Xây tháp truyền hình: Tư duy không theo kịp thời cuộc?

05/03/2016 19:57 PM | Kinh doanh

Dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV là một trong những dự án "khủng" gây nhiều tranh cãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây. Phản ứng của dư luận, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hầu hết đều không đồng tình hoặc nghi ngờ tính khả thi của dự án.Tựu trung lại, những câu hỏi lớn mà dư luận đang đặt ra là: Xây tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm gì? Vì ai?

Lỗi thời

Được biết, chủ trương này đã có trong quy hoạch phát thanh truyền hình từ năm 1995 về xây tháp truyền hình đa mục tiêu. Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 29-2 vừa qua, trả lời về việc VTV trình Chính phủ xây dựng tháp truyền hình có kinh phí khoảng 1,3-1,5 tỉ USD, Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định cũng khẳng định: “Chủ trương xây tháp truyền hình có từ văn kiện Đại hội 8”.

Tuy nhiên, rà soát nội dung báo cáo Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000 (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng) ở mục 8 "Chương trình giải quyết các vấn đề văn hoá - xã hội", chỉ thấy có đoạn ghi: "Từng bước hiện đại hoá các ngành phát thanh, truyền hình, điện ảnh, in, xuất bản.

Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh và truyền hình, tăng công suất phát sóng truyền thanh, truyền hình, kể cả ra nước ngoài. Đến năm 2000, phấn đấu để có khoảng 80% số hộ có thể xem truyền hình Trung ương; 95% số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam".

Năm 1997, VTV mới trình dự án xây dựng tháp cao 350m nhưng do ngân sách khó khăn nên Chính phủ ưu tiên các mục tiêu khác.

Ở thời điểm đó thì có thể coi đây là một dự án khả thi, nhưng 20 năm sau (2016) thì nó đã là một dự án quá lạc hậu. Trong khoảng hai thập kỉ đó, công nghệ truyền thông nói chung và truyền hình nói riêng đã phát triển như vũ bão. Thời của những cột tháp phát thanh và truyền hình đồ sộ, cao ngất ngưởng đã qua rồi. Thế giới đã chuyển sang thời của truyền hình kỹ thuật số truyền tín hiệu bằng cáp hoặc vệ tinh.

Vì sao VTV vẫn muốn khởi động dự án?

Thông tin cho hay, dự án sẽ được triển khai tại khu vực trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc ranh giới phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 14,1ha. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới, “vượt mặt” tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản hiện cao 634m. Nghe thật sướng tai!

Nhưng cái tháp chưa phải là quan trọng nhất, hay nói cách khác, nó là "cầu nối" để hiện thực hóa những tham vọng khác. Đó là phần được gọi bằng cụm từ rất khiêm tốn: "Khối phụ trợ" bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.

"Khối phụ trợ" cùng với tháp chính được VTV đề xuất với Chính phủ được hưởng chế độ ưu đãi như vùng… đặc biệt khó khăn: “VTV đã xin cho Dự án Tháp truyền hình được miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng phải hoàn trả lại Nhà nước... ngoài ra còn đề xuất miễn, giảm một số loại thuế khi thực hiện dự án này”.

Vậy là đã rõ, vì sao người ta quyết tâm thực hiện dự án, cho dù cái tháp khổng lồ ấy sau khi xây xong chỉ có ý nghĩa cao… nhất thế giới!

Theo Nguyễn Duy Xuân

Cùng chuyên mục
XEM