CEO 8X Nguyễn Trung Tín: "Ở công ty của tôi không chỉ người nhà mới thành công và đảm nhận vị trí cao"

13/10/2016 15:28 PM | Kinh doanh

Sinh năm 1987, Nguyễn Trung Tín năm nay mới 29 tuổi. Tuy vậy, anh đã đảm đương vai trò CEO Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group - TTG) từ đầu năm 2014 và là một trong những cái tên được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách “30 Under 30” năm 2015.

TTG là tập đoàn sở hữu thương hiệu Miss Áo Dài, nhiều dự án bất động sản lớn tại Sài Gòn, Hà Nội, trạm dừng chân, khu du lịch. Nguyễn Trung Tín vừa là CEO của TTG, vừa là chủ đầu tư co-working space Dreamplex – nơi Tổng thống Obama nói chuyện với giới trẻ khởi nghiệp trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Mặc dù là con cả của vợ chồng nhà sáng lập Dương Thanh Thủy nhưng Trung Tín không nghiễm nhiên ngồi vào ghế CEO TTG. Sau khi tốt nghiệp đại học Melbourne, Úc và về nước vào năm 2011, vị CEO 29 tuổi này bắt đầu làm việc từ vị trí nhân viên marketing tập sự tại tập đoàn của gia đình rồi tự khởi nghiệp riêng... Nhờ chứng minh được năng lực thực sự nên Tín được cử vào vị trí CEO thay cho bố từ đầu năm 2014.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Nguyễn Trung Tín chia sẻ với chúng tôi về tâm thế của một doanh nhân trẻ thế hệ 8X trong thời điểm đất nước hội nhập và kế hoạch đưa TTG lên sàn chứng khoán trong 5 năm tới.

Là một CEO trẻ, ông có cảm nhận gì trong thời điểm đất nước đang có sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và ngày càng có nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài?

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và được đánh giá là một trong những thị trường kinh doanh hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cho các công ty nội địa. Chắc chắn là việc điều hành công ty không thể như ngày xưa, thời chưa có quy trình rõ ràng mà cần phải chuyên nghiệp hóa hơn.

Theo tôi, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực chính là vấn đề nan giải nhất của các CEO thời hội nhập vì nhân lực là chìa khóa cho mọi thành công của doanh nghiệp. Câu hỏi thường trực cần lời giải là phải chiêu mộ được người tài để xây dựng công ty đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, nơi có thế mạnh vượt trội về tài chính và kinh nghiệm.

Ông làm cách nào để thu hút được người tài và quản lý những nhân sự giỏi, nhiều kinh nghiệm hơn mình?

Để thu hút được nhân tài có 3 vấn đề mà người CEO cần giải quyết. Trước tiên mục tiêu của công ty phải hướng đến việc tạo ra giá trị cho xã hội, làm ra sản phẩm, dịch vụ tốt. Thứ hai là môi trường làm việc phải tạo ra sự tự chủ nhất định cho nhân sự phát huy năng lực. Thứ 3 là người lãnh đạo công ty phải trân trọng những đóng góp của nhân viên và tạo cơ hội cho người tài phát triển sự nghiệp.

Trung Thủy Group xuất phát là một công ty gia đình và hiện đang định hướng thay đổi thành công ty mang tính quốc tế thông qua việc xây dựng chính sách và quy trình làm việc để những người tài có môi trường phát triển.

Quan trọng nhất là tạo ra định hướng cho nhân viên thấy rằng ở công ty này không chỉ người nhà mới có thể thành công và đảm nhận vị trí cao ở công ty này mà tất cả những ai có tâm và có tầm đều có thể làm được.

Trung Thủy có đặt kế hoạch lên sàn chứng khoán trong tương lai?

Theo tôi, mục tiêu IPO nên là định hướng mà tất cả các công ty gia đình như Trung Thủy Group hướng đển vì nó giúp cho các công ty chuẩn hóa mọi quy trình làm việc, nhất là tài chính minh bạch và mọi công việc điều hành phải rõ ràng. Mục tiêu của Trung Thủy Group là trong vòng 5 năm tới sẽ IPO nếu các điều kiện cần và đủ cho phép như tình hình thị trường, kinh doanh, quy mô công ty, vốn… và nếu lúc ấy mình vẫn còn là người điều hành công ty.

Định vị và mục tiêu của tập đoàn Trung Thủy trong ngành bất động sản ra sao và chiến lược để thực hiện như thế nào thưa ông?

Những mảng kinh doanh chính của Trung Thủy Group hiện nay là bất động sản, dịch vụ và một mảng mới là nông nghiệp. Trong đó bất động sản là mảng chính với 70% doanh thu, 20% là nông nghiệp và 10% là dịch vụ.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang có bước chuyển tích cực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tất nhiên điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn như chạy đua xây dựng dự án mới, tiện ích và chính sách ưu đãi khiến cho người CEO công ty bất động sản phải luôn phải băn khoăn suy nghĩ về hướng đi cho các sản phẩm của công ty, làm sao để tạo ra sự khác biệt.

Sắp tới Trung Thủy Group sẽ ra mắt dự án Lancaster Lincoln ở đường Nguyễn Tất Thành quận 4 và Lancaster Legacy trên đường Nguyễn Trãi quận 1 thuộc phân khúc cao cấp. Đây là 2 dự án có các căn hộ office-tel đang là xu hướng mới của thị trường bất động sản, nhiều tiện ích và hy vọng sự được sự đón nhận của khách hàng.

Vừa qua, coworking space Dreamplex do anh đầu tư đã vinh dự chào đón Tổng thống Obama đến thăm, anh có định hướng gì cho ngành kinh doanh này của mình trong thời gian tới?

Sau thành công ban đầu của co-working space Dreamplex ở tòa nhà Miss Áo Dài, dự kiến Trung Thủy Group sẽ tiếp tục ra mắt Dreamplex thứ 2 ở tòa nhà 195 đường Điện Biên Phủ với nhiều điểm khác biệt.

Đây là dự án là Tín rất háo hức và mong muốn đưa vào hoạt động từ tháng 12 này. Tại đây sẽ có 3 tầng không gian làm việc chung cho các startup và công ty với diện tích mỗi tầng khoảng 700 m2.

Bên cạnh đó, không gian tổ chức sự kiện tại DreamPlex 2 sẽ sẽ có sức chứa lớn hơn để phục vụ những buổi hội thảo, giới thiệu sản phẩm... Ngoài ra, sẽ có DreamLabs, nơi được trang bị các máy móc thiết bị để phục vụ cho các mục đích tạo ra sản phẩm mẫu (prototype) và sky lounge ngoài trời trên tầng thượng phục vụ các sự kiện công ty, tổ chức tiệc,...

Chính phủ đang khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ, vậy theo anh đâu là việc cần làm ngay: đầu tư vốn cho startup hay cải thiện môi trường kinh doanh?

Theo tôi, Nhà nước không nên đầu tư trực tiếp vào startup mà nên dành vốn cho các trung tâm hỗ trợ và truyền thông về khởi nghiệp để định hướng cho các bạn trẻ trả lời các câu hỏi như: Vì sao nên khởi nghiệp và khởi nghiệp như thế nào?

Nhà nước nên là người mở đường và để các đơn vị tư nhân tự vận hành thị trường startup vì họ có đủ nhiệt huyết và năng lực để làm điều này. Vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường kinh doanh dễ dàng hơn không chỉ cho startup Việt Nam mà còn để thu hút được các startup từ nước ngoài đến mở công ty, đầu tư vì chi phí nhân sự ở nước ta vẫn còn khá rẻ.

Ý kiến về việc thành lập thị trường chứng khoán riêng cho startup là không khả thi vì nó quá rủi ro. Việc cần làm là đưa ra luật lệ phù hợp về gọi vốn, đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào startup. Có như vậy mới không còn tình trạng chảy máu chất xám startup sang Singapore hay Hồng Kông.

Tìm người thừa kế là vấn đề nan giải của nhiều công ty gia đình, ông có thể chia sẻ vài kinh nghiệm từ chính bản thân mình?

Khi nhận vai trò CEO Trung Thủy Group vào năm 2014, tôi cũng đã từng lo lắng và mất ngủ rất nhiều đêm vì sợ rằng mình không đủ khả năng. Và sau khi làm hơn 2 qua năm thì thấy mình vẫn còn rất thiếu kinh nghiệm, quan hệ xã hội và sự quyết đoán. Tuy nhiên tôi cho rằng các CEO trẻ có thể tìm kiếm những cộng sự để giúp đỡ mình trong điều hành công ty.

Hiện nay tôi đang xây dựng chiến lược thu hút nhân tài, tìm những người có cùng suy nghĩ về kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận bằng chính năng lực chứ không phải manh mún để cùng phát triển Trung Thủy Group. Giúp công ty ngày càng tốt hơn, thay đổi mô hình từ công ty gia đình thành một doanh nghiệp được quản trị tốt.

Lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp nhận việc điều hành công ty gia đình ngay từ khi còn trẻ là đừng ngần ngại vì khi bạn còn trẻ là lúc có nhiều cơ hội để thất bại.

Theo Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM