CEO GotIt!: Nếu chịu khó học hỏi, chỉ cần 1 năm sinh viên kinh tế có thể đuổi kịp sinh viên kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ

31/01/2019 08:30 AM | Kinh doanh

Với các sinh viên kinh tế, chuyện sang “đá chéo sân” trong mảng kỹ thuật là việc hoàn toàn có thể nếu họ thực sự đam mê và chăm chỉ.

Theo dự đoán đến năm 2020, nguồn nhân lực cần thiết để phát triển công nghệ ở Việt Nam vào khoảng 350.000 người nhưng đội ngũ kỹ sư chỉ khoảng 70.000-80.000 người. Vậy nếu các sinh viên kinh tế muốn dịch chuyển sang mảng công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tao (AI) nói riêng thì liệu họ có thể làm được không? Đây là câu hỏi được đặt ra tại sự kiện "Kawai Startup Fair 2019" - Hội chợ Kết nối Khởi nghiệp do CLB Nhà doanh nghiệp Tương, Đại học Ngoại thương tổ chức gần đây.

Trả lời câu hỏi này, anh Trần Việt Hùng, CEO, người sáng lập GotIt! đã không ngần ngại khẳng định là có.

Anh Hùng lý giải trung bình các ngành học khác nhau sẽ được đào tạo khoảng 4 năm, trong đó có 2 năm học các môn liên quan nhưng sau quá trình thi thì đa phần sinh viên sẽ lại quên hết. Vậy nên sinh viên thuộc các khối ngành kỹ thuật và không phải kỹ thuật chỉ cách nhau một khoảng là 2 năm.

"Nếu các bạn học kinh tế hoặc các khối ngành không phải kỹ thuật dành 1 năm để nghiên cứu, làm việc vất vả thì các bạn hoàn toàn bắt kịp các sinh viên có nền tảng kỹ thuật", anh Hùng nhắn nhủ những sinh viên ngồi phía dưới.

Tuy nhiên anh nhấn mạnh quá trình này chỉ đảm bảo các sinh viên sẽ có kiến thức nền như nhau, còn có học kỹ thuật hay không thì khi đi làm họ vẫn cần tích cực học hỏi nhiều từ công việc thực tế. Bởi thầy cô trên trường đại học chỉ trang bị kiến thức nền, các sinh viên không thể ra trường là làm luôn việc này việc kia được.

Anh khẳng định không chỉ ở Việt Nam mà tại GotIt! cũng có những sinh viên từ các trường không chuyên về kỹ thuật như Stanford. Tuy nhiên nếu nhân sự có sẵn các nền tảng ban đầu đồng thời chịu khó học hỏi liên tục khi làm việc thì họ sẽ trưởng thành dần lên.

"Việc chuyển đổi hoàn toàn có thể nếu các bạn sẵn sàng bỏ ra 1 năm để bù kiến thức nền. Đương nhiên không phải ai muốn cũng làm được. Sẽ có người nhận ra rằng họ không phù hợp hay như thế nào đó. Nhưng nếu chỉ mất 1 năm thì cũng đáng để các bạn thử", CEO GotIt! khẳng định.

CEO GotIt!: Nếu chịu khó học hỏi, chỉ cần 1 năm sinh viên kinh tế có thể đuổi kịp sinh viên kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ - Ảnh 1.

CEO GotIt! - Trần Việt Hùng (giữa) và CEO NextSmarty - Trịnh Xuân Tuân (ngoài cùng bên phải) tại sự kiện do đại học Ngoại thương tổ chức.

Ở một góc nhìn khác, anh Trịnh Xuân Tuân, CEO NextSmarty lại cho rằng những sinh viên có kiến thức nền về kinh tế nên sử dụng các công cụ về AI trước, nếu có đam mê thì mới tính chuyện chuyển sang.

Theo quan điểm của anh, có 2 nhóm người liên quan đến AI: Những người sử dụng AI cho công việc liên quan đến kinh doanh, kinh tế và những người còn lại phát triển các thuật toán AI.

"Câu chuyện không phải "đá sân" mà là tương trợ nhau. Những người học kỹ thuật, công nghệ sẽ phát triển công cụ AI, còn những người nền tảng kinh tế sẽ sử dụng các công cụ ấy".

Anh Tuân lấy ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, quá trình chuyển dịch số hiện nay diễn ra rất mạnh mẽ. Sinh viên kinh tế chỉ cần hiểu căn bản về AI nhưng có thể sử dụng các công cụ ấy cho bài toán ngân hàng là được. Còn như bản thân anh, từ AI chuyển sang ngân hàng rất khó vì lĩnh vực này đòi hỏi phải được đào tạo căn bản, không thể nhảy "linh tinh". Anh lý giải "ngân hàng là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tiền của khách hàng, chỉ cần sai 1,2 bước là 'chết dở'".

"Nhìn chung lại đều là tập trung giải quyết vấn đề xã hội, chỉ là mỗi người một việc khác nhau. Các bạn kinh tế muốn 'lấn sân' sang sáng tạo các công cụ AI cũng tốt thôi, miễn là các bạn có đủ đam mê. Tuy nhiên trong thời gian ngắn hạn, trước mắt tôi nghĩ các bạn hãy sử dụng công cụ AI vào lĩnh vực chuyên môn của mình, nếu đam mê thì mới chuyển qua học thêm dần dần", CEO NextSmarty nhắn nhủ.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM