Xây tháp truyền hình là khoản đầu tư sinh lời tốt hơn chúng ta tưởng

19/02/2016 09:00 AM | Kinh doanh

Đối với nhiều nhà đài, tháp truyền hình là một nguồn thu nhập tiềm năng mà xã hội vẫn chưa thực sự nhận thức được. Hiện nhiều tháp truyền hình vẫn bị coi là gánh nặng hơn là một loại tài sản đem lại thu nhập cho nhà đài, và đây có thể là một sai lầm lớn.

Khi các nhà đài lên kế hoạch về những nguồn thu, danh sách thường khá ngắn, chủ yếu đến từ quảng cáo truyền thống, quảng cáo trực tuyến hay một số loại quảng cáo khác.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà đài, tháp truyền hình là một nguồn thu nhập tiềm năng mà xã hội vẫn chưa thực sự nhận thức được.

Một đài truyền hình muốn tìm kiếm nguồn doanh thu mới, việc xây dựng tháp truyền hình và cho thuê không gian trong tháp là một lựa chọn không tồi. Nguồn thu nhập này khá ổn định và cũng không ảnh hưởng đến mục đích ban đầu xây dựng tháp.

Những công ty viễn thông và dịch vụ Internet sẵn sàng trả rất nhiều tiền để thuê một chỗ trong tháp truyền hình nhằm tận dụng cấc thiết bị không dây tại đây để tăng cường chất lượng dịch vụ của họ.

Tại Mỹ, thông thường các công ty sẵn sàng chi 1.000 - 4.000 USD mỗi tháng cho một chỗ trong tháp truyền hình và hợp đồng thường được gia hạn trong khoảng 25-30 năm, qua đó tạo nguồn thu khá ổn định cho nhà đài.

Nguyên nhân cho nhu cầu trên rất đơn giản, càng có nhiều trạm phát sóng cao như tháp truyền hình thì độ phủ sóng cũng như chất lượng của các công ty viễn thông càng được cải thiện.

Việc hợp tác giữa đài truyền hình và các công ty viễn thông sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Phía viễn thông có thể tiết kiệm được chi phí xây dựng các tháp truyền tín hiệu trong khi phía nhà đài nhận thêm được một nguồn thu ổn định.

Theo hãng tin Financial Times, việc đầu tư xây dựng tháp truyền hình hiện đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư muốn chuyển vốn vào những tài sản có lợi nhuận cố định dài hạn.

Tuy nhiên, một số nhà đài không muốn chia sẻ tháp truyền hình với những công ty viễn thông khác vì lo ngại ảnh hưởng đến tín hiệu trạm. Dẫu vậy, những công nghệ kỹ thuật hiện nay có thể giải quyết được vấn đề này.

Ngoài ra, các tháp truyền hình có thể cung cấp nhiều loại hình dịch vụ và cho thuê khác nhau để tăng doanh thu, như cho thuê cửa hàng ăn uống, mua sắm, bán vé cho khách du lịch...

Nếu xét về số tháp truyền hình hiện nay, Mỹ là quốc gia có nhiều nhất với 80% lượng tháp truyền hình được xây dựng tại đây. Đứng thứ 2 là Hà Lan và Anh đứng thứ 3.

Hiện Tokyo Skytree là tòa tháp cao nhất thế giới với 634 m, chi phí xây dựng khoảng 65 tỷ Yên. Ngoài công dụng truyền tín hiệu kỹ thuật số chính, tòa tháp này còn cho thuê nhiều cửa hàng triển lãm, nhà hàng, quán cà phê... Giá vé vào cửa khoảng 150-2.500 yên.

Trong khi đó, tháp truyền hình Berlin-Đức cao 368m được coi là biểu tượng của quốc gia và thu hút 1,2 triệu lượt khách mỗi năm với giá vé 15-23 Euro. Như vậy nếu tính riêng doanh thu vé vào cửa, tháp truyền hình này đã thu về khoảng 18-28 triệu Euro mỗi năm.

Tháp truyền hình CN ở Toronto của Canada cao 553m có khoảng 1,5 triệu lượt khách với vé vào cửa 22-29 đô la Canada, tương đương doanh thu 33-44 triệu đô la Canada mỗi năm.

Còn tại Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và đối tác đang có kế hoạch xây dựng tòa tháp 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án này sẽ vào khoảng 1,3 - 1,5 tỉ USD.

Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM