Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm

25/04/2019 08:36 AM | Xã hội

Một hòn đảo mà ngay cả dân địa phương cũng ít người biết về nó, và cả những cư dân "lạ" đang bị cách ly trên đó.

Sợ có nhiều kiểu, nhưng có lẽ ai cũng phải đồng tình rằng hòn đảo tên McNeil thuộc bang Washington (Mỹ) là sự đáng sợ ở một đẳng cấp khác. Hòn đảo nhỏ bé bên eo biển Puget Sound chỉ có 214 cư dân, và tất cả là tội phạm tình dục nguy hiểm nhất tại tiểu bang này.

Cách duy nhất để ra vào hòn đảo này là qua một con phà chạy với lịch trình 2h/chuyến. Thế nhưng, có rất ít người biết về sự tồn tại của hòn đảo và những cư dân đặc biệt tại đây, cũng như các luật lệ khiến họ bị giam giữ mãi mãi.

Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm - Ảnh 1.

Đảo McNeil


Kelly Canary là luật sư đại diện cho một số người bị giam trên đảo. Ông cho biết hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy bất ngờ khi biết những tội phạm ở đây dù đã thụ án xong và ra tù, nhưng vẫn không thể rời đảo "trong suốt phần đời còn lại".

Tất cả dân đảo đều là tội phạm tình dục từng bị kết án ít nhất 1 lần, bao gồm các tội danh như hiếp dâm, tấn công tình dục và lạm dụng trẻ em. Không chỉ vậy, tòa án còn kết luận đây là những kẻ có tâm thần không ổn định hoặc bị rối loạn nhân cách, làm tăng khả năng tái phạm các tội về bạo lực tình dục.

214 người hiện tại sống trong SCC (Special commitment center) - trung tâm trên đảo dành cho tội phạm tình dục sau khi thụ án. Thực chất, các trung tâm như vậy có mặt ở quá nửa số bang tại Mỹ, tồn tại như một hình thức bảo vệ cộng đồng và giúp đỡ điều trị tâm lý cho cựu tội phạm tình dục.

Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm - Ảnh 2.

Tuy nhiên, đây cũng là một chương trình đang gây ra nhiều tranh cãi bởi các vấn đề về nhân quyền. Hơn nữa, tác dụng "giữ an toàn" thực sự đến đâu cũng chưa rõ, chỉ biết chi phí để duy trì các trung tâm này là không hề nhỏ. 

Không phải là "tù nhân"

Tất cả những người đang sống ở trung tâm SCC trên đảo McNeil đều được gọi là "dân đảo" chứ không phải tù nhân. Dù vậy thì theo Canary, nó cũng chẳng khác gì một cái nhà tù thực sự khi xung quanh là hàng rào thép gai, còn các tư vấn viên thì lượn đi kiểm tra "cư dân" mỗi giờ để đảm bảo họ không phá luật.

Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm - Ảnh 3.

Những hàng rào kẽm gai giăng xung quanh trung tâm


"Về cơ bản thì mọi chuyện còn tệ hơn khi cứ phải huyễn hoặc rằng đây không phải nhà tù," - Calvin Malone, một "dân" đảo cho biết.

Malone đã từng là một tên tội phạm rất kinh khủng. Trong giai đoạn thập niên 1970 - 1980, gã làm chỉ huy đội hướng đạo sinh tại nhiều tiểu bang, rồi lợi dụng chức vụ ấy để lạm dụng vô số trẻ em.

Gã Malone năm ấy phải nhận bản án 20 năm tù giam, và trong thời gian bị kết án đã nghiện heroin.

Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm - Ảnh 4.

Calvin Malone


"Tôi đã từng chẳng bận tâm đến bất kỳ điều gì - ít nhất là cách tôi thể hiện ra ngoài."

Những năm trong tù, Malone học về Phật giáo và thiền định, kết hợp với các liệu pháp điều trị về tấn công tình dục. Malone cho biết nhờ vậy, y có thể thay đổi nhận thức về bản thân, và về những tội lỗi đã gây ra.

Y không còn thấy xấu hổ nữa, mà tất cả chỉ là sự hối hận.

"Ân hận là khi bạn hiểu về những gì đã làm và những thứ đã đánh mất. Tôi thực sự rất hối hận."

Sự ra đời của những "nhà tù" kỳ lạ đang gây tranh cãi

Trung tâm SCC của Washington thực sự là một nơi đặc biệt. Không chỉ là một cơ sở nằm ngoài đảo, mà vì đây là trung tâm đầu tiên của chương trình này.

Ngày 26/9/1988, Gene Raymond Kane bị kết án với tội danh bắt cóc, cưỡng hiếp và giết người. Nạn nhân của gã là một phụ nữ 29 tuổi, tên Diane Ballasiotes. Một tội ác quá lớn, nhưng những gì Kane phải nhận lại là một bản án đi kèm trong chương trình "work release" - chương trình cho phép gã rời nhà tù, tiếp tục công việc vốn có rồi quay lại sau khi hết giờ làm việc.

Thảm kịch của Ballasiotes, cộng thêm 2 vụ tấn công tình dục kinh khủng khác cùng thời điểm đã khiến công chúng phải nổi giận. Thống đốc bang vì thế đã phải ký "Đạo luật Bảo vệ cộng đồng" vào năm 1990 với các điều khoản nhắm thẳng đến tội phạm tình dục.

Các bản án trở nên cứng rắn hơn, tội phạm tình dục bị yêu cầu phải lưu vào dữ liệu. Nhưng quan trọng nhất, đạo luật cho phép các cơ quan quản chế vô thời hạn đối với tội phạm tình dục nếu như tòa án tin rằng họ vẫn là mối đe dọa với cộng đồng. 

Đạo luật sau đó được 19 tiểu bang khác áp dụng. Hiện tại, các trung tâm như SCC đang giữ khoảng 5.200 người - theo số liệu của một bản khảo sát vào năm 2017. Phân nửa số đó có điều khoản cho phép quản chế trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, tranh cãi bắt đầu xảy ra, khởi nguồn từ cái gọi là "tiêu chuẩn đánh giá". Theo tiến sĩ Shan Jumper - chủ tịch SOCCPN (Mạng lưới các chương trình cam kết tội phạm tình dục dân sự), rất nhiều trường hợp tội phạm hiếp dâm chỉ bị xét là "lệch lạc tình dục" đơn thuần. Lý do là bởi họ không có tiêu chuẩn riêng, dẫn đến tính chính xác khi đánh giá bị sai lệch.

Thứ 2, các đạo luật này đòi hỏi phải dự đoán khả năng phạm tội của một người. Để làm được, họ phải sử dụng thang thẩm định rủi ro (Actuarial), giống như cách các công ty bảo hiểm vẫn dùng khi bán sản phẩm cho người tiêu dùng vậy.

Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm - Ảnh 5.

Kết quả từ các đánh giá này, cộng thêm bằng chứng từ các nhà tâm lý học sẽ được trình lên tòa án, và từ đây họ sẽ xác định tội nhân có đáp ứng đủ tiêu chí để không gây hại cho xã hội hay không. Tuy nhiên, các công cụ này nếu dùng để tính toán rủi ro cá nhân thì quả thực là chưa đủ, lại dễ bị ảnh hưởng bởi cảm tính cá nhân.

Thứ 3 là chi phí cho các cơ sở này là không hề nhỏ. Riêng tại SCC của Washington đã ngốn $185.136/người trong năm 2018. Con số này cao gấp 5 lần so với các nhà tù thông thường.

Và cuối cùng là tính "cần thiết" của chương trình cũng được đặt dấu hỏi. Theo thống kê của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, chỉ 5,6% các trường hợp tội phạm tình dục bị bắt lại trong vòng 5 năm sau khi ra tù, trong khi các loại hình tội phạm khác thì cao hơn rất nhiều - lên đến 44% cho tội trộm cướp, và 33% cho tội phạm ma túy.

"Nhiều người cho rằng tội phạm tình dục có mức độ nguy hiểm cao hơn. Kỳ thực thì phần lớn họ không thực sự nguy hiểm như vậy đâu," - tiến sĩ Michael Miner, giáo sư về Tình dục học tại ĐH Minnesota chia sẻ. Bản thân ông cũng đặt nhiều câu hỏi về quá trình giam giữ dân sự này.

Không chỉ là giam giữ

Với các trung tâm như SCC, họ không chỉ đơn thuần cách ly tội phạm tình dục, mà còn đem đến cho họ cơ hội được điều trị nhằm xóa bỏ các suy nghĩ tiêu cực. Tại đây, họ được khuyến khích tiết lộ về sự lệch lạc tình dục của mình để các chuyên gia nắm bắt, thấu hiểu rồi từ đó nhắm đến các yếu tố khiến họ tăng nguy cơ tái phạm. 

Theo bác sĩ Elena Lopez, trưởng nhóm điều trị nội trú tại trung tâm ở đảo McNeil: "Chúng tôi hướng đến những gì có thể thay đổi, và mỗi người mỗi khác. Có những thứ được xem là rào cản bên trong như tính cách động lực, tình trạng sức khỏe, sự căng thẳng."

Câu chuyện về hòn đảo kinh hoàng nhất thế giới: Toàn bộ cư dân là tội phạm tình dục nguy hiểm - Ảnh 6.

Bác sĩ Elena Lopez - trưởng nhóm điều trị nội trú tại trung tâm đảo McNeil


Tất cả các trung tâm như SCC đều cung cấp chương trình điều trị, nhưng không bắt buộc. Hiện tại trên đảo McNeil, có khoảng 62% cư dân tham gia.

"Đây có thể là thách thức nhưng cũng rất bổ ích, đặc biệt là khi có những thay đổi nhỏ dần xảy ra theo thời gian. Tôi rất tự hào khi biết rằng minh có thể giữ an toàn cho cộng đồng, đồng thời giúp mọi người thay đổi cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa," - Lopez chia sẻ.

Cơ hội nào cho tội phạm tình dục?

Trên thực tế thì một khi đã bị gắn mác tội phạm tình dục và bị kết án ở một trung tâm như SCC, cơ hội được thả ra để hòa nhập với cộng đồng là thực sự khó.

Tại hầu hết các tiểu bang, những "người dân" sống trong các trung tâm này có quyền được xem xét mỗi năm 1 lần. Tòa án sẽ dựa trên lịch sử phạm tội và tiến trình chữa trị mà quyết định họ có được thả ra hay không.

Ở SCC, việc đánh giá này sẽ do một nhóm pháp y đảm nhận. Họ sẽ xem xét các tài liệu, phỏng vấn tội phạm, bác sĩ điều trị, áp dụng cả máy nói dối và công cụ đo thể tích dương vật để xác định tình trạng hưng phấn. Kết quả sau đó được chuyển lên tòa án để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Tuy nhiên, việc để một kẻ từng phạm tội tình dục trở về với cộng đồng là một cuộc chiến không đơn giản - luật sư Canary cho biết.

Hình dung câu chuyện như sau: người phạm tội được khuyến khích tiết lộ tất cả trong quá trình điều trị, nhưng mọi thứ họ tiết lộ thực chất đều có thể dùng làm bằng chứng. Ngoài ra, chìa khóa của quá trình điều trị đôi khi là khiến họ phải tự nhận thức rằng bản thân là mối đe dọa với cộng đồng, để có thể kiểm soát tốt hơn. 

Nhưng tòa án thì không thích điều đó. "Một khi bồi thẩm đoàn nghe thấy tội phạm tự nhận mình là mối đe dọa, thì rất khó để thả họ ra." - trích lời Canary.

Theo quy định, một người bị giam giữ trong các trung tâm như SCC sau khi được xem xét có thể nhận được các biện pháp quản chế nhẹ nhàng hơn, thậm chí là được thả ra. Tuy nhiên số liệu thực tế cho thấy con số này là rất thấp.

Trung bình, mỗi trung tâm có khoảng 260 người. Trong tổng cộng 16 bang, số người được phóng thích trên mỗi cơ sở chỉ là 7 người/năm. Trong đó, có 5 tiểu bang có số tội nhân được thả thấp hơn 1 người. Những con số quá nhỏ cũng khiến việc nghiên cứu tính hiệu quả của chương trình trở nên khó khăn hơn.

Về phần Malone, y thậm chí còn không tham gia điều trị nữa. Ở tuổi 60, Malone cho biết mình muốn tập trung vào những điều giúp cuộc sống trên đảo McNeil trở nên tốt hơn.

"Tôi đã chấp nhận sự thật rằng đây là nơi định cư cuối cùng, nơi tôi có thể nhắm mắt xuôi tay. Điều duy nhất tôi muốn làm là hướng đến tương lai, thay vì nghĩ về những điều đã xảy ra hàng thập kỷ trước. Việc hồi phục và tái hòa nhập sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong quá khứ."

Tham khảo: The Guardian

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM