CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục

27/11/2020 10:50 AM | Kinh doanh

Đứt cung, gãy cầu cùng lúc vì đại dịch Covid-19, nhưng suốt cả năm 2020 Tổng công ty May 10 chưa một ngày giảm nhân sự. Ngược lại còn liên tục tuyển lao động mới, tăng ca làm việc hướng đến mục tiêu doanh thu 2020 cao hơn năm 2019. Điều gì đã xảy ra?

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Tổng công ty May 10, Tổng giám đốc Thân Đức Việt cho biết, ông nhận được rất nhiều câu hỏi sau phát biểu tại một diễn đàn: “Khách hàng nước ngoài nói với tôi: Bây giờ đến cưới cũng online, họp online nốt thì ai mặc veston với sơ mi?”. Điều mà nhiều người muốn biết câu trả lời là ông Việt và May 10 đã giải bài toán đó ra sao.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần một, May 10 đối mặt với hai khó khăn chưa từng có. Thứ nhất, nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phần lớn nằm ở Trung Quốc, đã đột ngột đứt gãy. Cuối tháng 2, khi nguyên liệu về đủ, doanh nghiệp lại đối mặt với cú sốc thứ hai, nghiêm trọng hơn. Hàng loạt nhà nhập khẩu lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cùng nhiều nước khác đồng loạt xin dừng, huỷ đơn hàng. Từ 16/3 đến cuối tháng 4, mỗi ngày trôi qua, công ty lại nhận thêm thông tin tương tự.

Lần đầu tiên, May 10 gặp cú sốc như vậy! Chỉ trong vòng một tháng, vừa đứt cung, lại gãy cầu!

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 1.

Nếu so sánh với khủng hoảng năm 2008, cú sốc lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều. Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, tác động không chỉ lĩnh vực kinh tế, mà còn tạo ra khủng hoảng chính trị, văn hóa, y tế…, thậm chí thay đổi cả thói quen của người tiêu dùng. Điều ấy khiến tất cả đối tác đều không có nhu cầu nhập hàng. Bởi người dân cũng chỉ ở trong nhà và chẳng có nhu cầu mua thêm quần áo. Một vài khách hàng còn nói rằng: “Bây giờ đến cưới cũng cưới online, họp cũng online thì ai mặc veston với sơ mi?”.

Khách hàng chỉ buông câu hỏi “tu từ” như thế, mà khiến hơn 12.000 con người của May 10 phải quay cuồng với hàng vạn câu hỏi không lời đáp: Không đơn hàng, không việc làm... 12.000 người lao động của May 10 sẽ phải xoay sở thế nào đây? Dòng tiền đang nằm “chết” ở nguyên phụ liệu, làm sao để nó “sống dậy” thành “tiền tươi thóc thật” đây? Năm 2020 và những năm tiếp theo, May 10 sẽ về đâu...?

Ở nhà, tôi đã mất ngủ vì suy nghĩ, nhìn thấy cơm không muốn ăn, thấy giường không muốn ngủ. Lên công ty thì mặt “đần ra” vì “ suy nghĩ tìm cách” mãi không thành. Và cũng không chỉ mình tôi lâm vào cảnh này. Gọi điện cho các ông bà  tổng giám đốc khác cùng ngành may thì đều giống nhau cả. Có người còn nói vui: “Giờ mỗi ngày em gọi cho anh một lần cũng được, hai anh em mình chia sẻ cho đỡ buồn”.

Trong lúc vẫn chưa biết phải làm gì thì rộ lên chuyện khẩu trang tăng giá, đặc biệt là khẩu trang y tế có lúc tăng gấp 10 lần. Tôi quyết định, May 10 sản xuất 50.000 khẩu trang vải và phát miễn phí. Chúng tôi phát trong 5 ngày, từ 9-13/2. Tôi nghĩ, bây giờ là lúc khó khăn thì doanh nghiệp như May 10 cũng phải đóng góp điều gì đó cho cộng đồng, ngăn chặn những kẻ đầu cơ.

Sau khi phát xong, nguyên phụ liệu hàng may mặc về đủ, một số nhà nhập khẩu lớn của May 10 vốn đang muốn dừng đơn hàng, chuyển hướng gợi ý chúng tôi sản xuất khẩu trang vải.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 2.

Ngay sau khi May 10 chuyến hướng sản xuất khẩu trang vải, nhận thấy nhu cầu rất lớn về khẩu trang y tế, tôi và ban điều hành đã quyết định đầu tư xưởng sản xuất mặt hàng này. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng.

Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, xưởng khẩu trang y tế đã hoàn thành thì tôi lại thêm nỗi lo “khủng hoảng thừa” khẩu trang nếu không nhanh chóng được xuất khẩu.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 3.

Bởi lúc đó, hầu hết các nguồn lực của May 10 đang tập trung vào việc sản xuất khẩu trang. Nhưng Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ ban hành chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 lại chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).

Thời điểm đó, trong các cuộc họp, cuộc gặp với lãnh đạo cấp trên: Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tôi đã nêu kiến nghị về việc mở lối cho việc xuất khẩu khẩu trang vải và khẩu trang y tế.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 4.

Tôi cũng “đánh bạo” gọi điện và nhắn tin cho Thủ tướng! Thật may mắn những ý kiến của tôi đã được Thủ tướng lắng nghe và chỉ đạo quyết liệt và rất kịp thời. Ngày 29/4/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định và ký Nghị quyểt 60/NQ-CP về việc cho phép xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài; đồng thời khẳng định sẽ yêu cầu các Bộ khẩn trương ra văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu.

Quyết định kịp thời của Thủ tướng cũng đã khẳng định chủ trương xuyên suốt của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

Câu chuyện kiến nghị ấy đã không chỉ gỡ khó cho May 10 chúng tôi mà còn giúp cho hàng trăm doanh nghiệp khác trên cả nước đang cùng cảnh ngộ có thể tận dụng thời điểm vàng để xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế đi các nước.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 5.

Vì sao tôi phải gấp gáp kiến nghị lên các cấp như vậy? Bởi tôi xác định, khẩu trang chỉ là "mặt hàng nóng" trong khoảng thời gian không dài. Nếu mình không nhanh, hàng nghìn người lao động ở công ty sẽ cùng lỡ mất cơ hội.

Tình hình "nóng" tới mức, những người lãnh đạo đứng đầu các công ty, gồm cả các công ty, tập đoàn lớn nhất trên toàn cầu, đều muốn liên lạc trực tiếp và ra quyết định ngay, bỏ qua hết các bước trung gian. Chuyện này trước kia chưa từng có tiền lệ.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 6.

Tốc độ ra quyết định phải nhanh “trong vòng một nốt nhạc”, nhưng tốc độ sản xuất càng cần nhanh hơn nữa. Đỉnh điểm là khi May 10 lập kỷ lục, đơn hàng khách ký 25 triệu khẩu trang vải giao trong vòng 5,5 tháng, tức mỗi tuần giao khoảng 500.000-1.000.000 chiếc. Không may, nguyên liệu đầu vào lại gặp khó. Đơn ký từ tháng 4 mà tới đầu tháng 5 nguyên liệu mới có đủ. Tuần đầu tiên bắt tay vào sản xuất, khách đã hỏi tôi liệu có giao được 4 triệu chiếc? Tôi nói không thể nào, cố gắng lắm cũng chỉ giao được 700-800 nghìn chiếc. Nhưng tới tuần thứ 2, khách lại yêu cầu giao 5 triệu chiếc và tuần thứ 3 giao 8 triệu chiếc.

Cuối cùng, May 10 bằng mọi biện pháp, chỉ trong vòng 3 tuần đã giao đủ 8 triệu chiếc vào tuần thứ 3 theo đúng yêu cầu của khách hàng.

Thời điểm đó, xã hội dùng khái niệm bình thường mới để chỉ việc đeo khẩu trang, giãn cách nhau… Còn ở May 10, bình thường mới có nghĩa là, nếu trước kia kế hoạch theo tháng, bây giờ kế hoạch theo buổi, thậm chí theo từng giờ. Thứ hai, bình thường mới là ngày hôm nay, chúng tôi có thể làm đến 10h đêm, nhưng ngày hôm sau có thể nghỉ ở nhà. Thứ ba, bình thường mới là vừa sản xuất, vừa phải lo phòng chống dịch bệnh với mục tiêu, không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ lãnh đạo đến nhân viên, chúng tôi đều phải đồng lòng và dốc sức làm việc.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 7.

Trong điện thoại của tôi có WhatsApp, Viber, Zalo, Line, Wechat, KakaoTalk, Messenger,Whatsapp, Skype… cùng rất nhiều group để trao đổi công việc. Mỗi ngày, từ 6h sáng đến 1h sáng hôm sau, tôi làm việc hết tốc độ. Vì cứ có khoảng 500 thông tin tôi tiếp nhận, sẽ tương đương với gấp đôi, hoặc gấp ba thông tin phản hồi.

Mệt mỏi, áp lực khủng khiếp. Suốt 45 ngày, trong thời gian thành lập xưởng sản xuất khẩu trang y tế, tôi và nhiều anh em đều làm việc căng thẳng, chỉ ngủ có 4 – 5 tiếng/ngày. Ngoài công việc với đối tác là tổng giám đốc các công ty trên toàn cầu, chúng tôi còn phải xử lý nhiều việc nội bộ và tiến hành các biện pháp phòng chống dịch.

Sau bài học đó, tôi nghiệm ra rằng, trong lúc khó khăn, người lãnh đạo doanh nghiệp phải sáng tạo và tìm ra một con đường mới; dám mạo hiểm thay đổi; linh hoạt trong công tác điều hành; và biết cách quản trị rủi ro.

Rất nhiều công ty cũng chuyển sang làm khẩu trang, nhưng chỉ chậm hơn đúng một tuần thì họ đã mất cơ hội. Một vài doanh nghiệp tới tận khi May 10 “nổi” trên mặt báo về việc chuyển hướng mới làm theo, như vậy đã quá muộn vì nhu cầu mặt hàng này dừng đột ngột còn hơn cả sản phẩm may mặc.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 8.

Từ một nhân viên phòng thương mại quốc tế, đi lên nhiều vị trí khác nhau rồi trở thành người đứng đầu May 10, tôi đã có 23 năm trưởng thành, gắn bó ở đây. Nhưng phải đến khi doanh nghiệp lao đao vì đại dịch Covid-19, tôi mới thấy thấm tinh thần và tấm lòng chia sẻ của những người May 10.

Khi đơn hàng bị đứt, tôi và mọi người trong ban lãnh đạo lên kế hoạch cắt giảm 50% lương trong 3 tháng, quản lý cấp trung là 30% và công bố điều đó trong buổi lễ chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 9.

Ngay tối hôm đó, một chị làm quản lý cấp trung trong công ty đã nhắn tin cho tôi nói rằng: “Bố mẹ tôi trưởng thành ở May 10, tôi cũng hơn 30 năm làm ở đây rồi, tôi xin được làm không lương chứ không phải giảm 30%. Và nếu anh cảm thấy khó khăn về tài chính thì tôi đề nghị, thay vì vay tiền ngân hàng, anh nên hô hào anh em trong công ty, ai có tiền nhàn rỗi cho May 10 vay không lãi. Mặc dù tôi không có nhiều tiền, nhưng cũng xung phong xin được đóng trước 200 triệu đồng”.

Khi nhận tin nhắn đó, tôi rất hạnh phúc. Bởi tôi hiểu rằng, trong cuộc chiến với dịch bệnh, ban lãnh đạo không đơn độc. Và họ quyết tâm như thế, người làm lãnh đạo như tôi càng cần cố gắng hơn gấp bội.

Để rồi, thành quả chung của cả tập thể May 10 là thu nhập người lao động chỉ giảm nhẹ 5%. Không một ai mất việc vì Covid-19, thậm chí, lúc doanh nghiệp khác phải sa thải bớt nhân viên, chúng tôi còn tuyển thêm. Khi nhiều nơi cho lao động nghỉ luân phiên vì thiếu việc, công nhân ở May 10 phải tăng ca bởi khách hàng đang hối thúc.

 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 10.
 CEO May 10: Khủng hoảng chưa từng có, tin nhắn gửi Thủ tướng và cú ngược dòng ngoạn mục - Ảnh 11.

Năm 2020, ban đầu chúng tôi đặt mục tiêu đạt 3.600 tỷ đồng doanh thu. Khi công ty rơi vào thế khó do dịch Covid-19, mục tiêu được điều chỉnh xuống 2.700 tỷ đồng. Dù phải chịu cú sốc kép chưa từng có, nhưng với quyết định chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, May 10 dự kiến kết thúc 2020 doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng cao hơn năm 2019 và vượt 27,7% so với kế hoạch điều chỉnh 2.700 tỷ của năm 2020.

Ở thời điểm đứt cung, gãy cầu, có lúc tôi thầm nghĩ, mình lên làm Tổng giám đốc từ tháng 4/2019 đã giúp công ty tăng trưởng 11,5%, lợi nhuận tăng 23%. Mục tiêu năm 2019 là ổn định-tăng trưởng coi như làm tốt. Năm nay, tôi đặt mục tiêu muốn thay đổi, không ngờ lại bị Covid-19 “vùi dập”.

Cứ nghĩ cả năm 2020 sẽ không làm được gì. Nhưng đến giờ, tôi phải “cảm ơn” Covid-19 rất nhiều vì nhờ đó mà tôi và May 10 đã thực sự thay đổi được rất nhiều thứ. Ví dụ như bài toán tốc độ làm việc, tốc độ ra quyết định, tốc độ thay đổi tư duy… Sự thay đổi này là toàn diện và rất mạnh mẽ.

Nhưng quan trọng hơn tất cả, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là khi nghe nói, có nhiều lao động đã về hưu, vẫn dõi theo doanh nghiệp, từng thắc mắc rằng: Không biết ông Việt đang làm gì, mà tới giờ này công nhân May 10 chưa ai phải nghỉ việc, chưa ai bị giảm lương?

Năm nay, Covid-19 đưa tới nhiều cơ hội. Nhưng tình hình sang năm có thể sẽ thay đổi khó lường. Dù vậy, tôi vẫn lạc quan, và hay nói vui với mọi người, năm nay vì dịch Covid-19, chúng ta may khẩu trang; năm sau mà có dịch nấm đầu chắc chúng ta cũng không ngại chuyển sang may mũ đội đầu.

Thu Hường - Hoàng Ly Ảnh: Nguyễn Long, Thiết kế: Trang Đinh

Cùng chuyên mục
XEM