Câu chuyện về món cơm nắm Onigiri “thần thánh” – Biểu tượng văn hóa ẩm thực và tình cảm của người Nhật

06/09/2016 13:24 PM | Kinh doanh

Mỗi ngày người Nhật dành đến 1,5 tỷ yên chỉ riêng cho onigiri – một con số khủng khiếp.

Hajime Daichi năm nay 25 tuổi. Anh tốt nghiệp đại học cách đây vài năm và hiện giờ cũng giống như nhiều thanh niên Nhật khác, hàng ngày anh lắc lư trên những chuyến tàu vào trung tâm Tokyo và đến chiều về lại cũng trên những chuyến tàu về ngoại thành nơi mình sống. Bởi khoảng cách đi vào trung tâm khá xa như vậy và hàng tối trở về nhà muộn nên việc anh có thể dậy tự chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình gần như rất khó xảy ra.

Sáng sáng, việc rẽ vào cửa hàng tiện lợi mua vài cuộn cơm nắm (onigiri) với ít nước uống đã trở thành thói quen khó thay đổi của Daichi. Với mức lương không quá cao của người trẻ mới đi làm, việc anh phải tiết kiệm chi tiêu nhưng cũng vẫn cần no bụng cũng là điều dễ hiểu, onigiri đáp ứng đầy đủ những nhu cầu đó. Hàng chục triệu người Nhật cả già lần trẻ ăn onigiri mỗi ngày.

Onigiri (お握り) là cơm nắm của người Nhật. Nó thường có hình tam giác hoặc bầu dục và được phủ tảo biển (nori).

Theo truyền thống, onigiri có chứa umeboshi (mơ muối), shake (cá hồi muối), katsuobushi hay các thành phần được muối hay chua khác. Người ta có thể làm nó tại nhà, ăn kèm với soup miso, trứng hoặc rau. Nhưng nếu quá bận rộn, cũng chỉ cần mua và ăn nó tại nơi làm việc, rất nhanh và tiện.

Những nắm cơm nhỏ xinh của người Nhật có lịch sử từ thời kỳ Di Sinh (Yayoi) cách đây hơn 2.000 năm (từ năm 200 trước Công nguyên cho đến năm 250 sau Công nguyên). Từ thời điểm đó, người ta đã nắm lên những nắm cơm tròn từ thứ gạo hơi dính.

Tên gọi onigiri bắt đầu từ thời kỳ Nara (710-794). Từ đó, người Nhật đã bắt đầu mang theo onigiri trong các chuyến đi chơi của mình. Đến thời kỳ Kamakura (1185-1333), các võ sĩ Nhật (samurai) đi ra chiến trường. Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian nhiều thế kỷ trên, người ta không dùng tảo biển để bao cơm nắm.

Đến thời kỳ Edo (1603-1868), người ta bắt đầu dùng tảo biển khô bao quanh onigiri và sau đó bắt đầu làm cơm hộp với onigiri làm thành phần chính. Onigiri có rất nhiều hình dáng khác nhau tùy vào người làm ra chúng, phổ biến nhất là hình tam giác hoặc hình tròn. Onigiri ngon được làm bằng tay tuy nhiên người Nhật sẽ không thích nếu nó được nắm quá chặt.

Thời kỳ Minh Trị Duy Tân, nước Nhật bắt đầu tích cực mở cửa đón văn hóa ngoại lai, đặc biệt văn hóa phương Tây, các cuộc cách mạng nông nghiệp đã giúp sản lượng lúa gạo tại Nhật tăng chóng mặt, nhờ vậy gạo càng giữ vị trí quan trọng hơn trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Nhật.

Cuối thế kỷ 19, nhà ga tàu trên khắp nước Nhật bắt đầu bán bento với thành phần chính là 2 onigiri. Trong chương trình cải cách giáo dục Nhật năm 1899, Bộ Giáo dục Nhật cũng chính thức đưa onigiri vào các bữa trưa. Cho đến tận ngày nay, onigiri vẫn được ăn rất nhiều trong các bữa trưa tại trường học ở Nhật.

Onigiri cũng đi cùng người Nhật qua rất nhiều thảm họa thiên nhiên vốn xảy ra thường xuyên ở nước này. Trận động đất khủng khiếp tại Nhật năm 1995, những người tình nguyện đã phân khối hàng triệu onigiri cho những người đang ở trong tình trạng khó khăn vì thảm họa.

Và trong trận động đất khủng khiếp tháng 3/2011, rất nhiều onigiri cũng đã được đưa đến các vùng cứu trợ giúp cứu đói cho người dân. Chính vì vậy, sẽ không phải quá lời khi mà Makiko Itoh, nhà nghiên cứu văn hóa Nhật nổi tiếng, đã gọi onigiri là người anh hùng thầm lặng.

Dù sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người Nhật trong xu thế Âu hóa đã tiêu thụ nhiều bánh mì hơn thế nhưng đến những năm gần đây, họ thừa nhận giá trị cũng như trở lại tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm từ gạo, trong đó có onigiri.

Món cơm nắm nếu chỉ nghe qua có phần đơn giản, thế nhưng trên thực tế nó có rất nhiều loại khác nhau.

Gạo sản xuất ra onigiri có thể là gạo trắng, cũng có thể là gạo nâu chưa xát với nhiều chất dinh dưỡng. Gạo có thể được nấu cùng với nhiều loại hạt khác nhau để tạo ra màu tím nhạt, cách làm này cũng khiến onigiri rất giàu dinh dưỡng. 4 thành phần chính căn bản của onigiri chính là gạo, muối, nhân tùy ý và tảo biển. Có khi người ta chỉ làm onigiri từ gạo và muối.

Phần nhân của onigiri có thể là thịt gia súc, gia cầm hoặc hải sản, hay rau. Không có công thức nào cố định để làm ra onigiri mà người làm có thể sáng tạo ra bao nhiêu loại tùy thích. Những người ăn kiêng cũng có loại onigiri của riêng họ.

Dù nắm cơm nào cũng là nắm cơm, nhưng nhiều người Nhật tinh ý và khó tính thậm chí chỉ ăn onigiri từ một người làm duy nhất, đó có thể là mẹ, vợ hay một người phụ nữ thân thiết nào đó trong gia đình. Theo lý giải của họ, khi làm onigiri, muối sẽ kết hợp với mồ hôi tay của người phụ nữ làm ra nó, và khi người phụ nữ đó có mồ hôi ngọt cộng với mối liên kết tình cảm, onigiri sẽ mang hương vị riêng khó lòng sản phẩm nào bắt chước được. Thậm chí họ coi onigiri bán ngoài cửa hàng như sản phẩm công nghiệp, hàng loạt không đáng để ăn.

Onigiri được coi như sợi dây liên kết vô hình giữa đứa trẻ và người mẹ của chúng. Với văn hóa phụ nữ làm nội trợ ở Nhật, nhiều trường học không cung cấp bữa ăn cho học sinh mà học sinh sẽ tự mang cơm hộp (bento) ở nhà đến. Và bento đẹp, khéo léo mang đến niềm tự hào, hãnh diện cho mỗi đứa trẻ.

Chính các thầy cô giáo ở trường học cũng theo dõi cực kỳ sát sao hộp cơm của học sinh, và nếu họ thấy hộp cơm làm chưa được đẹp hay không đủ dinh dưỡng, họ sẽ khéo léo đính kèm vào hộp cơm nhiều mẩu giấy nhỏ khuyên mẹ của các em nên làm cơm hợp như thế nào cho ngon và đẹp mắt hơn. Nếu các bạn nhỏ không ăn hết cơm hộp cho mẹ em chuẩn bị, nhà trường sẽ coi nó như lỗi của người mẹ và người mẹ hẳn vô cùng xấu hổ.

Có nhiều loại onigiri như vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi người Nhật thích ăn vị onigiri nào nhất?

Kết quả cuộc khảo sát của My Voice vào năm 2012 cho thấy onigiri cá hồi được nhiều người yêu thích nhất với khoảng 67% người lựa chọn, sau đó đến onigiri trứng cá muối, onigiri cá ngừ sốt mayonnaise và onigiri tảo khô.

Không ít người đặt câu hỏi, vậy mỗi năm người Nhật tiêu thụ hết bao nhiêu onigiri? Trong cuốn sách “Fast Food/slow Food: The Cultural Economy of the Global Food System” được viết bởi tác giả Richard R. Wilk, chỉ riêng hệ thống 7-Eleven mỗi năm bán ra 1,4 tỷ onigiri.

Còn theo một số nhân viên từng làm tại các cửa hàng tiện lợi, một cửa hàng tiện lợi bình thường ở thành phố mỗi ngày cũng bán ra khoảng 300 onigiri, tổng số hiện tại Nhật có hơn 50 nghìn cửa hàng tiện lợi, có nghĩa là mỗi ngày 15 triệu onigiri được bán ra, mức giá thấp nhất khoảng 100 yên/chiếc vậy là mỗi ngày người Nhật dành đến 1,5 tỷ yên chỉ riêng cho onigiri – một con số khủng khiếp.

Đối với người Nhật, onigiri không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa lịch sử dân tộc. Onigiri từng xuất hiện trong nhiều câu chuyện dân gian và phim ảnh nơi onigiri trở thành hiện thân cho tình yêu thương, sự trung thành và phép nhiệm màu của cuộc sống.

Đạo diễn phim nổi tiếng Miyazaki Hayao đã từng lý giải rằng dù là trẻ con hay người lớn, onigiri luôn nhắc người ta nhớ đến những người yêu thương trong gia đình, đặc biệt người mẹ, những người nỗ lực không ngừng để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái, dành cho con tất cả trái tim và nghị lực của mình.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM