Vụ "lật đổ" ở Đại học Hoa Sen: Khi cổ tức đi vào trường học

13/08/2014 11:31 AM | Kinh doanh

Khi trường đại học được tổ chức theo cơ chế của một doanh nghiệp, ở đó dù được khoác chiếc áo nào đi nữa thì yếu tố cổ tức, lợi nhuận cũng đang chi phối hoạt động giáo dục.

Sự kiện “lật đổ” tại Trường Đại học tư Hoa Sen cuối tuần qua đang làm chấn động tâm lý không chỉ hàng ngàn sinh viên của trường mà còn làm hoang mang dư luận xã hội. Thêm một lần nữa, câu chuyện này báo động một tình trạng bất ổn khi trường đại học được tổ chức theo cơ chế của một doanh nghiệp, ở đó dù được khoác chiếc áo nào đi nữa thì yếu tố cổ tức, lợi nhuận cũng đang chi phối hoạt động giáo dục.

Câu chuyện khởi đầu từ nhiều năm nay khi Đại học Hoa Sen đã xây dựng được uy tín trong xã hội, số sinh viên theo học ngày càng đông do chương trình dạy theo mô hình mới và hầu hết sinh viên ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm.

Tiền thân đại học này là Trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen do Công ty Scitec thành lập vào năm 1991 với sự hỗ trợ của một vài tổ chức giáo dục và các Việt kiều ở Pháp. Trường đào tạo các ngành nghề trợ lý giám đốc, nhân viên văn phòng có nghiệp vụ về tin học mà chất lượng đào tạo được đánh giá cao từ buổi ban đầu.

Vào năm 1999, do khó khăn tài chính khiến những người chủ xướng xin rút lui, trường được tổ chức lại theo mô hình bán công sau khi TP.HCM đã cấp cho trường quyền sử dụng một cơ sở tại đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1.

Năm 2006 trường được cổ phần hóa trở thành đại học tư thục với tài sản được định giá là 13 tỉ đồng, trong đó 51% cổ phần dành cho cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường, cổ phần còn lại được bán ra ngoài.

Sau một thời gian mua đi bán lại, tỷ lệ cổ phần trên đã thay đổi nhiều, trường lại “ăn nên làm ra” và đây chính là nguyên nhân dẫn đến những xáo trộn do tranh giành quyền lãnh đạo. 

Những ai quan tâm đến giáo dục cũng đều có những lo lắng khi lợi nhuận trở thành động lực chi phối thì trước sau gì những tranh chấp, lật đổ và giành quyền kiểm soát trường học sẽ diễn ra.

Điều tiên đoán này trở thành hiện thực khi ngày 2/8 vừa qua, đại hội cổ đông bất thường của Trường Đại học Hoa Sen do một nhóm cổ đông sở hữu hơn 30% giá trị cổ phần triệu tập đã bãi nhiệm Hội đồng Quản trị do Luật sư Trần Văn Tạo làm Chủ tịch và Hiệu trưởng là bà Bùi Trân Phượng, một nhà giáo có lòng với sự nghiệp giáo dục được nhiều người biết đến.

Lý do đưa ra là đã có những lời tố cáo nhập nhằng trong chi tiêu tài chính và quản lý nhân sự mà thực chất là do xung đột nội bộ. Những lời tố cáo này, cả ông Tạo và bà Phượng đều đã bác bỏ qua các thư ngỏ gửi cho các cổ đông.

Đại hội bất thường này được mô tả như là sự hỗn loạn giữa hai nhóm cổ đông ủng hộ và không ủng hộ HĐQT cũ. Trong số bảy thành viên HĐQT thì năm người không tham dự đại hội, hai người đi dự được giữ lại trong cuộc bỏ phiếu bầu HĐQT mới là nhân vật chính đứng ra tổ chức đại hội bất thường này, trong đó có một phó hiệu trưởng đã bị HĐQT bãi nhiệm. Tuy nhiên kết quả này còn phải chờ cơ quan chức năng xem xét và công nhận mới có giá trị. Điều này cho thấy sự việc không dừng lại ở đây sau cuộc lật đổ này.

Câu chuyện được bàn luận ở đây là luật pháp của chúng ta vẫn xem việc mở trường đào tạo như một hoạt động kinh doanh, thì đó là môi trường tốt cho những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận hơn là vì sự nghiệp giáo dục và nhất là khi tranh chấp có sự tiếp sức của các nhóm lợi ích thì sự việc càng trở nên phức tạp hơn.

Thời gian gần đây, hàng loạt các trường tư gồm đại học, cao đẳng và trung cấp đã thay đổi chủ do lủng củng nội bộ khiến nhiều người có tâm huyết với giáo dục nản lòng. Có thể kể ra đây một danh sách dài: Trường Đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa), Trường Đại học Phan Thiết, Trường Đại học Văn Hiến (tại TP.HCM), Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, Trường Trung cấp Phương Đông… Và nay là Trường Đại học Hoa Sen đang đi theo vết xe đổ của Trường Đại học Hùng Vương, nơi mấy năm trước đây GS-BS Ngô Gia Hy, một người có tâm huyết đã bị “lật đổ” cũng vì những lý do tương tự.

Quy định của Nhà nước theo đó việc cấp phép các trường đại học sẽ giảm dần từ năm 2007 đã làm cho “kinh doanh đại học” trở nên nóng bỏng hơn, các “nhà đầu tư chiến lược” đang chạy đua tìm con đường làm ăn mà họ cho là có hiệu quả nhất trong thời buổi hiện nay. Một nhà đầu tư từng nói “mở trường thì ăn chắc vì sinh viên vào học phải đóng tiền, đang học cũng phải đóng tiền, mà ra trường cũng phải đóng tiền”.

Đại học tư thục không hề mới. Trước năm 1975 tại miền Nam có nhiều đại học uy tín và góp nhiều đáng kể vào việc đào tạo nhân lực cho xã hội như: Viện Đại học Đà Lạt, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Minh Đức, Đại học Hòa Hảo… Các trường đại học này hoạt động theo theo quy chế “phi lợi nhuận” đúng nghĩa là những mô hình tổ chức phù hợp với quan điểm giáo dục tiến bộ.

Ở các nước như Mỹ chẳng hạn đại học tư nhiều hơn cả đại học công và phần lớn hoạt động hữu hiệu và có uy tín, bằng cấp được xã hội đánh giá cao (ngoại trừ một số đại học tư xem làm giáo dục là hình thức kinh doanh, họ đã cấp phát bằng vô tội vạ và làm mất uy tín chính mình).

Thiết nghĩ, có quá nhiều mô hình giáo dục phi lợi nhuận để Nhà nước nghiên cứu tìm một hướng đi đúng đắn cho các trường đại học tư ở nước ta.

>> 'Muốn kinh doanh hãy tránh xa đại học"

Theo Hoàng Hà

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM