CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm?

17/09/2019 14:42 PM | Kinh doanh

Theo Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, không ai dám tự tin nói một, hai, ba năm nữa chắc chắn sẽ gặt hái thành công, nhưng ít nhất mình luôn có một tâm thế ví như bảo hiểm tương lai, để khi thị trường biến chuyển, các đối thủ làm được cái gì thì mình cũng làm được ít nhất bằng hoặc hơn.

6 tháng đầu năm 2019, TPBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 1.620 tỷ đồng, lọt vào Top 10 ngân hàng cổ phần tư nhân có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Nhà băng này cũng là 1 trong 2 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong Top 10 đó. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc của TPBank cho biết, hết tháng 8, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt gần 2.200 tỷ và đà tăng trưởng vẫn được duy trì, dự kiến có thể lãi trên dưới 300 tỷ mỗi tháng giai đoạn từ nay đến cuối năm.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 1.

TPBank tăng trưởng khá cao trong 6 tháng đầu năm và cũng đã hoàn thành được hơn nửa kế hoạch năm, xin ông cho biết tình hình hoạt động của ngân hàng trong quý 3 và kế hoạch quý 4?

Đà tăng trưởng quý 3 vẫn tiếp tục được duy trì. Hết tháng 8, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt gần 2.200 tỷ đồng tức bình quân khoảng 260 – 270 tỷ mỗi tháng. Trong các mảng kinh doanh thì thu nhập từ lãi, các hoạt động liên quan đến phí, hay doanh thu ngoài lãi tăng trưởng tốt, đảm bảo kế hoạch đã đề ra.

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng cũng đã trích hơn 400 tỷ cho dự phòng riêng để mua lại nợ của VAMC, nếu không trích số tiền này thì lợi nhuận sẽ còn tăng hơn nữa. Điều đó có nghĩa là ngân hàng vẫn đang hoạt động tốt hơn bình thường, tốt hơn so với kỳ vọng bởi mục tiêu đầu tiên khi trình ĐHĐCĐ là chỉ mua lại một nửa số nợ ở VAMC. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi đã mua lại hết và xử lý xong. Đây cũng là một chỉ dấu cho thấy hoạt động của ngân hàng vẫn đang hiệu quả, và với nhịp độ như hiện tại thì kỳ vọng cả năm ngân hàng đạt và vượt kế hoạch là rất khả thi.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 2.

Vì sao ngân hàng lại quyết định mua lại toàn bộ nợ VAMC nhanh hơn so với dự kiến? Điều này sẽ tác động thế nào tới kết quả kinh doanh sắp tới thưa ông?

Đối với nợ VAMC, lúc đầu, ĐHĐCĐ có đề ra mục tiêu lợi nhuận ở mức kế hoạch thì sẽ xử lý chừng đó số nợ ở VAMC còn tồn; nhưng cũng có nói thêm là nếu lợi nhuận vượt được bao nhiêu thì sẽ xử lý nốt. Với tốc độ lợi nhuận của ngân hàng trong những tháng vừa rồi, chúng tôi xét thấy khả năng đạt được mục tiêu rất khả thi và mình hoàn toàn có thể xử lý được luôn mà không cần phải để dành sang năm.

Và rõ ràng việc xử lý được luôn số nợ tại VAMC sẽ làm giảm hẳn áp lực trích lập dự phòng của các năm sau. Sau này, khi mình thu lại được thì sẽ được tính vào thu nhập bất thường của ngân hàng và các năm sau thì tiềm lực tài chính sẽ tốt hơn.

Ông có thể dự tính một con số cụ thể về lợi nhuận cho các tháng cuối năm?

Thông thường lợi nhuận những tháng cuối năm sẽ cao hơn. Quý 1, quý 2 còn đều đều nhưng đến quý 3 sẽ bắt đầu nhích lên và quý 4 luôn luôn tăng theo yếu tố mùa vụ. Các doanh nghiệp cuối năm sẽ cần nhiều tiền hơn, cần giao dịch nhiều hơn, đi vay nhiều hơn,… là cơ hội để gia tăng lợi nhuận tốt cho ngân hàng. Với TPBank, lợi nhuận dự kiến sẽ đạt được trên dưới 300 tỷ mỗi tháng trong giai đoạn cuối năm.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 3.

6 tháng đầu năm, ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng rất cao, gần hết room mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ban đầu. Theo cam kết của NHNN thì những ngân hàng áp dụng sớm Thông tư 41 về an toàn vốn sẽ được thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ở TPBank cụ thể thế nào thưa ông?

Hồi đầu năm, TPBank là một trong những ngân hàng được phân cho room tăng trưởng cao nhất - là 13%. Sau đó, TPBank là ngân hàng thứ 5 tuân thủ Thông tư 41 nên được NHNN cho tăng thêm, nhưng cũng khá nhỏ giọt là 4%, tức room cả năm được điều chỉnh lên 17%.

Nếu thả cửa cho tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực thông thường (tức không phải lĩnh vực NHNN muốn hạn chế như chứng khoán hay bất động sản…), đúng mục tiêu, mục đích thì thậm chí tăng 30% cũng đạt đến được. Vấn đề ở đây là cũng phải thông cảm rằng NHNN còn mục tiêu chống lạm phát, ổn định vĩ mô nên các ngân hàng cũng phải hưởng ứng thôi. Thế nhưng, thực tế cũng có những ngân hàng không tăng được. Trong khi đó, những ngân hàng đã đáp ứng đủ vốn theo Thông tư 41, có năng lực bán tốt nhưng cũng phải kìm lại.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 4.

Hết quý 3, room tín dụng còn lại cũng khá "thòm thèm", không có nhiều để triển khai tiếp. Do đó, ngân hàng phải tập trung vào những giải pháp khác, chẳng hạn khách hàng trả lại bao nhiêu thì có thêm chừng đó room để cho vay tiếp. Tuy nhiên, với room tín dụng giới hạn, nếu mình biết tận dụng, phân bổ vào những danh mục an toàn và hiệu quả thì rất tốt. Một mặt vừa phải làm sao đảm bảo được được tăng cho vay nhưng một mặt không được để nợ xấu tăng cao.

Ngân hàng cũng phải chú trọng các nguồn thu khác, các sản phẩm dịch vụ mà không dùng đến room tín dụng, ví dụ như ngoại bảng như bảo lãnh, thanh toán quốc tế,…Ngoài ra, bancassurance cũng là một hướng tốt để triển khai. Trước đây, nhân viên chưa quen thì còn ngại ngần, nhưng giờ có khi không bán được hợp đồng bảo hiểm nào có khi còn thấy… buồn.

Còn về huy động vốn của ngân hàng có gặp khó khăn hay áp lực gì không? Tại sao TPBank lại đẩy lãi suất một số kỳ hạn lên rất cao?

Thú thực, ngân hàng đang thừa tiền. Trong bối cảnh ngân hàng không thể đẩy tín dụng ra nhiều thì huy động cũng phải cầm chừng. Còn việc niêm yết lãi suất cao hơn ở một số kỳ hạn chỉ là mang tính chất để giữ không để khách hàng cũ của mình đi mất vì các ngân hàng khác cũng đã niêm yết mức lãi suất khá cao. Hơn nữa, lãi suất trên 8% chỉ ở một số kỳ hạn dài, và theo đó khoản tiền gửi sẽ "vắt" qua các quý khác, các năm sau và ngân hàng cũng sẽ đỡ áp lực phải huy động vào những thời điểm quan trọng, nhất là cuối năm.

Việc huy động vốn của ngân hàng cũng không chỉ đến từ thị trường 1 mà cả liên ngân hàng rồi thị trường quốc tế. Tuy nhiên cũng phải cân nhắc, huy động vào nhiều nhưng cho vay ít thì mất chi phí, tốn kém. Lãi suất liên ngân hàng hiện rất thấp, nếu thừa tiền mà đẩy lên đó thì lập tức lỗ ngay 3-4%.

Huy động từ dân cư có đặc điểm là không thể thích thì hôm sau mới đi huy động, mà phải đều đều. Khách hàng mang tiền đến gửi thì không thể từ chối được, và từ chối một lần thì người ta sẽ không bao giờ gửi nữa. Do đó, ngân hàng luôn có áp lực phải duy trì danh mục khách hàng của mình.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 5.
 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 6.

TPBank có nhiều cái đi đầu như áp dụng Basel II sớm, tiên phong trong ngân hàng số và công nghệ thẻ chip,…Vậy những điều này tác động tới kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng như thế nào?

Để tuân thủ Basel II sớm, ngân hàng đã phải hy sinh không ít. Bởi việc phải duy trì lượng vốn nhiều hơn, dự trữ thanh khoản nhiều hơn, phân loại tài sản theo mức độ rủi ro khác nhau và nhiều yếu tố khác làm ảnh hướng lớn tới cơ cấu, bảng cân đối của ngân hàng. Nói chung, điều này sẽ làm sụt đi lợi nhuận 10% là ít.

Nhưng mình bắt buộc phải tuân thủ. Mặc dù để duy trì lượng vốn, ngân hàng cũng phải đi huy động trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2, mà chi phí thì không nhỏ. Trong năm nay, tỷ lệ an toàn vốn CAR chưa phải là vấn đề, hiện ở mức hơn 9%, và đến cuối năm sau, khi có thêm các nguồn thì lên khoảng 10%. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, trong năm 2020 được tăng trưởng tín dụng tốt thì còn cần thêm một lượng tiền nhất định để tăng CAR lên. Tăng vốn cấp 2 có thể là một lựa chọn tốt, nhất là khi tăng vốn cấp 1 không dễ dàng gì, tuy nhiên, huy động bằng trái phiếu quốc tế cũng không rẻ.

Dù vậy, việc tuân thủ Basel II sớm thực tế sẽ có lợi ích cho ngân hàng về mặt lâu dài, chuyên nghiệp hơn, theo chuẩn quốc tế hơn. Còn ngắn hạn và trước mắt thì ngân hàng sẽ phải hy sinh nhiều thứ.

Về mặt công nghệ, chúng tôi không phải bỏ tiền ra đầu tư công nghệ, nguồn lực, chất xám rất nhiều chỉ để lấy cái danh hiệu dẫn đầu. Mình cứ làm như vậy, có những giải pháp mang lại hiệu quả thực sự và tự dưng được công nhận chứ không phải đặt mục tiêu là phải đứng hàng đầu. Vấn đề là chúng tôi thấy công nghệ là xu hướng tất yếu và ai không bắt kịp xu hướng đó sẽ bị tụt hậu.

Lúc này, kinh doanh ngân hàng truyền thống vẫn còn kiếm được tiền, nhưng vài năm nữa thì chưa biết. Và rõ ràng, nếu có chuẩn bị tốt thì khi cơ hội và thời cơ đến thì có thể áp dụng luôn. Chưa kể, công nghệ có thể giúp cho quản trị tốt hơn, tiết kiệm nhiều nguồn lực, quản trị rủi ro, hạn chế tổn thất. Đó là những thứ mà đong đếm bằng tiền thực sự thì có cái đếm được, nhưng có cái không.

Nếu nói thu trực tiếp từ những điều đó thì không có, và cũng đừng xác định như vậy. Việc đầu tư công nghệ cũng có thể là hơi "venture" một chút. Không ai dám tự tin nói một hai ba năm nữa sẽ chắc chắn gặt hái thành công, nhưng ít nhất mình luôn có một tâm thế ví như bảo hiểm tương lai, để khi thị trường biến chuyển, các đối thủ làm được cái này thì mình cũng phải làm được ít nhất là bằng hoặc phải hơn. Chưa kể, những ai đi trước và chiếm thị phần trước là đã có lợi thế nhất định.

Chúng tôi sẽ tiến đến là "ngân hàng không ngủ", không chỉ có dịch vụ nạp tiền rút tiền mà còn nhiều hơn thế nữa, có thể phục vụ mọi lúc. Khách hàng cũng ngày càng đánh giá cao, và chúng tôi gần như có thế hệ khách hàng mới. Tất nhiên, ban đầu cũng có những khách hàng cảm thấy ngại ngần, chưa dám sử dụng, nhưng dần dần cũng đã tốt lên và trở nên phổ biến với người dân hơn.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 7.

Thời gian đầu trong quá trình đầu tư cho công nghệ, cho ngân hàng số, ông có cảm thấy đó là một bước đi mạo hiểm không khi mà những ngân hàng lớn còn chưa dám đầu tư nhiều?

Đầu tư vào công nghệ là đầu tư mạo hiểm. Không ai dám nói là chắc chắn thành công. Tất nhiên cũng có những dự án mà biết là khi làm xong sẽ được thế này thế kia, nhưng đó là cải tiến những thứ mình đang làm thì mới chắc được như vậy. Còn đầu tư vào lĩnh vực mới hoàn toàn, thậm chí bỏ ra rất nhiều tiền thì khó có thể dám chắc nó sẽ mang đến lợi ích ngay lập tức; mặc dù mình vẫn luôn biết là nó sẽ mang lại những cái này, cái kia nhưng nó có trực tiếp mang lại lợi nhuận hay không thì không ai dám khẳng định.

Đầu tư vào công nghệ chắc chắn rất tốn kém, vài trăm nghìn tỷ đi như không. Thế nhưng không lẽ lại không dám đầu tư vào cái gì? Mỗi năm, những nghiên cứu phát triển rất lớn, phải duy trì nguồn lực bao gồm nguồn lực tài chính, chất xám, nhân sự,…

Sau giai đoạn tái cơ cấu và tiếp theo là bứt tốc mạnh mẽ với các dấu ấn về công nghệ, TPBank nay đã có hình ảnh mới, vậy ngân hàng sẽ làm những gì để tiếp tục làm mới mình hơn thưa ông?

Nếu nói đến con đường hay hướng đi thì khá trừu tượng. Chúng ta cũng thấy một số xu hướng, nhưng vấn đề là ngân hàng vẫn phải dám đầu tư trước.

Những thứ mới như AI, machine learning, Bigdata, Blockchain…có rất nhiều nhưng những món đấy làm xong thì phục vụ cho cái gì thì phải xác định được trước. Đừng nghĩ rằng ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh độc lập với các chỗ khác. Chẳng hạn ở Ngân hàng Tiên Phong, chúng tôi xác định rằng ngân hàng số cũng là một kênh đối với khách hàng và trải nghiệm của khách hàng ở bất kỳ kênh nào cũng tương đối giống nhau, họ đã làm được cái gì ở quầy thì cũng trên kênh số cũng vậy. Nhưng khách hàng thì không chỉ làm mỗi kênh số mà còn nhiều kênh khác, vậy phải làm sao đó để họ có một giải pháp tổng thể?

Tôi nghĩ rằng với những hệ thống hiện tại thì 5 năm nữa không thể phục vụ cho nhu cầu, xu hướng mới. Như hiện tại húng ta cũng đã thấy những kỳ vọng, nhu cầu của khách hàng đã khác xa với cách đây vài năm rồi và chưa biết sắp tới còn thay đổi đến đâu nữa. Cách thức khách hàng tương tác với các dịch vụ tài chính cũng đã rất khác. Ngày xưa họ chỉ biết đến ngân hàng thôi, nhưng giờ thì còn bao nhiêu nhà cung cấp khác mà dịch vụ ngân hàng chỉ được nhúng một phần vào đấy. Làm sao để thích ứng, đó là thách thức và phải chuẩn bị để người ta có cái gì thì mình cũng phải có, mình cũng phải chấp nhận đầu tư lớn để mai sau nếu ai đó hỏi cái gì thì cũng phải trả lời là mình cũng biết, cũng có rồi.

Ngoài ra, cạnh tranh có đến đâu thì vẫn phải trong xu thế hợp tác cùng nhau, đừng mong mình sẽ đứng được một mình một chợ, một mình có thị phần hay vị thế thượng phong.

Công nghệ thay đổi như vậy, mình làm được nhưng ngân hàng cũng có cái khó là pháp lý chặt chẽ, người ta thì được làm những gì pháp luật không cấm, còn ngân hàng thì chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Tuy vậy, mình cũng phải chuẩn bị để đến khi Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thì có thể làm luôn chứ đợi đến lúc đó mới chạy thì chẳng còn vị thế gì nữa.

Làm gì để mới mình hơn ư? Một khi đã có cái trớn, cái đà thì tại sao không tiếp tục? Nói chung là chúng tôi không tiếc tiền để đổ vào công nghệ, đầu tư cho tương lai và sẽ tiếp tục như thế.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 8.

Các ngân hàng khác đang song song đầu tư công nghệ còn mở rộng mạng lưới truyền thống không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế, còn TPBank thì sao thưa ông?

Thị trường quốc tế thì chưa, nhưng khu vực thì có thể tính đến trong vài năm nữa. Thực tế, TPBank sinh sau đẻ muộn, các ngân hàng khác họ có lịch sử mấy chục năm rồi nhưng chúng tôi mới chỉ được hơn 10 năm, sau đó còn tái cơ cấu cho đến nay cũng mới chỉ 7 năm. Trong khi đó, quy định của NHNN cũng còn hạn chế nhiều về mạng lưới, có muốn mở thêm nhiều cũng không được.

Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi có giải pháp Livebank, gần như thay được mạng lưới chi nhánh. Đến nay, Livebank đã có thể cung cấp rất nhiều dịch vụ, lại còn 24/7, chi phí đầu tư thì thấp hơn nhiều so với mở một phòng giao dịch, lại không có rủi ro đạo đức, rủi ro gian lận.

Sắp tới khi mở rộng ra gấp đôi, gấp 3 lượng máy hiện có thì độ tiếp cận của ngân hàng với khách hàng sẽ lớn hơn rất nhiều. Chưa kể, chi phí thấp như vậy sẽ cho phép mở ở những địa bàn không quá tiềm năng. Trong khi đó, để mở một chi nhánh thì phải cân lên đặt xuống rất nhiều bởi chi phí duy trì, vận hành rất lớn, một năm cũng phải 5-10 tỷ chứ không ít. Nếu chi nhánh đó không hiệu quả thì cũng rất đau xót. Còn Livebank đặt đó không tốt thì chúng tôi thuê cái cẩu đến bê luôn đi cũng chẳng có vấn đề gì.

Tiên Phong có lợi thế là hệ thống mới, gọn nhẹ nên việc thay đổi sẽ thuận lợi hơn. Những đơn vị quá lớn, rất nhiều hệ thống chằng chéo với nhau thì khi thay một cái gì đó là rất khó, chưa kể tư duy để thay đổi, có chấp nhận thay đổi hay không cũng không phải là chuyện đơn giản.

Xem xét đề bài mình muốn cái gì là rất quan trọng, sẽ quyết định mình đầu tư thế nào. Nhiều nơi rất hay tốn vào câu chuyện là đầu tư quá mức cần thiết. TPBank thì đúc rút được những điều đó và làm rất cẩn trọng ngay từ khâu đầu tiên ra đề bài là gì. Các nhà cung cấp sẽ cho mình giải pháp rất hoành tráng nhưng có thể không bao giờ dùng đến, giống như làm một cái nhà rất to nhưng lại chỉ dùng đến 1 phòng. Trong khi rõ ràng xây một cái nhà to như thế là tốn rất nhiều tiền, còn tiện nghi phù hợp cho mình ở thì lại ít hơn nhiều. Vấn đề là mình phải biết nhu cầu đến đâu, bởi có cái biết rồi nhưng cũng có cái chưa biết.

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 9.

Ông nghĩ gì về việc nhiều lao động ngân hàng sẽ bị thay thế bởi công nghệ? TPBank đã chuẩn bị vấn đề nhân sự nội bộ như thế nào?

Con người nếu bị thay thế bởi công nghệ thì cũng chỉ bị thay thế ở những khâu giản đơn, những việc nhàm chán, nhập liệu,…Những khâu quan trọng vẫn cần đến con người. Cái cảm nhận, cảm xúc của từng người rất khác với máy móc. Máy móc sẽ không thể nào thay thế hoàn toàn cho đội sale, chỉ thay thế được ở một số khâu về back office thôi. Những khoản nhỏ lẻ như bán theo tệp thì có thể không cần người, còn lại thì đều cần con người hết.

Về nguồn lực cho đội phát triển, đừng kỳ vọng sẽ mua được một giải pháp nguyên xi nào đó rồi về áp vào mình, vẫn là phải tự mình phải làm, tự mình hiểu chính mình nhất. Có một giải pháp hay thì mình phải xem liệu có phù hợp với mình hay không, có thứ mình mua được nhưng cũng có thứ mình phải tự phát triển. Phải duy trì một nguồn lực nhất định cho những nhu cầu đó, dần dần lao động giản đơn sẽ ít đi, những lao động trình độ cao, thiên về mặt công nghệ sẽ nhiều lên.

Không nên số hóa những thứ mình đang có vì khó mang lại hiệu quả. Nếu muốn làm cái gì đó thì nên đập luôn đi và làm lại cái mới, lợi hơn rất nhiều. Một việc mà mình đang làm rồi lại muốn số hóa nó lên nhiều khi còn rối rắm hơn. Phải có một tư tưởng cải cách lớn, chấp nhận sự thay đổi, sau đó thì đập đi. Chẳng hạn, mở tài khoản ở Livebank chỉ mất 5-6 phút, trong khi mở ở chi nhánh truyền thống mất đến 16-18 phút, muốn giảm cũng không thể giảm nổi vì hệ thống corebanking đã thiết kế như vậy rồi, không thể ít hơn được. Thậm chí trên quy trình mới còn hạn chế được rất nhiều câu chuyện khách giả, chứng minh nhân dân giả; thời gian lại ngắn hơn.

Tiên Phong là ngân hàng đầu tiên ứng dụng mã PIN điện tử. Lúc đầu, tất cả các đơn vị đều phản đối, từ IT cho đến trung tâm thẻ, cho là rủi ro và nguy hiểm, công nghệ không thể đáp ứng nổi vì mã đấy phải từ một hệ thống phần cứng in ra Pin Mailer, rồi các lớp bảo mật rồi mới gửi cho khách hàng. Tôi bảo không, đập hẳn nó đi, làm lại. Cuối cùng thì cũng làm ra được và cũng không có rủi ro gì, lại rất nhanh. Ngày xưa khách hàng nhận được Pin phải mất cả tuần, nhưng giờ chỉ mấy phút; chưa kể tiết kiệm được bao nhiêu giấy tờ và nguồn lực con người.

Mình phải chấp nhận sự thay đổi và ngồi phân tích tận cùng rủi ro nằm ở đâu, chứ đừng nói khơi khơi là cái này không được, cái này là trái quy định, là rủi ro lắm…Trái quy định thì trái quy định gì và có cách nào để qua được không. Đến bây giờ, có thể nói, chi phí đã giảm đi rất nhiều, mỗi năm chỉ vài tỷ tiền giấy, vận hành,…

 CEO TPBank Nguyễn Hưng: Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm tỷ đến nghìn tỷ đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm? - Ảnh 10.

Ngân hàng chúng tôi 2 năm vừa rồi gần như không cần phải tăng nhân sự chính là vì những điều như vậy. Đội Sale, đội công nghệ, đội triển khai Basel II vẫn tuyển rất nhiều, nhưng đội ngũ back office thì giảm, xem như bù trừ cho nhau.

Đừng kỳ vọng một người nào đấy ngay lập tức họ vào và làm giỏi ngay mọi thứ. Mình cũng phải training cho họ rất nhiều và tạo cho họ cơ hội cọ xát, tự trưởng thành. Tất nhiên những người đi trước cũng phải có sự hỗ trợ đào tạo nào đó. Bây giờ thì Tiên Phong có thể tự hào là toàn bị ngân hàng khác câu kéo nhân sự. Ai cũng nói rằng những người đã làm và sống sót ở Tiên Phong thì ra kiểu gì cũng làm được.

TPBank "sinh sau đẻ muộn" nhưng vị thế của ngày hôm nay đã được ghi nhận rất rõ ràng. Vậy trước thềm 2020, ông cảm thấy ngân hàng có điều gì đáng tự hào nhất?

Niềm tự hào nhất là Tiên Phong từ vị trí thứ 42 mà bây giờ đã trên dưới Top 10 rồi. Điều quan trọng là ngân hàng hoạt động hiệu quả không, lành mạnh không; đấy là những điều mà Tiên Phong đã có được. Bên cạnh đó, từ cơ quan quản lý đến khách hàng, công chúng, truyền thông tin yêu cũng là những điều đáng mừng với chúng tôi.

Theo Tùng Lâm - Diệp Trần

Từ khóa:  TPBank , đầu tư
Cùng chuyên mục
XEM