Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói

03/02/2018 10:15 AM | Công nghệ

Trong khi đang là người dẫn đầu Trung Quốc về nhận diện giọng nói, iFlytek vẫn còn khá vô danh ở thị trường nước ngoài, và họ hy vọng thay đổi điều đó trong tương lai.

Tại hội chợ CES ở Las Vegas trong tháng này, công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc, iFlytek lần đầu tiên có được một quầy hàng riêng mình, nơi đám đông tò mò có thể dùng thử hệ thống dịch bằng AI của họ và các công nghệ khác.

Mục đích là rất rõ ràng.

Thời điểm để công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng trong đời sống thực đã tới.” Liu Qingfeng, chủ tịch iFlytek, cho biết vào ngày 9 tháng Một vừa qua, khi ông tiết lộ việc hợp tác với công ty công nghệ Mỹ, Nvidia. “Nếu xét đến việc chúng tôi đã nhận được những lời đề nghị hợp tác từ hơn 100 công ty trên thế giới, đã đến lúc chìn muồi để chúng tôi nhìn ra xa hơn ngoài biên giới của mình.”

iFlytek: thống trị Trung Quốc, vô danh ở nước ngoài

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 1.

iFlytek là công ty dẫn đầu Trung Quốc về công nghệ nhận diện giọng nói, và đã thống trị phân khúc này với hơn 70% thị phần. Dù vậy, cho đến nay, thị trường nước ngoài chỉ chiếm chưa tới 1% doanh số của họ. Giờ đây, công ty đang tìm cách thay đổi điều đó.

Trong những năm gần đây, iFlytek bắt đầu tiến hành thâm nhập các thị trường nước ngoài, mở một văn phòng ở Thung lũng Silicon, tìm kiếm các mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài và hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu.

iFlytek bắt đầu thu hút sự chú ý từ bên ngoài Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái sau khi họ xếp hạng 6 trong danh sách “50 công ty thông minh nhất 2017” do MIT Technology Review, một tạp chí do Học viện Công nghệ Massachusetts phát hành.

Hiện công ty đang được xếp hạng cao hơn ba công ty internet lớn nhất Trung Quốc – Baidu, Alibaba Group Holding và Tencent Holdings – những công ty có giá trị vốn hóa thị trường tương ứng lên tới 88 tỷ USD, 506 tỷ USD và 556 tỷ USD. So với họ, iFlytek chỉ như chú lùn với giá trị vốn hóa chỉ 13 tỷ USD.

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 2.

Tuy nhiên, tăng trưởng của iFlytek lại không hề thua kém so với những người đồng hương khổng lồ của mình. Giá trị của iFlytek đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, trong khi đó chỉ số Shenzhen Composite lại sụt giảm 3,5%.

Thị trường dường như vẫn đang trên đà gia tăng trong tương lai. Eric Qiu và Ronnie Ho, hai nhà phân tích tại CCB International, cho rằng công ty “có khoảng trống phía trước cho tăng trưởng khi họ tiến sâu vào ngách của một lĩnh vực công nghệ mới phát triển, nhưng có tiềm năng lan rộng ra toàn ngành công nghệ.” Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu của họ cũng nhấn mạnh đến việc cổ phiếu công ty vẫn đang được đánh giá ở mức “triển vọng cao” với mức giá kỳ vọng là 66 NDT/cổ phiếu, cao hơn 9% so với mức giá đóng cửa ngày thứ Ba tuần trước.

Việc các nhà đầu tư toàn cầu quan tâm đến iFlytek được phản ánh qua việc mua ồ ạt cổ phiếu công ty qua chương trình kết nối cổ phiếu giữa Hồng Kông và Thâm Quyến, nơi công ty niêm yết. Công ty chứng khoán Hong Kong Securities Clearing hiện là cổ đông lớn thứ năm của công ty, với việc sở hữu 1,32% cổ phần vào cuối tháng Chín vừa qua, nhưng các cập nhật mới nhất trên sàn giao dịch Hong Kong cho thấy, con số này đã tăng lên 1,5% vào thứ Ba tuần trước.

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 3.

Tham vọng muốn cả thế giới có thể lắng nghe tiếng nói của họ

Tham vọng của iFlytek có thể nhìn thấy rõ nhất trong trụ sở chính của họ tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Hành lang công ty treo một tấm biển hiệu kêu gọi phát triển ngành công nghệ Trung Quốc, giới thiệu về chương trình 863 của chính phủ vào tháng Ba năm 1986 do ông Đặng Tiểu Bình, người đứng đầu cuộc cải cách kinh tế đất nước, phê duyệt.

Trên sàn tầng 2 của tòa nhà là các bức ảnh cho thấy, những vị lãnh đạo hàng đầu của iFlytek chụp chung với những người lãnh đạo chính phủ hiện tại, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Uông Dương.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, do chính phủ thành lập năm 1958, đã trở thành cái nôi cho sự ra đời của iFlytek. Công ty được thành lập năm 1999 do ông Liu cùng 18 sinh viên đã tốt nghiệp và cựu sinh viên của trường này, với mong muốn có thể bắt kịp và thậm chí thách thức các người khổng lồ công nghệ của Mỹ như IBM và Microsoft.

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 4.

Ông Liu Qingfeng, chủ tịch iFlytek.

Một thời gian ngắn sau đó, công ty đủ điều kiện nhận được hỗ trợ của chính phủ theo chương trình 863, bao gồm số tiền 1,5 triệu NDT (tương đương 237.000 USD theo tỷ giá quy đổi hiện tại) dành cho nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng cường uy tín để mở ra các mối quan hệ kinh doanh mới với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.

Một ví dụ nổi bật là thỏa thuận vào năm 2000 với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies. iFlytek phát triển một hệ thống dành cho các nhà điều hành trung tâm tổng đài, để cùng chào hàng với Huawei.

Vào năm 2001, số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói của iFlytek đã vượt quá 100 và họ bắt đầu nhận được tài trợ từ bộ phận đầu tư của Lenovo Group. iFlytek cũng đã ra mắt hàng loạt dự án hợp tác phát triển với các trường đại học và các viện nghiên cứu để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Công ty cũng đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi về nhận diện. Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 11 về Dịch Ngôn ngữ Nói tổ chức ở Mỹ vào năm 2014, iFlytek đã giành vị trí thứ nhất cho công nghệ dịch Anh-Trung và Trung-Anh, đánh bại các trường đại học và các viện nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này, bao gồm cả MÍT và Học viện Quốc gia về Công nghệ Thông tin và Viễn thông Nhật Bản. Họ cũng đứng vị trí số một trong cuộc thi máy dịch do Học viện Quốc gia về Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ tổ chức năm 2015.

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 5.

Phần lớn các dịch vụ nhận diện giọng nói của iFlytek được cung cấp qua internet, và những hệ thống này hiểu được văn bản bằng cách sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn.

Ngoài tiếng Trung Quốc phổ thông, hay Mandarin, dịch vụ nhận diện giọng nói của công ty giờ đây còn có cả các tiếng địa phương, bao gồm cả tiếng Quảng Đông và Thượng Hải, với độ chính xác theo tuyên bố của công ty lên đến hơn 95%. Số lượng smartphone và các thiết bị khác trang bị công nghệ nhận diện giọng nói của iFlytek đã vượt quá con số 1,2 tỷ thiết bị.

Danh sách khách hàng của iFlytek là một hàng dài các công ty nổi tiếng của Trung Quốc. Bên cạnh những người khổng lồ internet như Tencent, Alibaba và JD.com, còn có các khách hàng viễn thông như, China Mobile – cổ đông lớn nhất của iFlytek với 12,9% cổ phần, China Unicom và China Telecom, sử dụng công nghệ của iFlytek cho các trung tâm tổng đài của họ.

Các khách hàng khác còn có cả các nhà sản xuất smartphone như Huawei, Xiaomi, Lenovo và ZTE; nhà sản xuất đồ điện tử tiêu dùng Haier, TCL, Hisense và Skyworth; các công ty bảo hiểm như Ping An Insurance (Group) và Công ty bảo hiểm nhân dân Trung Hoa; các ngân hàng như Bank of China, ngân hàng Công Thương Trung Quốc ICBC, ngân hàng Xây dựng Trung Quốc CCB và ngân hàng Bank of Communications.

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 6.

Tất nhiên, điều đặc biệt quan trọng cho các công ty trí tuệ nhân tạo là dữ liệu, thứ sẽ giúp họ trở nên cạnh tranh hơn. Và với danh sách dài các khách hàng của iFlytek sẽ cho phép họ được truy cập vào những lượng dữ liệu khổng lồ. Mối quan hệ tốt đẹp của họ với chính phủ Trung Quốc còn giúp họ củng cố hơn nữa sức mạnh công nghệ của mình.

Trong tháng Mười Một, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một lực lượng đặc biệt để xúc tiến kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo của mình và giao phó cho iFlytek dẫn đầu trong việc khai thác các ứng dụng của công nghệ nhận diện giọng nói. Công ty cũng thiết lập nên một liên minh công nghệ với Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin để hỗ trợ cho các startup liên quan đến AI.

Hoạt động kinh doanh nước ngoài của iFlytek từ lâu đã tập trung vào nghiên cứu và phát triển, với ngân sách dành cho đầu tư chiếm khoảng 25% doanh số. Năm 2016, họ mở một văn phòng ở Thung lũng Silicon. Họ cũng bắt đầu hợp tác nghiên cứu với Viện Công nghệ Georgia, cho dù thông tin chi tiết không được công bố.

Trước khi bắt tay với NVIDIA, iFlytek đã tăng tốc phát triển công nghệ nhận diện giọng nói của mình nhờ cộng tác với IBM và Intel. Giờ đây, công nghệ nhận diện giọng nói của họ đã có mặt trong các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Pháp và Hàn Quốc.

Câu chuyện về công ty ít tiếng tăm của Trung Quốc với tham vọng đuổi kịp Google và Microsoft về nhận diện giọng nói - Ảnh 7.

Trong ngành công nghiệp ô tô, iFlytek đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô Đức như Daimler, BMW và Volkswagen, cũng như Toyota Motor của Nhật Bản, nhưng những thỏa thuận này chủ yếu là các hệ thống điều hướng ô tô dành cho những phương tiện bán ở Trung Quốc. Giờ đây họ đang xem xét tìm kiếm các mối quan hệ để bán các hệ thống dành cho ô tô trên toàn cầu.

Trong khi sự hiện diện của công ty ở Trung Quốc là điều rất rõ ràng, nhưng đối với thị trường bên ngoài, đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Google, Microsoft và Apple là những người dẫn đầu toàn cầu về công nghệ nhận diện giọng nói, trong khi thị phần iFlytek vẫn chưa đạt tới hai chữ số.

Không giống như ở quê nhà, iFlytek không thể nhận được bất kỳ sự hỗ trợ hay ưu đãi nào từ các chính phủ nước ngoài. Thêm vào đó, nhiều khách hàng nước ngoài vẫn còn rất thận trọng với các công ty Trung Quốc.

Tại trụ sở của iFlytek ở Hợp Phì, một tấm biển khác hiển thị nổi bật dòng chữ: “Hãy để thế giới lắng nghe tiếng nói của bạn.” Nhưng liệu thế giới bên ngoài có lắng nghe được tiếng nói đó hay không sẽ là một phép thử thực sự đối với sức mạnh của iFlytek.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM