CEO Tomo: Đừng sợ Alipay! Nhờ Blockchain, chúng ta có thể có cổng thanh toán tốt hơn cả Alipay dành cho Việt Nam!

21/11/2017 14:32 PM | Kinh doanh

Đó là quan điểm của CEO Tomo - một trong số những startup Việt đầu tiên sử dụng Blockchain như công nghệ nền tảng. Để chứng minh, vị CEO còn đưa ra ví dụ về một cổng thanh toán trên nền tảng Blockchain ra đời tại Thái Lan, dù chỉ có tuổi đời là 5 tháng nhưng mức vốn hóa đã đạt 800 triệu USD - một thành tích 'vô tiền khoáng hậu' mà Alibaba không thể sánh nổi.

Giá Bitcoin chạm đỉnh 8.000 USD, các dự án startup, dù chưa biết khả thi hay chỉ là ‘bánh vẽ’, thi nhau gọi vốn thu về nhiều triệu USD chỉ trong khoảng thời gian tính bằng ngày. Đó là những ấn tượng mạnh mẽ, có thể không có nhiều tích cực, của công chúng về thế giới tiền ảo, tiền điện tử tại Việt Nam lúc này.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh sâu hơn thì thực ra công nghệ đứng sau Bitcoin, Ethereum và nhiều loại tiền điện tử khác - Blockchain - lại mang đến rất nhiều ý nghĩa đối với nền tài chính, kinh tế toàn cầu.

Trong khuôn khổ Techfest 2017, sự quan tâm đổ dồn vào chuỗi hội thảo Future of X được tổ chức bởi Quỹ Innovatube - nơi những công nghệ tiên phong nhất giới startup Việt Nam đang theo đuổi được giới thiệu. Đặc biệt, ở phiên thảo luận về Blockchain, trả lời câu hỏi ‘Những ứng dụng tương lai của Blockchian tại Việt Nam’, các diễn giả cho rằng công nghệ này có thể giải quyết những bài toán nan giải nhất mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt.

'Mẹ tôi chuyển tiền 100 USD về Việt Nam mất tới 14 USD, Blockchain sẽ giải quyết điều này'

Những thay đổi mà Blockchain sẽ tạo ra ở Việt Nam từ con mắt vị diễn giả gốc Việt Kendrick Nguyễn được thể hiện ở dòng kiều hối dồi dào mà nền kinh tế đang được nhận hàng năm từ những người con xa xứ.

Năm 2015, lượng kiều hối chảy về Việt Nam là hơn 12 tỷ USD. Năm 2016, con số này cũng là khoảng 10 tỷ USD. Người đồng sáng lập của Republic.io lấy con số 14 tỷ USD làm cận trên và cho rằng những đồng USD từ nước ngoài này đang đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế.


Bài toán chi phí kiều hối sẽ được giải!

Bài toán chi phí kiều hối sẽ được giải!

Tuy nhiên, vấn đề của giao dịch tiền tệ xuyên biên giới là chi phí chuyển tiền vẫn còn đáng kể. “Mẹ tôi khi chuyển tiền về Việt Nam thường mất chi phí tới 14 USD trên mỗi 100 USD chuyền về. Giờ đây, Blockchain sẽ làm chi phí này giảm xuống và đó là một 'cuộc chơi lớn' (huge game) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế”.

Điều mà ông Kendrick nói không phải là không có cơ sở. Thực tế, với Bitcoin và Blockchain, tốc độ giao dịch xuyên quốc gia chỉ còn được tính trong thời gian tính bằng phút hoặc giờ đồng hồ. Về khía cạnh này, các hệ thống giao dịch quốc tế như Visa, Paypal… hoàn toàn thất thế. Điều đó là chưa kể chi phí giao dịch của các hình thức này cũng cao hơn.

Đừng sợ Alipay: Nhờ Blockchain, chúng ta có thể có cổng thanh toán tốt hơn cả Alipay dành cho Việt Nam!

Người có thể trả lời về ứng dụng của Blockchain một cách rõ nhất có lẽ không ai khác là các startup trong nước đang tiên phong dùng Blockchain như một phần của nền tảng công nghệ.

Có mặt trong các diễn giả là ông Long Vương, CEO của TomoApp – một ứng dụng hỏi đáp trực tuyến được xây dựng trên Tomochain (tên gọi Blockchain của riêng ứng dụng này). Cho rằng câu hỏi về ứng dụng của Blockchain tại Việt Nam trong tương lai là ‘rất thú vị’, vị này bất ngờ nhắc lại chuyến thăm của Jack Ma tới Việt Nam cách đây nửa tháng và mang theo một bản thỏa thuận làm giới fintech trong nước phải lo lắng.

“Gần đây, Jack Ma đã tới thăm Đà Nẵng và Việt Nam. Cùng lúc đó, Alipay cũng ký một bản thỏa thuận với Napas cho phép Alipay có thể được sử dụng tại Việt Nam”, CEO TomoApp nói.

Alipay là một nền tảng thanh toán online nằm cùng hệ sinh thái với ‘gã khổng lồ’ Alibaba. Từ đây, Alipay nghiễm nhiên trở thành cổng thanh toán online được ưa chuộng nhất đất nước tỷ dân.

Ở Việt Nam, ‘ông lớn’ thương mại điện tử là Lazada thì đã về tay Alibaba, giờ đây khi Alipay tiến vào và hợp tác với Napas - một công ty đang vận hành số lượng máy ATM, POS và thẻ ngân hàng lớn nhất Việt Nam, nhiều người đã dự đoán về một cuộc cạnh tranh khó khăn dành cho những cái tên trong nước như nganluong, baokim...

Thế nhưng, theo ông Long Vương, Blockchain chính là chìa khóa cho các doanh nghiệp Việt trong vấn đề này. “Sử dụng Blockchain, chúng ta có thể xây dựng được những cổng thanh toán rẻ hơn và tốt hơn (cheaper and better) cả Alipay, dành cho Việt Nam và cho toàn Đông Nam Á”, ông Long lạc quan nói.

Để chứng minh rằng một cổng thanh toán nội địa hoàn toàn không cần e ngại trước các doanh nghiệp ngoại, với sự trợ giúp của Blockchain, ông Long lấy ví dụ về về OmiseGo (đồng tiền OMG) - một startup có trụ sở tại Thái Lan.

So với Alipay, OmiseGo giống như một 'chú ngựa ô' với tham vọng kết nối khu vực tài chính đang tồn tại với khu vực tài chính phi tập trung của tiền điện tử và từ đó tạo ra một công nghệ tài chính mới.


Đây là vốn hóa của một cổng thanh toán trên nền tảng Blockchain mới có 5 tháng tuổi đời

Đây là vốn hóa của một cổng thanh toán trên nền tảng Blockchain mới có 5 tháng tuổi đời

Bằng mô hình kết nối các ví điện tử truyền thống với Blockchain để xử lý thanh toán, giờ đây OmiseGo đã có vốn hóa lên đến 800 triệu USD chỉ sau gần nửa năm ra đời. Đây là một điều mà có lẽ chính Alibaba cũng không thể làm được.

Lời giải cho bài toán xuất xứ nông sản Việt

Cuối cùng, đối với ông Cris D. Tran – Giám đốc của Infinity Blockchian Labs, Blockchain lại có thể là lời giải cho bài toàn về xuất xứ hàng nông sản Việt.

Ông Cris đặt vấn đề: “Giờ đây nếu theo dõi tin tức trên báo chí Việt Nam thì bạn có thể thấy các ngành xuất khẩu đang gặp khó khăn. Các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu luôn đặt câu hỏi về xuất xứ thực sự của những mặt hàng Việt Nam: Có phải thực sự món hàng này được làm ra đúng tại nơi sản xuất in trên bao bì?”.

Đây chính là một vấn đề hiện hữu đối với nền nông nghiệp trong nước. Với tình trạng không rõ xuất xứ, khách hàng nước ngoài có quyền từ chối nhập hàng Việt Nam, dù những chuyến container đã di chuyển hàng nhiều vạn cây số để đến được nước sở tại. Điều đáng tiếc, những sự cố này xảy ra không phải do nông sản Việt kém chất lượng. Nguyên nhân chính là bởi công nghệ được sử dụng chưa đủ tốt để chứng minh rằng xuất xứ hàng hóa của chúng ta là sạch.

Từ đây, với cái nhìn cởi mở, ông Cris nhắc đến Blockchain – những chuỗi khối chứa mọi thông tin mà mọi người có thể truy nhập và kiểm tra thông tin – như một lời giải sáng giá.

“Hãy nghĩ tới việc các cửa hàng có thể lưu giữ xuất xứ, nguồn gốc, đặc điểm món hàng của mình trong các chuỗi khối trước khi chúng được xuất sang Mỹ. Những người mua cuối cùng chỉ cần vào trong hệ thống và sẽ biết chính xác, ngay lập tức, món hàng được sản xuất ở đâu, chất lượng như thế nào”, ông Cris nói.

Điều này, nếu thực sự xảy ra, thì có lẽ một khối công việc lớn dành cho các lực lượng hải quan, cán bộ ở các cầu cảng sẽ được giảm nhẹ. Điều quan trọng hơn, Blockchain cũng sẽ giúp hạn chế hàng giả, hàng nhái, vì “nhờ những tính chất Blockchain, không một ai có thể thay đổi nguồn gốc của hàng hóa. Đó là cách để các mặt hàng nông sản Việt xây dựng niềm tin ở thời điểm hiện tại” - vị Giám đốc kết luận.

Nhất Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM