy trong tương lai.

Tuy nhiên, việc hợp tác với các "gã khổng lồ" như Microsoft hay Tencent sẽ giúp đảm bảo vị thế của PUBG và Bluehole.

Đối với Greene, anh đang tập trung hoàn thiện phiên bản PC của PUBG vào cuối năm. Anh sẽ làm việc tại Bluehole trong ít nhất vài năm tới và Chang nói anh ta muốn trao cho Greene một lượng cổ phần trong Bluehole để đảm bảo mối quan hệ lâu dài. Chang cho biết: "Greens trở thành triệu phú chỉ sau một đêm.”

Theo Bá Ước

Cùng chuyên mục
XEM