CEO Nguyễn Đức Vinh: VPBank sẽ không tăng nhân sự trong năm 2019, thậm chí có thể cắt giảm

27/04/2019 19:15 PM | Kinh doanh

Năm 2019, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 3% lên 9.500 tỷ đồng, tài sản tăng trưởng 16%.

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019.

Tại Đại hội, VPBank đã báo cáo kết quả kinh doanh 2018 đạt 9.198 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 85% kế hoạch.

Các chỉ tiêu khác như Tổng tài sản, Huy động khách hàng và Phát hành giấy tờ có giá, Dư nợ cấp tín dụng đều tăng trưởng so với năm trước, nhưng không đạt 100% kế hoạch đề ra, mà chỉ dừng ở mức 90-95%.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank cho biết, có 4 nguyên nhân khiến VPBank năm nay không đạt được kết quả như kế hoạch.

Thứ nhất, VPBank gặp khó khăn khách quan khi năm 2018 là năm các yêu cầu về kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước được tăng cường, nên hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với cả VPBank và FECredit cùng thấp hơn so với phương án dự kiến.

Thứ hai, yếu tố chủ quan là bản thân ban lãnh đạo ngân hàng cũng chủ động chậm lại quá trình, nhằm khắc phục các thiếu sót, các rủi ro nảy sinh sau quá trình phát triển nóng của các năm trước, nhằm đảm bảo cho ngân hàng có rủi ro thấp hơn. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã chậm lại để tập trung vào việc củng cố. Tăng trưởng của ngân hàng tập trung vào 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý 4 đối với cả VPBank và FE Credit.

Thứ ba, thị trường chứng khoán không thuận lợi khiến kế hoạch tăng vốn của VPBank không được thực hiện. Vì vậy, ngân hàng thiếu hụt vốn vài nghìn tỷ đồng và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Thứ tư, ngân hàng có một số điều chỉnh chưa hợp lý trong hoạt động điều hành và nhân sự tại một số bộ phận của FE Credit bị thiếu hụt.

Đáng chú ý, CEO VPbank cho biết, ngân hàng sẽ không tăng nhân sự trong năm 2019, điều chỉnh mô hình hoạt động và thậm chí có thể giảm nhân sự ở một số bộ phận nhưng vẫn đảm bảo năng suất. Trước đó, có thông tin cho rằng VPBank đã cắt giảm 1.000 nhân sự thuộc Khối Tín dụng Tiểu thương (CommCredit). Đây là 1 trong 4 khối trụ cột của VPBank, gồm FE Credit (tín dụng tiêu dùng), Comm Credit (tín dụng tiểu thương), Retail Banking (khách hàng cá nhân) và SME Banking (doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Nói về nợ xấu, ông Vinh cho rằng, các cơ quan quản lý đang chưa có hệ thống phân loại nợ xấu và việc đánh đồng nợ xấu như hiện tại là khập khiễng. CEO VPBank cho biết, nếu chỉ tính các hoạt động truyền thống ngành ngân hàng như cho vay doanh nghiệp, nợ xấu của VPBank chỉ khoảng 1,1%, thậm chí nếu tính cho vay mua nhà nợ xấu còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,8%. Mảng vay tín chấp của VPBank có nợ xấu lớn hơn, nhưng cũng đã được trích lập dự phòng nhiều hơn so với quy định.

CEO Nguyễn Đức Vinh: VPBank sẽ không tăng nhân sự trong năm 2019, thậm chí có thể cắt giảm - Ảnh 1.

Năm 2019, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 16% lên 373.649 tỷ đồng. Huy động và phát hành giấy tờ có giá và Dư nợ cấp tín dụng dự kiến cùng tăng trưởng 15%, nợ xấu của ngân hàng mẹ sẽ dưới 3%.

VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với 2018.

VPBank năm nay không chia cổ tức, nhưng sẽ bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên 31 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ được lấy từ cổ phiếu quỹ của ngân hàng. VPBank hiện đang nắm 73,2 triệu cổ phiếu quỹ.

Thù lao và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2019 là 0,5% lợi nhuận trước thuế. Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch 9.500 tỷ đồng, mức thù lao và ngân sách sẽ là 47,5 tỷ đồng.

VPBank cũng dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 260 triệu cổ phần, thời điểm phát hành tùy thuộc vào mức độ thuận lợi của thị trường chứng khoán. Số lượng phát hành sẽ được tính toán chi tiết để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30%. Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của VPBank.

Sau khi tăng vốn, VPBank sẽ có vốn điều lệ 28.210 tỷ đồng, tương ứng 2,821 tỷ cổ phần.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM