CEO Hòa Phát: "Đừng đợi mất bò mới lo làm chuồng"

21/03/2016 19:42 PM | Xã hội

Xung quanh chuyện thép trong nước tăng chóng mặt sau khi có quy định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu phôi thép và thép dài, NDH đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát xung quanh vấn đề này.

* Kể từ sau khi Bộ Công Thương công bố áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu phôi thép và thép dài, thị trường thép đã bị loạn giá với sức tăng chóng mặt trong suốt 10 ngày qua. Ông nghĩ sao về vấn đề này khi có ý kiến cho rằng bảo hộ thép trong nước chỉ có lợi cho nhà sản xuất còn thực tế người dân phải mua thép giá cao hơn?

Ông Trần Tuấn Dương: Trước hết, phải khẳng định quyết định của Bộ Công Thương về áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài được ban hành nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước tình hình phôi thép nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất thép Việt Nam, chứ không phải để bảo vệ lợi ích của bất cứ doanh nghiệp hay nhà sản xuất nào.

Quyết định này của Bộ là hoàn toàn chính đáng, kịp thời và phù hợp với các quy định của WTO cũng như những hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia. Tất nhiên bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt của nó, nhưng phải xét trên lợi ích tổng thể toàn ngành để hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững.

Việc các công ty thương mại trung gian tranh thủ gom gàng đầu cơ để chờ tăng giá trong khi nhu cầu thực đối với loại hàng hóa này không có gì đột biến là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sốt ảo trong gần 10 ngày qua, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bản chất việc tăng giá này là do nhiều nguyên nhân chứ không nên đổ lỗi cho việc áp thuế tự vệ tạm thời và cần khẳng định rằng trong nền kinh tế thị trường giá cả lên xuống phản ánh cung cầu là điều hết sức bình thường.

* Có nghịch lý không khi thị trường nhu cầu chưa thực sự cao, lượng thép trong nước tồn kho còn nhiều, nhưng thép vẫn bị thổi giá cao?

Trong vòng hơn 2 năm qua giá thép đã sụt giảm >30% giá trị, việc tăng giá thép gần đây nên nhìn nhận là sự phục hồi về giá do đã giảm quá sâu, bù đắp phần nào nguyên liệu đầu vào tăng cao chứ không phải tăng giá mạnh.

Trong năm vừa qua, để chống đỡ và giữ thị phần nên các doanh nghiệp thép mới phải giảm giá sâu. Các nguyên nhân khác khiến giá thép tăng những ngày gần đây như: (1) giá cả một số nguyên liệu cơ bản của ngành thép như: quặng sắt, phế liệu và than đá trên thị trường thế giới phục hồi mạnh khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khiến thị trường sắt thép tâm lý lạc quan (2) thông thường sau Tết là thời điểm mùa khô thuận lợi cho xây dựng nên nhu cầu sắt thép tăng cao

* Thực tế giá thép của Hòa Phát trong thời gian qua có nhiều biến động không?​

Là một trong những nhà sản xuất lớn, chúng tôi khẳng định thị trường không thiếu thép, các nhà máy vẫn sản xuất và bán hàng bình thường, đảm bảo nguồn cung ổn định suốt cả năm.

Trước thực trạng sốt ảo như vừa nói, cuối tuần qua hầu hết các nhà sản xuất thép lớn trên cả nước, trong đó có Hòa Phát đã cùng cam kết không tăng giá bán trong thời gian tới để chấm dứt tình trạng đầu cơ, giúp thị trường bình ổn trở lại, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Thực tế thị trường thép đang quay đầu giảm và sẽ sớm bình ổn trở lại thôi.

Câu chuyện hai mặt của bảo hộ thị trường

* Bảo hộ thị trường thép là điều thị trường các nước trên thế giới đã làm từ lâu, thậm chí có biểu tình phản đối thép Trung Quốc nhập khẩu ở một số nước, nhưng tại Việt Nam việc bảo hộ thị trường ngành này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và gặp nhiều sự phản đối, vì sao vậy thưa ông?

Không chỉ thép, bất cứ sản phẩm nào cũng đều có quyền sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nếu các doanh nghiệp ngành đó chứng minh rõ các thiệt hại và mối nguy cơ đe dọa trong tương lai gần. Có thể tại Việt Nam, công cụ này chưa được hiểu đầy đủ hoặc phần lớn còn mơ hồ nên chưa vận dụng các biện pháp tự vệ được phép theo quy định của WTO và pháp luật Việt nam.

Với ngành thép, sự xâm lăng ồ ạt của phôi thép và thép dài nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc 2 năm gần đây đã khiến doanh nghiệp trong nước thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi đã cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất thép từ thượng nguồn kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.

Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn.

Ở đây, các doanh nghiệp thép không đầu tư nhà máy phôi, hoặc có nhà máy phôi nhưng không sản xuất hoặc công ty thương mại chuyên đi nhập hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ phản đối, vì nó ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt của họ. Cần phải nhìn nhận vấn đề tồn vong của cả một ngành được coi là công nghiệp mũi nhọn, chứ không phải ủng hộ một ngành thép gia công.

* Quan điểm của ông là như thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện áp thuế bảo hộ thực chất làm lợi cho 4 ông lớn ngành thép, trong đó có Hòa Phát, chứ chưa hẳn là có lợi chung cho toàn thị trường?

Phải khẳng định lại rằng quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công thương không phải bảo vệ lợi ích của bất cứ một doanh nghiệp nào mà là lợi ích của cả ngành thép trong nước trước sự đe dọa của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng gia tăng với cường độ mạnh.

Trong thời buổi hội nhập, thị trường diễn biến khôn lường, đừng đợi đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”. Chúng tôi đứng đơn cùng các doanh nghiệp thép khác là để có tiếng nói bảo vệ lợi ích chung cho toàn ngành, dựa trên việc nhận dạng rõ nguy cơ đe dọa từ sản phẩm nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc. Nếu Chính phủ và các Bộ ngành ủng hộ một ngành sản xuất thép đi gia công cho nước ngoài ở khâu cuối thì câu chuyện đã khác, chúng tôi đã chẳng đầu tư hàng chục ngàn tỷ để xây dựng nhà máy. Đầu tư phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, lâu dài thì mới có lợi thế cạnh tranh và tận dụng tốt các cơ hội của thị trường cũng như thích ứng tốt với sự điều chỉnh của các chính sách vĩ mô.

* Thị trường có tin đồn từ sau 22/3 (ngày quy định áp thuế nhập khẩu thép của Bộ Công Thương có hiệu lực), giá thép nhiều mặt hàng sẽ tăng mạnh hơn?

Đó là chỉ tin đồn. Vì nhiều doanh nghiệp thép lớn trong đó có Hòa Phát đã cam kết không tăng giá, thị trường thép bán lẻ đã giảm so với tuần trước và đang hạ nhiệt. Các nhà sản xuất như chúng tôi không tăng giá, nguồn cung dồi dào, thị trường không có biến động lớn về nhu cầu thì không có lý gì để các nhà phân phối tăng giá bán.

* Chiến lược của Hòa Phát thời gian tới là gì thưa ông, Hòa Phát sẽ tận dụng cơ hội áp thuế này thế nào?

Trong thời gian Bộ Công thương áp thuế tự vệ tạm thời, các doanh nghiệp trong nước sẽ phần nào giải quyết khó khăn hiện tại, đẩy mạnh sản xuất phục vụ thị trường tốt hơn. Thậm chí quyết định này có thể giúp vực dậy một số nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng nếu họ biết đầu tư đúng hướng, cải tiến công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm và năng lực quản trị sản xuất để có thể đứng vững trên thị trường.

* Hiện tại thép Hòa Phát đã có mặt ở những thị trường nào và mục tiêu trong năm 2016 về sản lượng sản xuất cũng như sản lượng tiêu thụ trong nước và sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát thế nào, dự kiến tăng trưởng ra sao thưa ông? Hòa Phát có dự định mở rộng xuất khẩu?

Hiện tại Thép Hòa Phát chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước, trên khắp các vùng miền. Thép Hòa Phát cũng đang xuất khẩu tới một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Úc. Thép Hòa Phát dự kiến đặt mục tiêu 1,6 triệu tấn trong năm 2016, tăng 16% so với năm 2015 và tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường trên.

Trước mắt, Hòa Phát vẫn tập trung ưu tiên phát triển tại thị trường trong nước, đảm bảo công suất ổn định nhằm góp phần bình ổn thị trường thép và cung cấp đủ thép cho nhu cầu nội địa. Việc xuất khẩu còn tùy theo diễn biến thị trường và tập trung vào các nước Đông Nam Á khi khối cộng đồng kinh tế ASEAN đang dần định hình.

* Cảm ơn ông!

Theo Hải Minh

Cùng chuyên mục
XEM