CBRE: Bất động sản Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh trong năm nay, bất chấp kinh tế Trung Quốc lao dốc

06/05/2016 10:38 AM | Kinh doanh

Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc kỷ lục trong 7 năm qua được cho là gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, theo khảo sát của CBRE, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ vẫn đầy tiềm năng cho sự tăng trưởng.

Theo tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2015 chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Riêng quý IV/2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Tình hình kinh tế trầm lắng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm gây ảnh hưởng bất ổn đến thị trường trong khu vực và toàn cầu, đặc biệt tác động mạnh đến thị trường nguyên vật liệu ở khắp toàn cầu.

Thế nhưng, theo khảo sát mới nhất của CBRE (Công ty tư vấn bất động sản) với hơn 400 nhà điều hành bất động sản toàn cầu, 48% dự đoán bất động sản sẽ hoạt động ổn định trong năm nay.

Các nhà điều hành trên toàn cầu cho rằng các thị trường mới nổi là điểm đến được ưa chuộng cho sự tăng trưởng, trong đó Đông Nam Á và Ấn Độ là những địa điểm hàng đầu để mở rộng kinh doanh.

Ông Henry Chin, Trưởng bộ phận nghiên cứu CBRE châu Á – Thái Bình Dương cho biết, dù nền kinh tế Trung Quốc trầm lắng song khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn mang đến nhiều cơ hội cho các công ty đa quốc gia trong thời gian trung và dài hạn.

Trong đó, thị trường mới nổi như Việt Nam kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng trong năm tới nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục, chu kỳ kinh doanh nội địa đẩy mạnh và môi trường chính sách hỗ trợ. Ân Độ, Philippines cũng được kỳ vọng với mức tăng trưởng mạnh.

Dự đoán này là có căn cứ khi 56% nhà điều hành bất động sản cho biết họ quan tâm đến việc mở rộng danh mục đầu tư công ty trong ba năm tới tại thị trường Đông Nam Á với nhiều cơ hội kinh tế mới.

Ông Phil Rowland, Giám đốc điều hành Bộ phận Giải pháp Chiến lược Môi trường làm việc toàn cầu thuộc CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận định, sự biến động của nền kinh tế thế giới hiện nay là thách thức đối với các nhà điều hành trong việc điều chỉnh chiến lược bất động sản trong dài hạn phù hợp với hoạt động doanh nghiệp trong ngắn hạn.

79% người trả lời cho biết họ đang tích cực áp dụng những cải tiến không gian hiệu quả ‘tiết kiệm tại chỗ’ nhằm quản lý chi phí, kết hợp với chiến lược môi trường làm việc toàn diện và sáng kiến quản lý chi phí chi tiết. Chiến lược môi trường làm việc chịu sự chi phối của chiến lược nhân tài. 55% người trả lời cho rằng việc cộng tác tốt hơn là nhân tố chính trong việc thiết kế và thực hiện chiến lược môi trường làm việc, và 49% cho biết việc thu hút và giữ chân nhân viên là mục tiêu trọng điểm.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM