CEO GotIt!: Trước khi được rót 9 triệu USD, tôi bị từ chối nhiều lần vì chưa từng có người Việt nào thành công ở Sillicon Valley

03/06/2016 10:33 AM | Kinh doanh

Để lắc đầu trước một Startup, nhà đầu tư tại Silicon Valley có rất nhiều lý do. Có người cho rằng Startup này không có gì thú vị, khó có thể thành công ty rất lớn được. Có người lắc đầu từ chối vì chưa thấy có tiền lệ người Việt nào từ trong nước qua Silicon Valley làm Startup thành công vang dội…

Gọi vốn chưa bao giờ là việc dễ dàng với các Startups, nhất là gọi vốn tại Silicon Valley của Mỹ.

Thông tin GotIt! – một ứng dụng giáo dục dựa trên mô hình nền kinh tế chia sẻ- mới đây gọi vốn thành công trên 9 triệu USD gây xôn xao giới khởi nghiệp Việt Nam.

Dưới đây là chia sẻ của anh Trần Việt Hùng, cựu nghiên cứu sinh ngành khoa học máy tính của Đại học Iowa – Founder của GotIt! về cách thức Startup này đã gọi vốn thành công tại thung lũng khởi nghiệp của Mỹ.

Khi nào nên gọi vốn?

Thông thường ở Silicon Valley, thời gian gọi vốn cho round lớn (các vòng seed round, series A, B…) ước chừng khoảng 6 tháng. Tức, từ thời điểm Startup cần tiền tính ngược lại thời điểm gọi vốn sẽ vào khoảng 6 tháng, dù thường không mất nhiều thời gian đến vậy.

Thông thường, tính từ buổi pitching – cuộc gặp tương đối sơ bộ giới thiệu về Startup của mình nhằm xem xét mức độ quan tâm của quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Firm) – đến cuộc gặp tiếp theo, cuộc gặp thực sự để thuyết phục nhà đầu tư của quỹ (VC - Venture Capitalist) cách nhau tầm 1 tuần, hoặc cũng có thể trong tuần tuỳ theo độ hot của startup.

Sau 2 cuộc gặp này, Startup phải có 2 cuộc gặp nữa, 1 cuộc gặp để thuyết phục các partners – các VC khác thuộc cùng quỹ đầu tư của VC nói trên, và 1 cuộc gặp nữa nhằm thương thảo về các điều khoản đầu tư (term sheet).

Sau đó 2-4 tuần, sẽ tiến hành xác minh về công nghệ, giấy tờ, tài chính, nhân sự,…(due diligence), cuối cùng tiến hành đầu tư.

Khoảng thời gian tính từ lúc pitching đến lúc xong xuôi thủ tục mất chừng 2-3 tháng nếu nhanh, chậm thì có thể lâu hơn.

Lên danh sách và tiếp cận các VC tiềm năng

Tại Silicon Valley, gọi vốn ban đầu từ các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investors) thường khá nhanh, trong trường hợp của GotIt!, khi chúng tôi gọi vốn chừng 500.000 USD chỉ mất khoảng 2 tuần, và chúng tôi cũng không cần gặp quá nhiều người.

Khi gọi vốn ở các vòng lớn hơn như seed round, series A, thì team cũng phải gặp khá nhiều nhà đầu tư.

Thường chúng tôi lập ra một danh sách các quỹ đầu tư và sắp xếp theo thứ tự tiềm năng (potential) (bởi chúng tôi biết những quỹ đầu tư nào sẽ đầu tư vào lĩnh vực cụ thể nào), trong các quỹ đầu tư ấy có VC cụ thể nào phụ trách hoặc quan tâm tới mảng mà Startup của mình đang xây dựng.

Danh sách này sau đó được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, dựa theo các tham số chúng tôi tính toán về cơ hội thành công, sau đó thì tiếp cận. Với những nhà đầu tư quen biết từ trước thì email, với những nhà đầu tư chưa quen thì phải nhờ những người trong network của mình giới thiệu, sau đó tiếp cận và trao đổi email, trao đổi Investor Deck.

Nếu nhà đầu tư đó quan tâm thì tiến hành gặp, trình bày kế hoạch kinh doanh của mình, để thực hiện kế hoạch nàythì cần bao nhiêu tiền, các kết quả trực tiếp và gián tiếp,... Các bước tiếp theo như đã nói ở phần trên, sẽ có 2 cuộc gặp với partners của VC này và cuộc gặp nhằm thương thảo các điều khoản đầu tư.

2 phút “ăn tươi nuốt sống” ban đầu


Ảnh minh họa. Nguồn: Perthnow.

Ảnh minh họa. Nguồn: Perthnow.

VC bao giờ cũng muốn tìm những Startup tiềm năng, những Founders giỏi để đầu tư. Thế nên, người ta sẽ có những biện pháp để phát hiện sớm đâu là thật - giả.

2 phút ban đầu “cân não” khá nhiều, để VC đoán người đang nói trước mặt mình là thật hay là chuyên gia“chém gió”, là người có tiềm năng hay chỉ bô lô ba la.

Cho nên, những giây phút đầu như muốn “ăn tươi nuốt sống” nhau. VC làm như vậy để phát hiện ngay những ai thật – giả và nếu không thấy có gì thú vị thì người ta sẽ kết thúc cuộc họp sớm để đỡ mất thời gian.

Còn sau khi 2 bên đã hiểu nhau, có tiềm năng hợp tác với nhau, mọi thứ lại trở thành bình thường.

Đòn “cân não” của VC


Ảnh minh họa. Nguồn: Stuckindc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Stuckindc.

Các Startup bao giờ đến gặp VC cũng nói rất OK, nào là thị trường này bao nhiêu tỷ USD, mình chiếm được bao nhiêu % thị trường…

=> VC sẽ dùng logic phân tích tại sao bạn đưa ra con số như thế, các con số này có thật, có liên quan đến nhau hay bạn cứ chém bừa?

Có những bạn khoe có ý tưởng triệu USD.

=> VC sẽ hỏi dựa vào đâu để đây là ý tưởng triệu USD? Người ta sẽ tìm ra những sơ hở, hoặc xem lập luận của bạn có logic hay không.

Có những bạn nói giỏi làm cái này, cái kia, có cực nhiều người dùng.

=> VC sẽ kiểm tra các con số các bạn đưa ra có độ tin cậy thế nào, các con số đó có ý nghĩa gì thiết thực không, giữa các con số đưa ra có sự logic không. Đấy là những phát hiện rất dễ nếu ai đó chém gió.

Bản thân tôi cũng gặp những câu hỏi rất khó, hay có những thông tin mà tôi không có đủ dữ liệu back-up để trả lời chắc chắn, hay những con số dự đoán suy ra từ những con số khác…, nên độ tự tin không cao.

Khi VC hỏi tôi số liệu này chắc chắn đến mức nào, tôi đành trả lời là mình chỉ dựa vào những thông số này để suy ra, chứ không chắc chắn hoàn toàn. Hoặc khi VC hỏi làm sao trong 18 tháng tới chiếm được 10% thị trường chẳng hạn, lúc đó tôi không có câu trả lời rõ ràng để có thể đáp ứng yêu cầu của họ.

Làm quen với những nhận xét cực tồi tệ


Ảnh minh họa. Nguồn: West-info.

Ảnh minh họa. Nguồn: West-info.

Việc nhận được những nhận xét không tốt là chuyện thường với Startup. Không phải VC nào cũng nhận xét tốt về Startup của mình, và họ có lý do để không muốn tiếp tục.

Có những người không tin vào mô hình kinh doanh của mình. Có người nghi ngờ về khả năng cung cấp dịch vụ đủ tốt để giúp người dùng có thể học.Có người cho rằng thị trường này không hấp dẫn. Thậm chí, nhiều người dùng pattern matching chưa thấy người Việt Nam nào qua Silicon Valley làm Startup mà thành công rực rỡ…

Nhận xét tệ nhất tôi từng nghe là VC cho rằng app của mình là Tutoring (gia sư) do gốc của GotIt! là Tutor Universe, và Tutoring Business thì không có gì thú vị cả, chưa có công ty gia sư lớn và có thể không bao giờ có công ty gia sư cực lớn, nên họ không đầu tư.

Có thể người ta không biết cụ thể thế nào, nhưng khi không chắc, họ sẵn sàng “Say No”, vì VC không thiếu Startups tìm đến mong được đầu tư. Họ không được deal này thì sẽ được deal khác.

Cho nên, nếu hơi nghi ngờ, tùy tính cách của từng VC, có người muốn tìm hiểu tiếp, có người “Say No”ngay lập tức.

Những lời nhận xét tiêu cực không làm ảnh hưởng tới tôi và team. Bởi tôi biết, Startup có nhiều thứ không rõ ràng, nếu mọi thứ rành mạch thì các công ty lớn đã làm hết, không đến lượt mình.

Nhiệm vụ của startup là làm sao để những thứ chưa rõ ràng trở thành ngày càng rõ ràng hơn, để biến sản phẩm và dịch vụ của mình gần hơn đến thành công.

GotIt! là một ứng dụng về trao đổi kiến thức dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ. Người dùng có thể chụp ảnh những gì mình cần giải đáp ví dụ như bài giảng hay các câu hỏi luyện tập, chia sẻ trên GotIt! và nhận giải đáp chi tiết từ chuyên gia trong 10 phút thông qua việc tương tác trực tiếp với chuyên gia.

Cùng với thông tin gọi vốn thành công trên 9 triệu USD. Mới đây, GotIt! cũng thông báo đã đứng thứ 2 trong App Store tại Mỹ trong mảng giáo dục. Vị trí số 1 là iTunes U. Vì iTunes U là app của Apple nên về mặt nguyên tắc thì GotIt! xếp số 1 trong tất cả các app không phải của Apple trong lĩnh vực giáo dục.

Nguyên Bảo (ghi)

Cùng chuyên mục
XEM