img

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực gặp không ít khó khăn. Thế nhưng trong bối cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp dù còn trẻ song với chiến lược rõ ràng, hướng đi bài bản và phản ứng linh hoạt đã vượt qua được những thử thách của đại dịch để tiếp tục gặt hái những thành quả.

Chứng kiến các doanh nghiệp Việt nói chung và các startup nói riêng xoay xở để vượt qua bối cảnh năm nay, ông Đỗ Sơn Dương, người sáng lập Toong - chuỗi coworking space (mô hình không gian làm việc mở, văn phòng chia sẻ - PV) đầu tiên tại Việt Nam - đã chia sẻ những đúc kết của bản thân, cũng như từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp mình, để vượt qua thử thách này.

Trao đổi với Nhịp sống doanh nghiệp - BizLIVE, CEO Toong cho rằng, đại dịch là một trong những rủi ro khó lường trước được đối với tất cả mọi người.

"Người làm kinh doanh bản lĩnh thì phải xác định sẵn sàng đối đầu cho những tình huống xấu nhất từ khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Còn doanh nghiệp phải được tạo dựng nhằm phục vụ những nhu cầu thực sự thiết thực cho xã hội. Vì trong khủng hoảng, những dịch vụ/sản phẩm không thiết thực sẽ bị cắt bỏ ngay lập tức. Đó là quan điểm của chúng tôi từ lúc khởi nghiệp nên đại dịch không làm chúng tôi chậm bước mà còn là cơ hội để chúng tôi phát triển nhanh và mạnh hơn", ông Dương khẳng định.

CEO Toong: Người làm kinh doanh bản lĩnh phải xác định sẵn sàng đối đầu những tình huống xấu nhất - Ảnh 1.

Đại dịch đã khiến thị trường bất động sản nói chung và thị trường văn phòng cho thuê gặp khó khăn do xu hướng làm việc tại nhà. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đại dịch là cơ hội để thị trường coworking space bứt phá. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Bản chất con người chúng ta là một giống loài cộng đồng. Chúng ta có nhu cầu được kết nối, chia sẻ, tương tác trực tiếp. Chúng ta vẫn cần môi trường làm việc thích hợp, nơi có văn hoá và có khả năng thúc đẩy tâm lý tích cực trong công việc. Làm việc tại nhà chỉ là giải pháp nhất thời nhằm hạn chế lây lan bệnh tật, chứ đó không phải là giải pháp dài hạn.

Cũng chính vì thế mà những không gian làm việc vô hồn, thiếu những định hướng văn hoá mạch lạc không được thị trường lựa chọn bởi vì chúng không giải quyết được nhu cầu thực sự của người làm việc.

Tôi không biết các đơn vị khác thế nào, nhưng với Toong thì hiệu quả kinh doanh của chúng tôi tốt hơn so với trước đại dịch, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội mở rộng mạng lưới của mình hơn.

Hiện nay, các địa điểm của chúng tôi tại TP.HCM đều có tỷ lệ lấp đầy trên 85%, chúng tôi cùng lúc đang hoàn thiện thêm 5 cơ sở mới tại thành phố và hầu hết trong số đó đã được khách hàng đặt cọc trước.

Tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy trung bình của chúng tôi là 80%. Chúng tôi cũng đang đàm phán với một số nhà phát triển bất động sản lớn cả trong và ngoài nước để chọn lựa và mở thêm địa điểm tại Hà Nội.

Nếu nhìn thấy cơ hội, các đơn vị cung cấp mới cũng sẽ cùng tham gia thị trường coworking. Vậy Toong làm gì để tăng lợi thế cạnh tranh của mình?

Cơ hội không tự đến với chúng tôi. Đó là một quá trình chuẩn bị từ lúc chưa thành lập công ty, theo đuổi quan điểm kinh doanh bền vững và kiên định với con đường mà chúng tôi lựa chọn.

Đại dịch là một tình huống lớn, nó giúp chứng minh quan điểm mà chúng tôi theo đuổi. Vì thế, từ khi tình hình bệnh dịch bắt đầu lan ra khỏi phạm vi Trung Quốc, chúng tôi đã dự tính, chuẩn bị và từng bước thực hiện các công việc để chuyển tình huống tưởng bất lợi này thành lợi thế.

Rất tiếc, điều này không phải doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng làm được, nên không thể cào bằng: cứ làm coworking space thì đây là cơ hội để phát triển. Ngược lại, phần lớn các nhà vận hành coworking space trên thế giới và Việt Nam đều đang gặp khó khăn trong việc sống sót qua đại dịch. Chúng tôi nhận được nhiều lời mời tiếp nhận lại không gian coworking space từ các nhà vận hành quy mô lớn để họ cắt lỗ.

CEO Toong: Người làm kinh doanh bản lĩnh phải xác định sẵn sàng đối đầu những tình huống xấu nhất - Ảnh 2.

Lợi thế cạnh tranh của Toong là "lợi thế không thể bắt chước". Đơn vị nào càng bắt chước, họ càng bị đánh giá thấp. Chúng tôi tạo ra giá trị cho khách hàng - điều cũng là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi - bằng cách nỗ lực tạo nên một văn hoá riêng trong các không gian của mình.

Trong khi đó, hầu hết các nhà vận hành coworking space tập trung vào trang trí không gian, mở rộng tiện ích - những điều mà chỉ cần điều kiện tài chính tốt hơn là thực hiện được. Một số nhà vận hành cũng manh nha thực hiện một số hoạt động liên quan tới văn hoá - văn nghệ, nhưng để tạo nên một văn hoá thực thụ cần sự am tường và kiên trì, không thể một sớm một chiều là tạo nên văn hoá, lại càng không thể bắt chước để tạo nên văn hóa, vì bản thân việc bắt chước mà không hiểu bản chất đã là những suy nghĩ thiếu văn hoá.

Việc tạo lập một không gian văn hóa khác biệt có tiêu tốn nhiều nguồn lực của Toong không, thưa ông?

Chiến lược của chúng tôi là luôn cố gắng hết sức để làm tốt dịch vụ của mình, truyền thông đúng sự thật và rất trọng tâm. Chi phí quảng cáo của chúng tôi rất khiêm tốn. Đội ngũ kinh doanh của chúng tôi tinh gọn.

Chúng tôi nhắm tới những khách hàng có tư tưởng cấp tiến, có trải nghiệm phong phú và có tầm nhìn. Những khách hàng này rất thông minh, họ có khả năng tiếp cận thông tin một cách phong phú để chọn lựa đầu tư cho dịch vụ hiệu quả với sự phát triển của họ và tổ chức. Sự tương thích giữa chúng tôi (đơn vị cung cấp dịch vụ) và khách hàng (đơn vị thụ hưởng dịch vụ) là điểm mấu chốt để hai bên dễ tìm thấy nhau.

CEO Toong: Người làm kinh doanh bản lĩnh phải xác định sẵn sàng đối đầu những tình huống xấu nhất - Ảnh 3.

Sau cú ngã của startup tỷ đô WeWork, ông rút ra được kinh nghiệm gì trong quản trị doanh nghiệp và phát triển thị trường? Toong đã bao giờ rơi vào tình huống nguy hiểm như vậy?

Chúng tôi không học được gì từ việc của WeWork. Bởi vì từ khi thành lập Toong, chúng tôi đã nhất quán đi theo quan điểm kinh doanh và mô hình riêng mà mình hướng tới. Chúng tôi đã sẵn sàng phát triển ngay cả khi đứng cạnh WeWork. Điều này, chúng tôi đã chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng từ khi định giá của WeWork cao đỉnh điểm từ những năm trước.

Là một doanh nghiệp tự thân, phát triển dựa vào hiệu quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, chúng tôi cũng trải qua những khó khăn và đối mặt với những tình huống nguy hiểm. Có điều, nguyên nhân và thái độ của chúng tôi trong hoàn cảnh đó hoàn toàn khác với Wework nên không thể so sánh.

Vậy hiện tại "hiệu quả kinh doanh thực tế" của Toong như thế nào? Có đúng như dự tính của ông?

Chúng tôi đã bắt đầu có lãi vận hành hàng tháng sau hơn 2 năm khởi nghiệp (khai trương đầu tiên vào tháng 8/2015, bắt đầu lãi vận hành hàng tháng từ tháng 4/2018) theo đúng dự tính ban đầu của chúng tôi.

Suốt 3 năm qua (2017-2020) mạng lưới của chúng tôi phát triển theo cấp số nhân hàng năm, tại khắp cả trong và ngoài Việt Nam mà không phụ thuộc vào việc gọi thêm vốn từ nhà đầu tư và cũng không phải đi vay để đầu tư. Tôi nghĩ, bấy nhiêu chỉ tiêu đã đủ nói lên hiệu quả kinh doanh của chúng tôi.

CEO Toong: Người làm kinh doanh bản lĩnh phải xác định sẵn sàng đối đầu những tình huống xấu nhất - Ảnh 4.

Nhìn về phía trước, ông kỳ vọng thế nào về triển vọng thị trường, hoạt động kinh doanh cũng như có thể chia sẻ những dự định của bản thân và của doanh nghiệp?

Thị trường, trong giai đoạn trong và sau đại dịch, sẽ càng mở rộng hơn cho những đơn vị kinh doanh dịch vụ và sản phẩm thiết yếu, nhưng có giá trị mới và có khả năng thao lược dẫn dắt nhu cầu thị trường. Vì thị trường đang trong một cú "thức tỉnh" nhờ đại dịch. Mọi người đang nhìn nhận lại, một cách khách quan và nghiêm túc hơn những gì thực sự có giá trị và cắt bỏ những thứ không đem lại giá trị thiết thực.

Trước mắt, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện những địa điểm mới để bàn giao cho khách hàng đã đặt trước. Song song, chúng tôi đang đàm phán với các nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước để tạo ra những mô hình dịch vụ mới tại cả Việt Nam và nước ngoài.

Như ông đã nói, đại dịch đã khiến cho thị trường "thức tỉnh", vậy ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong chính sách điều hành của Chính phủ và môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay?

Tôi thấy thoải mái với các điều kiện chính sách hiện hành của Chính phủ và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng là chúng tôi vẫn phát triển nhanh và đa dạng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Ở góc nhìn của một doanh nhân, ông đánh giá như thế nào về khả năng xoay chuyển của các doanh nhân Việt Nam trong thời gian đại dịch vừa qua?

Điều đáng mừng nhất là một thế hệ doanh nhân Việt có kinh nghiệm đa dạng và trải nghiệm sống phong phú, suy nghĩ văn minh, đang trong độ tuổi sung sức, đã chứng minh được năng lực xoay chuyển tuyệt vời của mình trong đại dịch. Những công ty của họ vẫn kêu gọi được lượng vốn lớn và/hoặc phát triển vượt bậc từ đầu năm 2020 tới giờ.

Cũng trong thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn cũng đã có những động thái chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo trẻ. Tôi tin rằng sẽ có một sức sống mới - đột phá và giàu màu sắc hơn - từ thế hệ doanh nhân kế cận này.

Nhịp sống doanh nghiệp