CEO Moca: NLĐ thích thận trọng còn bỏ vị trí sếp ngân hàng để khởi nghiệp như tôi bị nói là "điên"

27/07/2017 09:17 AM | Kinh doanh

Ông Nam đề xuất miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người làm việc tại các công ty startup - tương tự chính sách ưu tiên đối với nhân lực ngành CNTT - để họ có động lực gia nhập các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Trước thềm Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPFS) lần thứ 2 với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc hội thảo chuyên đề về kinh tế số đã được tổ chức vào ngày 26/7 để ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Tại hội thảo này, những người làm start-up đã chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc đồng thời đưa ra những đề xuất để giải quyết những bất cập đó.

Ông Trần Thanh Nam, CEO của công ty thanh toán di động Moca cho biết mình từng có thời gian làm Phó tổng giám đốc ngân hàng và đã khởi nghiệp được 4 năm. Vì vậy, ông có thể đánh giá vấn đề khi nhìn cả từ khía cạnh doanh nghiệp lớn và một công ty start-up.

Theo CEO Moca, khẩu vị của nhiều người lao động Việt Nam rất thận trọng. Họ thích làm việc trong biên chế nhà nước cho "ăn chắc". Trong khi những người "bán nhà, bỏ vị trí sếp ở ngân hàng" để khởi nghiệp như ông lại thường bị đánh giá là "điên". Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút lao động làm việc cho các start-up, ông Nam đặt vấn đề.

"Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực Fintech nhưng rõ ràng lương trả cho nhân viên không thể so sánh với các ngân hàng hay doanh nghiệp lớn", doanh nhân này bộc bạch.

Từ thực tế đó, ông Nam đề xuất miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người làm việc tại các công ty startup - tương tự chính sách ưu tiên đối với nhân lực ngành CNTT - để họ có động lực gia nhập các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, người đứng đầu Moca cũng mong muốn Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các start-up trong thu hút vốn đầu tư.

Ông Nam cho biết, ở nước ngoài các nhà đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua một hình thức rất phổ biến là convertible bond (trái phiếu chuyển đổi). Tại Việt Nam thì doanh nghiệp start-up không được phát hành trái phiếu, vì theo Luật chứng khoán để phát hành trái phiếu cần sinh lợi. Nhưng start-up thì mất rất nhiều thời gian mới sinh lợi, ngay cả những ông lớn như Uber hiện nay vẫn chưa có lãi.

Đồng quan điểm với ông Nam, CEO MOG Trần Anh Dũng cho rằng một trong những vấn đề quyết định sự sống còn của start-up trong giai đoạn đầu chính là vốn. Các dự án khởi nghiệp có thể huy động vốn từ nhà đầu tư thiên thần hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý phù hợp khiến nhà đầu tư khi rót vốn phải "núp dưới danh founder hoặc cổ đông".

Liên quan đến chủ đề này, bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) đã chia sẻ câu chuyện vướng mắc thực tế mà mình trải qua.

Bà Phi kể, trong quá trình thành lập quỹ đầu tư cho start-up, bà đã vận động được 3 ngân hàng góp vốn, nhưng việc xin giấy phép lại diễn ra không hề suôn sẻ. Theo bà Phi, khi các doanh nghiệp lập quỹ rồi đi đầu tư cho doanh nghiệp khác thì không bị giới hạn. Nhưng với trường hợp của bà, quỹ có sự góp vốn của 3 ngân hàng và một số cá nhân khác, nó không thuộc một công ty nào cả thì vẫn chưa có luật để điều chỉnh.

Câu chuyện vốn đầu tư cho start-up vẫn còn nhiều vướng mắc

Cũng tại buổi thảo luận, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Nhóm công tác Khởi nghiệp sáng tạo của VPFS đề xuất cần có mã ngành để đăng ký giấy phép kinh doanh cho các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như Không gian làm việc chung (co-working space), Vườn ươm tạo (incubator) hay Trung tâm hỗ trợ (accelerator)...

Bên cạnh đó, ông Giang cho rằng thời gian qua rất nhiều người nói về khởi nghiệp sáng tạo nhưng khái niệm này lại chưa được định nghĩa một cách rõ ràng. Ông Giang kiến nghị cần đưa ra khái niệm cụ thể hơn về khởi nghiêp sáng tạo để mọi người hiểu rõ.

Người đứng đầu Nhóm công tác Khởi nghiệp cũng cho biết, để hỗ trợ các start-up trong việc huy động vốn, bộ Kế hoạch Đầu tư đang cố gắng hết sức để nghị định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (cách gọi khác của quỹ đầu tư mạo hiểm) được công bố trong năm nay.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM