CEO mô hình crowdfunding Comicola, tác giả bộ truyện tranh dã sử Việt đầu tiên: "Làm truyện tranh ở VN chẳng bao giờ giàu được!"

15/09/2016 09:03 AM | Kinh doanh

Nguyễn Khánh Dương - CEO mô hình gây quỹ cộng đồng Comicola, đồng tác giả Long Thần Tướng thẳng thắn chia sẻ, anh làm vì đam mê bởi làm truyện tranh sẽ chẳng bao giờ giàu được ở Việt Nam:

Những ngày đầu xuân 2016, cộng đồng truyện tranh Việt đón nhận một tin vui khi tập 1 bộ truyện tranh dã sử đầu tiên của VN - Long thần tướng giành giải Bạc cuộc thi International MANGA Award lần thứ 9.

Điều đặc biệt, đồng tác giả tập truyện là anh Nguyễn Khánh Dương, cũng là người tự gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) cho chính tác phẩm của mình.

Chỉ chưa đầy 2 tháng, dự án này đã gây quỹ được 330,5 triệu đồng - vượt mục tiêu ban đầu hơn 30 triệu đồng. Long Thần Tướng được nhận định là dự án gây quỹ cộng đồng thành công nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Sau thành công từ tập truyện, Dương thành lập công Comicola chuyên gây quỹ cộng đồng – mở ra một hình thức gây quỹ hiệu quả cho các sản phẩm nghệ thuật tại VN.

Tuy nhiên, để có những thành công nhất định, Dương cho biết đã trải qua rất nhiều khó khăn. Anh cũng thẳng thắn chia sẻ, anh làm vì đam mê bởi làm truyện tranh sẽ chẳng bao giờ giàu được ở Việt Nam:

Giàu từ làm truyện tranh là điều bất khả thi ở Việt Nam

- Xin chào anh. Được biết anh đã rất thành công với tập truyện Long Thần Tướng với hình thức gây quỹ cộng đồng hơn 300 triệu đồng. Vừa là người gây quỹ thành công cũng là người đầu tiên xây dựng hệ thống gây quỹ ở Việt Nam. Anh đánh giá như thế nào về mô hình này?

- Trên thế giới, crowdfunding có từ năm 2008. Tính đến nay, tổng số tiền gây quỹ đã lên tới hàng tỷ đô la. Nhiều nhà chuyên môn đánh giá đây là mô hình tốt nhất hiện nay để các nghệ sĩ trẻ, độc lập, có thể đưa tác phẩm của mình ra công chúng và thế giới.

Dù xuất hiện khá lâu trên thế giới, tuy nhiên, hình thức gây quỹ này còn khá mở mẻ đối với nhiều người ở Việt Nam.

- Nhắc tới gây quỹ cộng đồng người ta thường nói đến các dự án về công nghệ, vậy trong quá trình đưa tác phẩm của mình là truyện tranh vào mô hình này, những khó khăn anh gặp phải là gì?

- Thực ra, ý tưởng gây quỹ cộng đồng phù hợp với công ty công nghệ là do trên thế giới rất mạnh khi làm sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài truyện tranh, chưa có sản phẩm nào gây được tiếng vang để thu hút vốn từ cộng đồng.

Cũng vì thế, khi chúng tôi đưa dự án của mình lên đã nhận được rất nhiều e ngại, thậm chí những lời chỉ trích, hoài nghi. Họ không biết chúng tôi đang làm cái gì, không biết mô hình này có đảm bảo được hay không.

May mắn thay, bên cạnh chúng tôi còn có sự ủng hộ của các độc giả gắn bó hơn 15 năm qua như bạn bè, người thân, người sẵn sàng biết được chúng tôi đang làm gì, mục tiêu của chúng tôi đến đâu. Vì thế, mục tiêu hơn 300 triệu đồng cho tập truyện tranh chưa hình thành đã đạt được chỉ sau 43 ngày.


Nguyễn Khánh Dương, đồng tác giả Long Thần Tướng.

Nguyễn Khánh Dương, đồng tác giả Long Thần Tướng.

- Trên thế giới có rất nhiều mô hình gây quỹ cộng đồng như kickstarter, idiegogo hay là ig9. Tại sao anh không sử dụng nền tảng có sẵn mà lại mất thời gian xây dựng kênh gây quỹ hoàn toàn mới và tốn kém?

- Có 2 lý do:

Thứ nhất, ở thời điểm 2 năm trước, khi chúng tôi gây quỹ, kickstarter hay idiegogo không hỗ trợ ở VN. Muốn gây quỹ cộng đồng, tôi bắt buộc phải có tư cách pháp nhân ở một trong những nước được phép gây quỹ cộng đồng để nhận được tiền từ quỹ.

Thứ hai, đặc thù hành vi mua bán, đặc biệt trong thương mại điện tử của người dùng VN rất khác so với thế giới. Hình thức thanh toán trực tuyến chưa phổ biến. 80% người dùng Việt mua hàng trên mạng thông qua trả tiền mặt. Trong khi đó, gây quỹ cộng đồng buộc phải thanh toán trực tuyến mới được chấp nhận.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn xây dựng 1 hệ thống gây quỹ dành riêng cho người Việt Nam, có những công cụ thanh toán phù hợp nhất để những người cùng đam mê có điều kiện thực hiện ước mơ của mình.

- Lần gây quỹ cộng đồng đầu tiên đã mang lại số tiền 330,5 triệu đồng cho tập 1 Long Thần Tướng. Vậy anh phải tính toán như thế nào cho phù hợp với số tiền lớn như vậy?

- Chúng tôi đã tính toán rất kỹ về các chi phí để sản xuất hàng nghìn cuốn sách, những món quà đặc biệt, công sức họa sĩ bỏ ra nửa năm thiết kế…. nên mới đưa ra mục tiêu 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, với thành công của hình thức gây quỹ cộng đồng, tiền không phải vấn đề quan trọng. Sự thành công là tác giả, chủ dự án đã chứng minh cho cộng động thấy dự án, sản phẩm của mình có tiềm năng.

Khi thành công, có 500 -1.000 người ủng hộ mình có nghĩa là đây là sản phẩm có tiềm năng, có thể bán cho người dùng. Qua kết quả gây quỹ cộng đồng, chúng ta cũng có thể kiểm tra được tính khả thi của dự án.

- Trước đó anh đã từng làm truyện tranh chưa? Theo anh, đây có phải là lĩnh vực kinh doanh hiệu quả?

- Tôi chưa thực sự có kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện một cuốn truyện tranh theo đúng nghĩa. Và khi bắt tay vào tôi mới biết, làm truyện tranh không dễ. Việc sáng tác có thể dễ dàng hơn khi mình có nhân lực nhưng để sản xuất một cuốn truyện tranh từ bản thảo ra cuốn sách rất gian nan.

Trong quá trình hoàn thiện Long Thần Tướng, tôi đã xin làm việc trong nhà xuất bản khoảng 10 tháng. Dựa vào những kinh nghiệm có được, tôi mới nắm được quá trình ra mắt 1 cuốn sách khó khăn đến như thế nào.

Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất là ở Việt Nam, các đơn vị biên tập đều cho rằng, truyện tranh là cho các bạn trẻ dưới 12-13 tuổi, nên ngôn ngữ phải trong sáng hoàn toàn. Trong khi đó, trên thế giới không như vậy. Các tác phẩm truyện tranh thường phục vụ các độc giả 16-17 tuổi trở nên.

Nếu Việt Nam nhận thức được vấn đề này thì ngành truyện tranh sẽ phát triển hơn nhiều.

- Làm truyện tranh có giàu được không, thưa anh?

- Làm truyện tranh chắc chắn không giàu đâu! Mong muốn giàu được từ truyện tranh ở Việt Nam là bất khả thi, hoàn toàn không thể.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

- Vậy thu nhập của anh từ Long Thần Tướng không hề hấp dẫn?

- (Cười) Tôi có vài ví dụ:

Hiện tại, một bạn họa sĩ có năng lực, đáp ứng được nhu cầu công việc của công ty đang được chúng tôi trả nhuận bút làm truyện tranh cao nhất ở Việt Nam hiện nay (xin giữ kín con số cụ thể). Chi phí mức này, chúng tôi gần như phá giá trên thị trường để hỗ trợ anh em trong ngành.

Trong khi đó, nếu như vẫn giữ được năng lực như vậy, làm ở công ty game, họ sẽ được trả mức lương cao gấp 2-3 lần. Đó là chưa kể các bạn ấy sẽ phải tư duy căng hơn, làm việc nhiều hơn khi làm truyện tranh.

Với môn nghệ thuật này, chúng tôi thực sự phải có đam mê, sẵn sàng bỏ hoặc giảm những công việc khác để tập trung vào nó.

Còn hiện tại, tôi vẫn lo được cho mọi người. Nhờ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng, mô hình gây quỹ cũng đã chứng minh mức độ thành công của nhiều dự án khi nhiều sản phẩm được đón nhận trên thị trường nên công ty vẫn duy trì hoạt động trong 2 năm qua.

Chưa có dự án nào phá mức kỷ lục 300 triệu đồng

- Quay trở lại với câu chuyện crowdfunding. Phải chăng như đúng tên gọi của nó, mô hình này được xây dựng trên chính niềm tin của cộng đồng? Việc này có đồng nghĩa rủi ro với những người tham gia vào dự án là rất lớn, thưa anh?

- Chính xác. Crowdfunding nghĩa là chúng ta đang bán một sản phẩm mà chưa thành hình, bắt buộc phải có niềm tin từ người dùng.

Những người tham gia gây quỹ sẽ có rủi ro rất lớn. Thế nên, chúng tôi lựa chọn các dự án để gây quỹ phải hết sức cẩn thận. Những chủ dự án phải có uy tín trên thị trường cùng những sản phẩm tạo ra giá trị, tạo được niềm tin với mọi người.

Hiện tại, những dự án thực hiện trên Comicola đều ở mức tiềm năng, các chủ dự án có sự đầu tư, chăm chút và thực sự tạo được niềm tin với người dùng, cộng đồng.

- Chỉ dựa vào niềm tin từ việc gây quỹ đồng nghĩa số tiền từ crowdfunding sẽ bị hạn chế?

- Crowdfunding trên thế giới không bị hạn chế về số tiền. Có những dự án mà họ mong muốn được 200.000 USD, nhưng khi kết thúc được tới 4-5 triệu USD. Đôi khi, chính mình không biết được điểm giới hạn và sự quan tâm của mọi người đối với sản phẩm của mình.

Ở Việt Nam, sau khi thực hiện dự án của mình, tôi chưa thấy dự án nào lớn hơn số 300 triệu đồng. Nói đúng hơn, là chúng ta không dám làm bởi cái tầm của dự án chưa tới. Mức thông thường cho các dự án tiềm năng VN dao động 150 - 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi vẫn thực sự mong muốn có dự án ở Việt Nam đủ tầm cỡ để phá kỷ lục hiện tại.

- Thành công là điều ai cũng muốn, nhưng nếu thất bại, số tiền cộng đồng gây quỹ sẽ xử lý như thế nào? Nếu như chủ dự án trây ì không trả, thì ai là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm?

- Hiện tại nỗi lo đó không lớn bằng dự án thành công và chưa thể trả được sản phẩm. Với mô hình này, chúng tôi không giữ và chủ dự án cũng không giữ, mà nó được chuyển sang một đơn vị có khả năng và được phép của pháp luật là Bảo Kim.

Toàn bộ số tiền gây quỹ sẽ được giải ngân cho chúng tôi nếu thành công. Sau đó, chúng tôi mới chuyển số tiền cho chủ dự án tiếp tục làm. Nếu dự án thất bại, toàn bộ số tiền đang được công ty Bảo Kim giữ sẽ được chuyển ngược về cho phía đơn vị gây quỹ và chúng tôi sẽ trả lại cho cộng đồng.

Xin cảm ơn anh!

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM