Câu chuyện ngụ ngôn từ đức Đạt Lai Lạt Ma này có thể thay đổi hoàn toàn phong cách quản trị của bất kỳ doanh nhân nào!

04/04/2017 10:55 AM | Kinh doanh

Chỉ nhờ vào câu chuyện ngụ ngôn ngắn này mà quản lý cao cấp của LinkedIn thay đổi hẳn phong cách quản trị của mình.

Đôi khi chỉ một câu chuyện nhỏ cũng hoàn toàn có thể thay đổi cách tư duy của mỗi cá nhân. Quản lý cao cấp Mike Gamson đã được CEO LinkedIn là Jeff Weiner thay đổi bằng một câu chuyện như vậy…

Mike Gamson là một trong số quản lý cấp cao nhất của mạng xã hội LinkedIn. Chịu trách nhiệm chính trong việc quản trị nhân tài toàn cầu, đặc biệt ở các mảng marketing, bán hàng, Gamson hiện đang quản lý hơn một nửa trong số 10.000 nhân viên của LinkedIn.

Làm việc trực tiếp với CEO Jeff Weiner, Gamson cho biết anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong cách quản trị của vị CEO này, đặc biệt từ sau cuộc gặp mặt đầu tiên, khi Weiner kể cho Gamson câu chuyện ngụ ngôn từ Đạt Lai Lạt Ma…

Jeff Weiner được nhà sáng lập LinkedIn – Reid Hoffman – tuyển vào vị trí CEO thay thế cho Dan Nye cuối năm 2008. Ở thời điểm đó, Nye không chỉ là người trực tiếp tuyển Gamson vào LinkedIn mà còn là một người bạn, người thầy rất thân thiết với anh. Do vậy, không khó hiểu khi anh không thực sự vui vẻ khi Nye bị buộc phải rời khỏi công ty mình đang điều hành để nhường chỗ cho một nhân tố mới.

Cùng thời gian này, Gamson cũng đang chịu rất nhiều sức ép khi vợ mới sinh nhưng bản thân anh lại liên tục phải đi công tác khắp nơi trên thế giới. “Vậy nên khi bay tới gặp Jeff, tôi thực sự cảm thấy không ổn” – Gamson trả lời phỏng vấn Business Insider.

Trên thực tế, khi bước vào văn phòng của Weiner, dù vẫn có cảm giác thân thuộc như thể nó vẫn thuộc về Nye, Gamson hoàn toàn không lường trước được cuộc hội thoại sắp tới sẽ thay đổi anh thế nào.

Sau màn chào hỏi, vị tân CEO hỏi Gamson về phong cách lãnh đạo anh muốn theo đuổi. Trả lời câu hỏi này, Gamson nói:

“Tôi muốn trở thành một nhà lãnh đạo biết đồng cảm và đang cố gắng học cách đồng cảm với mọi người”.

“Tại sao lại là đồng cảm mà không phải là biết cảm thông?” – Weiner hỏi.

Khi Gamson thú nhận rằng anh không hiểu được sự khác biệt giữa hai khái niệm rất giống nhau này, Weiner liền kể cho anh một câu chuyện ngụ ngôn của Đạt Lai Lạt Ma để làm rõ hơn ý đồ của mình. Và đây là câu chuyện đã thay đổi căn bản cách thức quản trị của Gamson sau này:

Một người đàn ông bị đá đè đang nằm bên lề đường. Người đồng cảm đi qua, cảm nhận nỗi đau sâu sắc tới mức khóc lóc trong đau đớn và không thể tìm cách giúp đỡ người bị nạn. Người biết thông cảm thì ngược lại, anh ta đi qua, thấu hiểu nỗi đau, muốn giúp đỡ nhưng vẫn đủ tỉnh táo là chính mình để có thể thiết lập kế hoạch giải cứu nạn nhân xấu số. Vậy thì ai sẽ là người có ích hơn?

Bài học ở đây là:

Đồng cảm là có thể thấu hiểu hoàn cảnh của ai đó như thể cảm xúc của chính mình; Còn có lòng trắc ẩn đối với bất kỳ ai là khi bạn biết tách tách bạch giữa cảm xúc và lý trí, không để bản thân bị ảnh hưởng khi đối mặt với nỗi đau của người khác.

Tốt hơn hết trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta nên trở thành một người biết cảm thông và có lòng từ bi. Có như vậy khi đối mặt với cảnh ngộ khó khăn của bất kỳ ai, bạn sẽ không bị lung lay, mất ổn định.

Và đó là lý do tại sao là một nhà lãnh đạo, bạn nên biết cảm thông với nhân viên thay vì đồng cảm với họ!

“Một nhà quản lý sẽ luôn luôn phải đương đầu với những trường hợp đầy căng thẳng. Bất cứ khi nào, một nhân viên bối rối và bế tắc về cuộc đời mình cũng có thể xuất hiện với hy vọng xin được một lời khuyên. Người lãnh đạo đồng cảm sẽ làm điều anh ta giỏi nhất – đồng cảm với nhân viên – và kết quả là, chúng ta có hai con người “xúc động” khó có khả năng giải quyết vấn đề. Trái lại, nếu người lãnh đạo hiểu hoàn cảnh của nhân viên, biết nhìn từ góc nhìn của họ nhưng vẫn giữ được sự khách quan và tỉnh táo, anh ta chắc chắn sẽ đưa ra được những lời khuyên bổ ích.

Để chứng minh tại sao biết cảm thông lại tốt hơn cho công việc, Gamson kể lại cuộc thảo luận giữa anh và Weiner về hợp đồng lớn nhất của LinkedIn cho tới thời điểm hiện tại:

“Khi tôi đang giải thích cho Jeff về các điều khoản trong thỏa thuận, anh ấy chỉnh lại tôi và nói, ‘Chúng ta phải đặt bản thân mình vào vị trí của đối tác để xác định đâu sẽ là cách khiến cho thỏa thuận này là tốt nhất với cả hai bên. Bởi lẽ, sẽ không thể có một mối quan hệ tốt đẹp lâu dài nếu giá trị không được phân phối đồng đều cho cả hai phía’.”

Quan điểm của Weiner là giá trị lâu dài không thể bị đánh đổi bởi những nguồn lợi trước mắt. Anh cho rằng xây dựng mối quan hệ với khách hàng dựa vào sự thông cảm là cách thức hiệu quả để đảm bảo điều này.

Vậy là, ngày đầu tiên gặp gỡ Weiner tưởng chừng như sẽ rất sóng gió thì trái lại, lại thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Gamson. Anh kể lại:

“Sau khi kết thúc cuộc gặp mặt, tôi nhận ra rằng mình thực sự may mắn mới có thể gặp được một người tôi có thể học hỏi. Cả cuộc đời tôi luôn cố gắng tìm kiếm những người có thể dạy tôi những điều mới lạ, và Jeff là một người như vậy.”

Her Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM