Vinamilk xin ý kiến cổ đông rút bớt 7 mã ngành kinh doanh

15/02/2016 19:25 PM | Kinh doanh

Vinamilk dự kiến rút 7 mã ngành kinh doanh như Bốc xếp hàng hóa, Hoạt động dịch vụ chăn nuôi, Hoạt động dịch vụ sau thu hoạch, Hoạt động dịch vụ trồng trọt...Việc rút bớt ngành nghề này nhiều khả năng phục vụ cho quá trình nới room của công ty.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk-VNM) vừa công bố Nghị quyết HĐQT ngày 15/2/2016 về việc quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội cổ đông về việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh của công ty.

Phương án thay đổi ngành nghề kinh doanh được HĐQT vạch ra như sau:

Rút 7 mã ngành gồm:

-Bốc xếp hàng hóa (mã ngành 5224)

-Hoạt động dịch vụ chăn nuôi (mã ngành 0162)

-Hoạt động dịch vụ sau thu hoạch (mã ngành 0163)

-Hoạt động dịch vụ trồng trọt (mã ngành 0161)

-Xử lý hạt giống để nhân giống (mã ngành 0164)

-In ấn (Chi tiết in trên bao bì (không hoạt động tại trụ sở)) (mã ngành 1811)

-Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất (mã ngành 6820)

2 mã ngành được điều chỉnh nội dung chi tiết của ngành nghề là

-Vận tải hàng hóa bằng đường bộ (chi tiết: Vận tải hàng hóa nội bộ bằng ô tô phục vụ cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty)

-Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (Chi tiết tại điều 11.3 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014).

Ngày đăng ký cuối cùng dự kiến để chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản là 29/2/2016 và thời gian dự kiến hoàn tất việc lấy ý kiến là vào cuối tháng 3/2016.

Vinamilk không đưa ra lý do chi tiết về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh như trên. Tuy nhiên, nhiều khả năng, việc rút bớt ngành nghề kinh doanh này liên quan đến việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hồi cuối năm 2015, ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN cho biết mặc dù ra mắt thông tư 60 vào giữa năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào thực sự mở room. Theo ông Vũ Bằng, có 2 điểm khiến thông tư này chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng:

Thứ nhất, là danh mục đầu tư có điều kiện và Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối – vẫn chưa chính thức được ban hành.

Thứ hai, nếu nới room lên mức 51% trở lên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ được xác định là Doanh nghiệp nước ngoài, với những quy chế đối xử riêng biệt – có thể nảy sinh những bất lợi so với trước. Điều này gây sự lúng túng không nhỏ cho các doanh nghiệp dự kiến nới room.

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM