Xanh hóa ngành công nghiệp thời trang

13/06/2012 17:02 PM |

Được liệt vào một trong những ngành gây ra ô nhiễm nặng nề nhất cho Trái Đất, công nghiệp thời trang hiện đã thay đổi để phát triển bền vững.

Tại Đan Mạch mới đây, các nhà quản lý thời trang đã đưa ra một chiến dịch truyền thông xã hội tên là NICE, nhằm vận động các nhà sản xuất lưu tâm hơn tới phát triển bền vững trong công nghiệp thời trang. Và các kênh vận động chính là Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác.

Ngành dệt hiện cung cấp 2 loại sợi chính cho công nghiệp may, đó là sợi tự nhiên từ bông, đay, gai và sợi nhân tạo. Sợi nhân tạo mặc dù giá rẻ nhưng khó phân hủy, tái chế và quá trình sản xuất gây ra ô nhiễm. Sợi ny-lon mất tới 40 năm để phân hủy hoàn toàn và quá trình sản xuất tạo ra oxit nitơ, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 310 lần CO2.

Ngày nay, ngành thời trang đã có những thử nghiệm mới khi sản xuất vải sợi từ các vật liệu được cho là không gây hại tới môi trường như tre, bắp và cây gai dầu. Đi đầu trong xu hướng này là những hãng thời trang như Alexander McQueen, Gucci, Stella McCartney. Nhà bán lẻ H&M cũng đã tung ra bộ sưu tập nâng cao ý thức phát triển bền vững: Bộ sưu tập Nhận thức (Conscious Collection).

Hãng thời trang Đan Mạch Patagonia bắt đầu được biết đến khắp nơi trên thế giới khi sản xuất quần áo từ rác tái chế. Những bộ trang phục này được các ngôi sao như Kirsten Dunst, Celine Dion, Penelope Cruz quảng bá.

Patagonia bắt đầu tham gia bảo vệ môi trường từ năm 1984 với việc sử dụng catalogue từ giấy tái chế. Hãng cũng đã tích cực sử dụng các vật liệu rác thải khó tái chế để sáng tạo nên các sản phẩm thời trang. Năm 1993, hàng chục triệu vỏ chai soda đã tránh được cái kết tại bãi rác, tiếp tục “sống” với những trang phục mùa đông của Patagonia.

Một bộ trang phục “cao cấp” được làm từ rác tái chế có thể mất từ 100 tới 650 giờ làm việc của thợ may lành nghề và có tuổi thọ chừng 100 năm.

Tham gia quá trình vận động, không thể không kể tới vai trò quan trọng và thái độ nghiêm túc của các nhà bán lẻ. Các siêu thị của Mỹ như Wal-Mart, Target đều tài trợ cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Siêu thị Tesco của Anh thì đã hợp tác với các trung tâm nghiên cứu của Đại học Oxford dán nhãn sản phẩm phân loại dư lượng phát thải carbon.

Bên cạnh đó, việc buôn bán quần áo cũ mặc dù không còn trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, vẫn tham gia quá trình tái sử dụng sản phẩm dệt may.

Trans-America, tập đoàn kinh doanh quần áo cũ, đã tái chế tới hơn 10.000 tấn quần áo cũ mỗi năm. Bên cạnh đó, tại Mỹ còn có tới 45% số quần áo cũ nhưng vẫn mới được xuất sang các nước đang phát triển.  

Theo Nhịp cầu Đầu tư

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM