CEO VNPT: “VinaPhone sẽ chiếm 33% thị phần và thứ 2 trên thị trường di động”

09/06/2016 16:54 PM | Kinh doanh

Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết, VNPT đặt mục tiêu cho VinaPhone phải đứng vị trí thứ 2 trên thị trường di động và là mạng di động có chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Sáng ngày 9/6/2016, đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Phan Tâm dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với VNPT.

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cho biết, từ ngày 1/8/2014: Tập đoàn VNPT đã triển khai việc tách bạch hoạt động kinh doanh - hoạt động kỹ thuật tại toàn bộ các đơn vị trực thuộc VNPT. Kết quả giai đoạn này, VNPT đã thực hiện được việc chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh - hoạt động kỹ thuật tại các đơn vị kinh tế trực thuộc VNPT; hình thành hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt trong toàn VNPT; giảm tỷ lệ lao động quản lý tại các đơn vị trực thuộc từ trên 20% xuống còn gần 10%. Trước khi tái cơ cấu, VNPT có 44.000 lao động, nhưng chỉ có 4.000 làm kinh doanh, hiện nay số người làm kinh doanh đã lên gần 15.000 người.

Từ ngày 1/7/2015, 3 Tổng công ty: VNPT-Net, VNPT-VinaPhone, VNPT-Media chính thức đi vào hoạt động và thực hiện phân công công đoạn cho các đơn vị thành viên (VNPT-I, VNPT tỉnh thành phố, VNPT-Net, VNPT-VinaPhone, VNPT-Media) tham gia các hoạt động trong chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông của VNPT theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TT&TT; chính thức tổ chức vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT theo mô hình 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” với nguyên tắc “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”

Bắt đầu từ 01/10/2015, thực hiện tái cấu trúc bộ phận quản lý, điều hành của VNPT với việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị tham mưu, giúp việc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNPT; tổ chức đưa vào áp dụng triển khai hệ thống cơ chế quản lý mới theo mô hình quản trị hiện đại của Tập đoàn VNPT sau tái cấu trúc. Như vậy, Tập đoàn VNPT đã cơ bản hoàn thành công tác tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo đúng các nội dung quy định của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ TT&TT; Bộ máy quản lý của Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT đã được tổ chức, sắp xếp lại từ 15 đầu mối với gần 500 lao động giảm còn 11 đầu mối với 300 lao động và chỉ tập trung vào công tác quản lý chiến lược, điều phối hoạt động và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thành viên.

Bên cạnh đó, VNPT thực hiện thoái vốn ra ngoài tại các doanh nghiệp có vốn góp. Số lượng danh mục VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ là 14 danh mục trên tổng số 63 danh mục phải thoái vốn. Giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái tương ứng 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn. Tổng giá trị thu về bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.


Ông Phạm Đức Long cho biết, mục tiêu của VNPT sẽ đưa mạng VinaPhone có thị phần đứng thứ 2 trên thị trường di động với khoảng 33% thị phần

Ông Phạm Đức Long cho biết, mục tiêu của VNPT sẽ đưa mạng VinaPhone có thị phần đứng thứ 2 trên thị trường di động với khoảng 33% thị phần

Ông Phạm Đức Long cho biết, tổng doanh thu của VNPT giai đoạn 2011-2015 đạt 562.653 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch của cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,9%/năm, nhưng riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 6%/năm. Tổng lợi nhuận thực hiện của VNPT giai đoạn 2011-2015 đạt 37.037 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch của cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 1,6%/năm, nhưng riêng giai đoạn 2013-2015 - giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT đạt lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm.

Tại buổi làm việc này, ông Phạm Đức Long chia sẻ, mục tiêu của VNPT sẽ đưa mạng VinaPhone có thị phần đứng thứ 2 trên thị trường di động với khoảng 33% thị phần. Đặc biệt, di động băng rộng cố định, VNPT phấn đấu giữ số 1 và chiếm khoảng 50% thị phần. Đối với lĩnh vực CNTT, VNPT sẽ tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn như thành phố thông minh, Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường... Lĩnh vực này VNPT phấn đấu số 1 về thị phần.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao những nỗ lực của VNPT trong việc thực hiện tái cơ cấu và đưa VNPT phát triển. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thương hiệu VNPT là thương hiệu mạnh của quốc gia, được nhiều khách hàng biết đến và VNPT phải phát triển xứng tầm với một tập đoàn chủ lực của quốc gia.

Bộ trưởng cho rằng, VNPT phải xây dựng được văn hóa VNPT rõ nét, giúp hệ thống phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt; thực hiện luân chuyển cán bộ để phát hiện nhân tài, loại bỏ, sắp xếp lại nhân sự không phù hợp, phải đặt đúng người đúng việc. Bên cạnh đó, VNPT phải thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến sáng tạo. Khuyến khích vật chất xứng đáng khi có sáng kiến tốt. 1 sáng kiến tốt có thể làm lợi rất nhiều…

Cũng tại buổi làm việc này, Thứ trưởng bộ TT&TT Phan Tâm nhận định, VNPT đã trải qua "cuộc đại phẫu" toàn diện, khi MobiFone tách ra mang đi 40% doanh thu và 60% lợi nhuận của VNPT. Thế nhưng, kết quả sau khi tái cơ cấu VNPT thì thị phần tăng, lợi ích người tiêu dùng đảm bảo và lương ngời lao động tăng lên. Cái được nhất sau khi VNPT tái cơ cấu là thay đổi về nhận thức về cạnh tranh và tư duy quản trị, người lao động tìm được động lực để làm việc.

Thứ trưởng Pham Tâm nhấn mạnh, mục tiêu tái cơ cấu thị trường viễn thông để tạo 3 doanh nghiệp có thị phần tương đương nhau. Tái cơ cấu với những kết quả tốt là bước khởi đầu và VNPT phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu này. Mục tiêu sản xuất kinh doanh mà VNPT đặt ra vẫn còn “khiêm tốn” so với mục tiêu đặt ra phải trở thành tập đoàn mạnh. Vì vậy, VNPT phải mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn và có trọng tâm phát triển rõ hơn.

“Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ triển khai 4G, IoT. Với những công nghệ mới này, các nhà mạng xuất phát điểm giống nhau mà đây cũng là cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp. VNPT cần có chiến lược, giải pháp rõ ràng cho lĩnh vực này”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Theo Thái Khang

Cùng chuyên mục
XEM