CEO Ericsson nói gì về lệnh cấm đối thủ Huawei của Thụy Điển?

20/11/2020 10:00 AM | Công nghệ

CEO Ericsson Borje Ekholm chỉ trích quyết định của Thụy Điển khi cấm Huawei khỏi mạng viễn thông vì hạn chế cạnh tranh và thương mại tự do, dẫn đến chậm triển khai 5G.

Huawei đang kháng cáo lệnh cấm hồi tháng trước của nhà chức trách Thụy Điển, dựa trên lời khuyên của cơ quan an ninh và lực lượng vũ trang. Những người này tố cáo Trung Quốc “thu thập thông tin tình báo và đánh cắp công nghệ”.

Borje Elkholm, CEO Ericsson – đối thủ của Huawei, trả lời trên trang Financial Times rằng những quyết định quan trọng như vậy nên được đánh giá kỹ lưỡng. Ông nói thêm: “Đối với Ericsson và Thụy Điển, chúng ta được xây dựng nên dựa trên tự do thương mại… Từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ điều quan trọng là phải có thị trường mở và cạnh tranh tự do”.

Lệnh cấm của Thụy Điển được Financial Times đánh giá là “bất thường” vì các quốc gia khác như Anh khi ban hành lệnh cấm thường nhắc đến an ninh quốc gia. Các nhà mạng Thụy Điển bị cấm dùng thiết bị Huawei, ZTE khi lắp đặt mạng 5G và phải tháo gỡ thiết bị của hai công ty Trung Quốc ra khỏi hạ tầng hiện tại trước năm 2025.

Ông Ekholm hiểu mạng di động là vấn đề an ninh quốc gia nhưng tranh luận Thụy Điển “lệch” so với hướng dẫn của EU về mạng 5G an toàn.

Đơn kháng cáo của Huawei khiến nhà quản lý viễn thông Thụy Điển phải tạm hoãn phiên đấu giá băng tần 5G trong tháng này. Ông Ekholm dự đoán việc triển khai 5G nói chung sẽ bị lùi lại.

Ericsson và Nokia là hai đối thủ lớn nhất của Huawei, dù vậy tập đoàn Thụy Điển lại có hoạt động kinh doanh tương đối lớn ở Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng vì lý do này mà Ericsson từ chối đứng về phía Stockholm.

Ông Ekholm nhấn mạnh dù cạnh tranh với Huawei, cả hai vẫn hợp tác trên các tiêu chuẩn của ngành. Theo CEO Ericsson, cạnh tranh khiến cho họ trở thành công ty tốt hơn về lâu dài. Trong dài hạn, nó sẽ giúp họ sáng tạo hơn, làm ra những sản phẩm tốt hơn cho khách hàng.

Ông Ekholm cho rằng châu Âu nên tập trung vào triển khai 5G nhanh nhất có thể. “Hãy nghĩ về 4G, khi đó cuộc tranh luận tại châu Âu là về ứng dụng. Người Mỹ và người Trung Quốc đã triển khai 4G nhanh nhất và nay họ thống trị nền kinh tế ứng dụng. 5G cũng tương tự nhưng dành cho doanh nghiệp. Chậm triển khai 5G là rủi ro của nền kinh tế. Châu Âu có nguy cơ một lần nữa phải đi sau”, ông chia sẻ.

Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM