CEO Công ty DTT: Giai đoạn chuyển đổi từ gia công phần mềm sang làm sản phẩm rất “xót ruột”!

30/05/2019 14:11 PM | Kinh doanh

CEO Công ty DTT Nguyễn Thế Trung chia sẻ, trong giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp outsourcing (gia công phần mềm-PV) sang làm sản phẩm rất xót ruột - nếu làm gia công một kỹ sư được trả lương khá cao thì đầu tư vào làm sản phẩm lại là con đường chông gai hơn rất nhiều.

Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mới đây, cùng với thông điệp “Make in Vietnam” (Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất), Bộ TT&TT đã xác định định hướng: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Với riêng doanh nghiệp phần mềm, trước thực tế nhiều năm qua đa phần các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam làm thuê, gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm Việt thay vì chủ yếu làm gia công, cần quay về làm các sản phẩm giải bài toán Việt Nam , coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đi ra quốc tế.

ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, chuyên gia đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành về định hướng phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ nước nhà:

CEO Công ty DTT: Giai đoạn chuyển đổi từ gia công phần mềm sang làm sản phẩm rất “xót ruột”! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Trung – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT (Ảnh nhân vật cung cấp)

Xin ông chia sẻ quan điểm về định hướng, cách tiếp cận mới Bộ TT&TT đưa ra cho con đường phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam?

Tôi nghĩ rằng đây là mong muốn chung của doanh nghiệp CNTT Việt Nam nên Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nói rất trúng vào mong muốn này. Sau nhiều năm tích lũy, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đi vào phát triển sản phẩm thay vì chỉ làm outsourcing.

Cụ thể, kinh nghiệm của DTT là từ năm 2013 khi có 200 người làm outsourcing chúng tôi quyết định tập trung vào làm sản phẩm, và hiện đã thành công với các sản phẩm về Chính phủ điện tử. Khởi đầu là giải pháp tại Đà Nẵng đã được giải thưởng AICTA 2015 - giải khu vực về Chính phủ điện tử. Giải pháp này đã được mở ra thành nền tảng Chính phủ điện tử nguồn mở và tạo ra làn sóng làm chủ công nghệ Chính phủ điện tử qua nguồn mở trên toàn quốc. Và 4 năm sau, Nghị quyết 17 của Chính phủ về "Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025" đã chính thức hóa là Việt Nam phải làm chủ giải pháp Chính phủ điện tử .

Trong 3 năm vừa qua, DTT tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm nền tảng về IoT (Open IoT Platform), tiếc là sản phẩm này chưa thành công và chúng tôi chuyển hướng sang chế tạo thiết bị IoT và sẽ ra mắt trong năm nay. Mới đây, DTT đã ra mắt bản Open Beta sản phẩm ứng dụng trí tuệ thông minh STEMUP để phụ huynh học STEM cùng con. Cả 2 sản phẩm thiết bị IoT và ứng dụng STEMUP trong tương lai đều có thể đi ra thế giới được.

CEO Công ty DTT: Giai đoạn chuyển đổi từ gia công phần mềm sang làm sản phẩm rất “xót ruột”! - Ảnh 2.

Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo STEMUP để phụ huynh học STEM cùng con vừa được Công ty DTT cho ra mắt phiên bản Open Beta.

Kinh nghiệm trong giai đoạn chuyển đổi này là rất xót ruột - nếu làm gia công một kỹ sư được trả khá cao thì đầu tư vào làm sản phẩm lại là con đường chông gai hơn rất nhiều. Bài học thành công của các công ty làm sản phẩm tại Việt Nam cũng còn ít nên rủi ro nhiều, khó khăn cực lớn. Tuy nhiên, khó khăn cũng phải làm, nhất là tôi vốn xuất phát từ người chủ trì làm sản phẩm bên Úc trước khi về Việt Nam.


Tôi nhất trí với Bộ trưởng Bộ TT&TT về thông điệp này, nhưng nếu Bộ trưởng tạo ra cơ chế để các sản phẩm và doanh nghiệp làm sản phẩm tại Việt Nam có thể phát triển thì sẽ quý hơn nữa, đặc biệt phải ngăn chặn tình trạng ăn cắp tài sản trí tuệ (cái này DTT liên tục bị) bằng cách "bêu xấu" các doanh nghiệp ăn cắp này thì sẽ rất tốt.

Tôi đang ấp ủ làm các sản phẩm còn đột phá hơn nữa và đã bắt tay vào nghiên cứu nhưng nỗi lo bị đánh cắp luôn thường trực, rồi nỗi lo cá lớn nuốt cá bé nữa, còn những khó khăn về tiền bạc về thị trường thì đương nhiên sẽ phải giải quyết.

Làm sản phẩm được đánh giá là có giá trị cao hơn gia công, giúp nâng năng suất lao động. Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp phần mềm vẫn chọn hướng làm gia công, thưa ông?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, làm gia công thì có tiền ngay, bài toán triển khai dễ hơn, nhất là Việt Nam đã bắt đầu có tiếng trên thị trường quốc tế - Điều này phải cảm ơn các công ty đi trước như FPT, TMA... Trong khi đó, làm sản phẩm thì chưa biết lúc nào có lãi, cơ chế đầu tư tại Việt Nam thì còn khó, ngay công ty tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nhưng họ luôn lo ngại về tính bất ổn của thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp muốn hướng ra toàn cầu thì còn khó hơn nữa vì cạnh tranh lớn mà công nghệ nguồn thì chúng ta không có. Tại Hàn Quốc, các công ty được thừa hưởng hàng tỷ USD nhà nước đầu tư cho đại học và các viện nghiên cứu, còn ở ta thì doanh nghiệp đang phải tự thân hết. Cho nên, việc Bộ TT&TT nhắc đến các doanh nghiệp lớn là đương nhiên, nhưng cần nhớ rằng các sáng tạo đột phá trong CNTT hầu hết đều đến từ doanh nghiệp nhỏ, cũng như công ăn việc làm cho một ngành để phát triển bền vững phải đến từ số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi rất mong được Bộ trưởng Bộ TT&TT đối thoại thêm về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đặt kỳ vọng phần mềm Việt Nam phải trở thành hạt nhân để chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế nước nhà sang kinh tế số. Với năng lực hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông điều này liệu có thực hiện được không?

Theo tôi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là người đã thực làm, ông biết là việc đó làm được. Cá nhân tôi cũng là người thực làm nên tôi tin rằng việc đó làm được và hoàn toàn đúng đắn.

Vấn đề năng lực như chuyện "Con gà quả trứng", không làm thì không tăng năng lực được, nên cách nhìn vào năng lực có 2 cách một là cải thiện (improve), hai là thay thế (replace) và nếu quyết tâm làm thì sẽ làm được.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc cải thiện có lẽ khó khả thi. Chúng ta cần dũng cảm thay thế một số thứ, ví dụ: chương trình đào tạo phổ thông và đại học về CNTT; thuế và các biện pháp khuyên khích tài chính về doanh nghiệp CNTT và doanh nghiệp ứng dụng CNTT - không thể đòi hỏi một doanh nghiệp nhà nước bỏ tiền cho CNTT là phải bảo toàn vốn mà cần có một chính sách thay thế để chấp nhận rủi ro, cũng như không thể đòi hỏi các doanh nghiệp CNTT phải có vốn lớn, có thời gian hoạt động lâu dài mới được tham gia làm các việc của Chính phủ.

Chúng ta cần thay thế phương pháp đấu thầu trong nhà nước để làm sao bắt buộc các doanh nghiệp lớn, nhỏ cùng phát triển. Tôi đề nghị hãy nghĩ nhiều về thay thế, thay vì chỉ thay đổi!

Xin cảm ơn ông!


Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM