CEO Hatch! Phạm Quốc Đạt: Hãy tích cực tạo kết nối trước khi start-up

02/06/2016 14:33 PM | Công nghệ

CEO Hatch! Phạm Quốc Đạt - chàng trai mới 25 tuổi nhưng đã có 4 năm điều hành một incubator (vườn ươm khởi nghiệp) tại Hà Nội cho rằng các bạn trẻ hãy tích cực tạo kết nối trước khi bắt đầu start-up.

Năm 2012, trong bối cảnh Hà Nội có rất ít các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, Phạm Quốc Đạt và ba người bạn đã sáng lập ra dự án Hatch! với định hướng phát triển như một incubator (vườn ươm khởi nghiệp) tại Việt Nam.

Là một chương trình không vì mục tiêu sinh lợi nhuận, Hatch! hiện hoạt động trên các mảng chính gồm: xây dựng cộng đồng (thông qua các buổi chia sẻ, sự kiện, khoá học khởi nghiệp), vườn ươm (Hatch! là đối tác triển khai chương trình Accelerator của dự án IPP, được tài trợ bởi chính phủ Phần Lan và Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam), đầu tư (kết nối các khởi nghiệp với các nhà đầu tư thiên thần). Tại Hatch!, Đạt là CEO, đảm nhiệm công việc điều hành chính toàn bộ chương trình, bao gồm xây dựng chiến lược phát triển, làm việc với các đối tác, triển khai các chương trình được đưa ra.

Đạt có thể chia sẻ cảm nhận gì sau cuộc trò chuyện giữa các bạn trẻ start-up với Tổng thống Obama gần đây?

Cảm nhận đầu tiên của mình khi nghe về cuộc gặp này là rất bất ngờ và vui mừng. Theo mình cuộc trò chuyện này sẽ tạo nhiều cảm hứng và niềm tin cho giới start-up Việt, đồng thời khiến Nhà nước, xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về lĩnh vực này.

Đây là động lực để Nhà nước có chính sách tốt hơn giúp các bạn khởi nghiệp. Xã hội hiện nay vẫn chưa có sự đồng cảm với thất bại của các bạn trẻ khi làm start-up và hy vọng sau cuộc gặp của ông Obama thì định kiến sẽ dần thay đổi. Đa số start-up chắc chắn sẽ thất bại và ở Việt Nam thì 2 từ thất bại là điều gì đó rất ghê gớm, nhưng ở các nước khác họ xem một start-up thất bại là hết sức bình thường.

Giờ đây các bạn làm start-up Việt Nam biết được rằng “Người đàn ông quyền lực nhất thế giới” đặt niềm tin vào mình và đây là điều đáng trân trọng nhất.

Theo Đạt, các start-up Việt Nam hiện nay đã có những thành tựu gì so với khi bạn bắt đầu xây dựng Hatch! năm 2012?

Trong thời gian qua, start-up Việt Nam có nhiều dấu mốc và thành công nhất định. Mọi người đều biết và nhắc đến Flappy Bird như một câu chuyện thành công cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, những đơn vị như vậy tại Việt Nam cũng có rất nhiều, ví dụ như the Kafe, Vexere, Ticketbox, Giaohangnhanh... với những cuộc gọi vốn và đối tác chiến lược lên đến con số triệu đô cùng với sự mở rộng về thị trường. Điều này cho thấy chất lượng các đơn vị khởi nghiệp đang tăng lên đáng kể, thu hút được sự chú ý của các quỹ đầu tư, không chỉ trong nước mà còn quốc tế (đặc biệt là Singapore, Nhật, Mỹ).

Trước đây, hầu như các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đều đến từ các đơn vị tư nhân như Hatch! Program, Topica… thì hiện nay, các đơn vị công cũng trở nên tích cực hơn trong hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp thông qua sự ra đời của các quỹ ODA như IPP, BIPP hay của Chính phủ Việt Nam, VIIP.

Anh có thể đưa ra những lời khuyên nào cho các start-up Việt Nam mới bắt đầu khởi nghiệp trên con đường đi tới thành công?

Tích cực kết nối (networking) và tham gia các sự kiện của cộng đồng start-up nhiều nhất có thể. Những cá nhân và tổ chức góp mặt ở các sân chơi này đều là những người tiềm năng cho các đơn vị để có thể tìm nhân sự, tìm cố vấn và tìm đầu tư. Bản thân họ không trực tiếp đầu tư thì cũng có thể kết nối bạn với những người quan tâm, nếu bạn cởi mở chia sẻ với họ sản phẩm, thị trường và nhu cầu của đơn vị bạn.

Vậy, với vai trò cầu nối của mình, Hatch! đã có những cách thức nào để kết nối giữa các startup?

Tại Hatch!, chúng tôi tổ chức các hoạt động như coffee talks, hoạt động đào tạo ngắn hạn và cuộc thi khởi nghiệp hằng năm để có thể tìm được các đơn vị khởi nghiệp và hỗ trợ họ trong thời gian đầu. Sau đó, các đơn vị sẽ được “ra mắt” trong các sự kiện kết nối (networking event) và sự kiện cuối năm, cũng như giới thiệu trực tiếp với mạng lưới cố vấn của Hatch! để tìm được cố vấn (mentor) phù hợp. Phù hợp ở đây là mình đề cập đến mối quan hệ làm việc và kinh nghiệm/lĩnh vực hoạt động của cố vấn đó.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 150 sự kiện lớn nhỏ được tổ chức bởi Hatch! và vào tháng 6/2015, Hatch! đã mở co-working space đầu tiên của mình từ sự đóng góp của cộng đồng và các đối tác.

Sự kiện thường niên Hatch!Fair 2016 sẽ có những điểm gì mới?

Sau các lần tổ chức tại Hà Nội, Hatch!Fair 2016 với chủ đề chính “Invisible Technology” sẽ diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 7 - 8/10. Hatch! Fair 2016 là nơi để các nhà sáng lập giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình để tìm kiếm các nguồn đầu tư và cố vấn. Ban tổ chức kỳ vọng Hatch! Fair 2016 tăng quy mô lên gấp hai lần, với sự tham gia của các khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

“Invisible Technology” là chủ đề chính xuyên suốt các hoạt động và sự kiện Hatch! Fair 2016, được lấy cảm hứng từ tầm ảnh hưởng của những tiến bộ công nghệ mà không phải lúc nào cũng hiện hữu trong cuộc sống, giao tiếp và tương tác giữa người với người. Bên cạnh đó, sự kiện sẽ có những phần thảo luận để tìm hiểu nhiều hơn các ứng dụng trong kỷ nguyên “Internet of Things” (IoT).

Năm nay, Hatch! và University of Dayton, cùng với các đơn vị hợp tác tổ chức bao gồm Vietaboarder, British University Vietnam, Hanoi Innovation Hub, Leader Of the Future, Team CNN Leaders, FBA Elite – FTU cũng mở một cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp dành cho học sinh cấp 3 và sinh viên đại học.

Với mục đích tìm kiếm những tài năng trẻ, những ý tưởng kinh doanh, cuộc thi sẽ là nơi ươm ầm những sáng kiến, tạo kết nối giữa các bạn trẻ và doanh nghiệp, đồng thơi lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với các bạn học sinh, sinh viên.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM