Vỡ mộng 10 siêu thị năm 2015, SapoMart “bán mình” cho đối tác ngoại

05/01/2016 08:21 AM | Kinh doanh

Từng đặt mục tiêu phát triển hệ thống 10 siêu thị trong năm 2015, 20 siêu thị đến hết năm 2016 tuy nhiên, SapoMart đã đột ngột đóng cửa 2 siêu thị SapoMart Giảng Võ, SapoMart Tây Hồ trong khi SapoMart Hà Đông treo biển "xả hàng", giảm giá để "cải tạo mặt bằng".

Chuyển nhượng cho đối tác ngoại?

Sức ép cạnh tranh trên thị trường bán lẻ khiến không ít doanh nghiệp đã phải rời thị trường, chuyển nhượng, bán toàn bộ hoặc một phần cho các đối tác nước ngoài. Do đó, thông tin 2 siêu thị SapoMart Giảng Võ, SapoMart Tây Hồ đóng cửa và không ngoại trừ khả năng SapoMart Hà Đông cũng chung số phận có lẽ không còn là thông tin quá bất ngờ trong thời điểm này.

Khảo sát tại siêu thị SapoMart Hà Đông chiều 4/1 cho thấy, tại tầng 1, 2 siêu thị hầu hết các sản phẩm hàng gia dụng, thời trang, dệt may, văn phòng phẩm... đều được giảm từ 30-80%. Tầng 3, chuyên kinh doanh thực phẩm như thịt cá, rau củ quả, thực phẩm đông lạnh, chế biến... đã đóng cửa.

Tại tầng 1, 2 của siêu thị chỉ còn lác đác một số nhân viên thu ngân và nhân viên bảo vệ, quá nửa số tủ hàng đã được dọn sạch đồ, số còn lại vì giảm giá nên lượng khách hàng mua tương đối cao.

Không chỉ giảm giá với mức giá phổ biến khoảng 30%-50%, đối với một số mặt hàng bày bán tại đây còn áp dụng hình thức khuyến mại mua 1 tặng kèm 1 sản phẩm.

Bên cạnh những mặt hàng giảm giá có nguồn gốc xuất xứ, được bảo hành từ công ty sản xuất hoặc nhập khẩu chính hãng, tại tầng 1 của siêu thị, các sản phẩm như túi xách, giày xuất xứ từ Trung Quốc cũng được bày bán tràn lan. Đa số các sản phẩm này đều có mức giá khá rẻ, từ 50.000-200.000 đồng/sản phẩm sau khi giảm.

Tầng 2 siêu thị SapoMart Hà Đông, nhiều tủ hàng đã trống trơn. Ảnh: N.Thảo
Tầng 2 siêu thị SapoMart Hà Đông, nhiều tủ hàng đã trống trơn. Ảnh: N.Thảo

Theo một nhân viên bán hàng tại đây, nửa tháng trước, siêu thị đã liên lạc với chủ gian hàng và các nhà phân phối đề nghị thu hàng hoá, trả lại mặt bằng. Do đó, hầu hết hàng hoá bán tại siêu thị đều được giảm giá, thậm chí lên đến 80% để được "giải tán" khỏi siêu thị.

Mặc dù tấm biển quảng cáo đặt trước 2 cửa ra vào siêu thị ghi "Xả toàn bộ hàng hoá để cải tạo mặt bằng siêu thị giảm đến 80% trong vòng 10 ngày" và cam kết "siêu thị sẽ mở cửa hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất" nhưng không có dòng nội dung thông báo ngày bắt đầu và kết thúc đợt giảm giá.

Cách đây chỉ một năm SapoMart cũng đã được cải tạo mặt bằng và chính thức được đổi tên, thay đổi bộ thương hiệu mới từ Hiway Supercenter thành SapoMart như hiện nay. Hiện, nhiều thông tin cho biết, có một nhà bán lẻ liên doanh giữa Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiến hành sử dụng lại mặt bằng của SapoMart.

Vốn từng không là "vấn đề khó khăn"

SapoMart là một cái tên mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam mới chỉ tồn tại và hoạt động trong một năm, nhưng kể từ khi được thay tên, thay đổi nhận dạng thương hiệu mới từ Hiway Supercenter thành SapoMart, lãnh đạo của SapoMart đã từng đặt nhiều kỳ vọng về chuỗi siêu thị này.

Lãnh đạo CTCP Hiway Việt Nam (quản lý hệ thống siêu thị SapoMart) từng cho biết, công ty quyết tâm đưa hệ thống siêu thị SapoMart trở thành siêu thị thân thiện số 1 tại Việt Nam. Phát triển hệ thống 10 siêu thị trong năm 2015, 20 siêu thị đến hết năm 2016. Trở thành top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đến năm 2020.

Đồng thời, đặt ra sứ mệnh, đem lại một không gian mua sắm chuyên nghiệp và thân thiện số 1 tại Việt Nam. Khẳng định vị thế của nhà bán lẻ Việt, vì người Việt, của người Việt. Mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt.

Tại buổi công bố đổi tên và thương hiệu diễn ra vào ngày 6/1/2015, ông Lê Hoàng Hà, một trong hai thành viên chủ chốt của Tập đoàn Sơn Hà từng cho biết, việc đổi tên và công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới không phải chỉ là sự "thay áo" mà là sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, với một hướng đi mới trong đó trọng tâm là hướng đến khách hàng.

Slogan của chuỗi siêu thị thay vì "Hiway - Giá rẻ mỗi ngày" đã thay bằng "SapoMart - Thân quen mỗi ngày" và cho rằng, không xem cạnh tranh bằng giá làm mục tiêu phát triển siêu thị mà sẽ cạnh tranh bằng dịch vụ, thái độ và sự chăm sóc với khách hàng.

Thời điểm này, lãnh đạo Hiway Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng này cam kết hỗ trợ đến 70% vốn cho cả chuỗi siêu thị sẽ được mở ra trong kế hoạch do đó vốn không phải là vấn đề khó khăn với Hiway.

Ngoài ra, thời điểm này, ông Hà cũng chia sẻ, Hiway Việt Nam đã dừng kế hoạch chuyển cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài và Tập đoàn Sơn Hà vẫn là cổ đông lớn và khẳng định sẽ chuyển đổi cơ cấu hoạt động thay vì bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài.

Khẳng định trên được đưa ra khi không lâu trước đó một số thông tin cho biết, CTCP Quốc tế Sơn Hà, đơn vị nắm đến 75% cổ phần của Hiway Supercenter đang thương thảo với một vài đối tác ngoại để bán cổ phần mảng siêu thị để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.

Theo NGUYỄN THẢO

Cùng chuyên mục
XEM